Chuẩn bị mạ cho vụ cấy lúa xuân

08:01, 11/01/2012
Nông dân xã Minh Tân (Vụ Bản) chống rét cho mạ xuân.
Nông dân xã Minh Tân (Vụ Bản) chống rét cho mạ xuân.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, các đợt rét đậm, rét hại tập trung vào tháng 1 và đầu tháng 2, đúng thời điểm gieo mạ vụ xuân. Để giành năng suất lúa vụ xuân, đồng thời tạo điều kiện đẩy sớm vụ lúa mùa cho phát triển trồng cây vụ đông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ cấu giống lúa cấy trong vụ xuân chủ yếu dùng giống ngắn ngày năng suất cao, chất lượng gạo khá, có khả năng chống chịu và thích ứng rộng như D.ưu 527, D.ưu 725, TX111, N69, VQ14, TH3-3 (lúa lai), BT7, NĐ1, TBR45, KD18, VHC, QR1, N87, N97 (lúa thuần). Vụ xuân 2012, toàn tỉnh phấn đấu gieo sạ chiếm 30% diện tích trở lên. Riêng huyện Nam Trực đã đăng ký gieo sạ đạt 60% tổng diện tích trở lên. Thời gian gieo sạ hàng tốt nhất từ ngày 10 đến 15-2-2012. Để lúa xuân trỗ vào thời điểm tốt nhất (từ ngày 10 đến 15-5) tránh được rét muộn, mưa rào sớm và gió Lào thì thời gian gieo mạ được ấn định từ ngày 25-1 đến 5-2, tuỳ theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa. Việc chọn các loại giống lúa theo hướng dẫn của ngành NN và PTNT, nếu tỷ lệ nảy mầm đạt từ 80% trở lên là giống tốt và thực hiện 3 cùng “cùng giống, cùng thời vụ, cùng cánh đồng” để quy hoạch vùng gieo, cấy tại địa phương. Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh trước khi ngâm ủ, nên phơi hạt giống qua nắng, sau đó ngâm nước muối 15% để loại bỏ hạt lửng, hạt lép và diệt các mầm bệnh, đồng thời, ngâm ở nhiệt độ khoảng 540C. Riêng giống lúa lai D.ưu 527 trước khi ngâm “3 sôi 2 lạnh” phải ngâm 10 phút với thuốc để trừ nấm von; khi ủ bảo đảm đủ nhiệt 30-320C, sau 24-30 giờ kiểm tra, nếu thấy khô thì tưới nước bổ sung, ủ đến khi mộng, rễ dài bằng 1/2 hạt thóc thì đem gieo. Tại huyện Trực Ninh, từ vài năm nay đã áp dụng phương pháp gieo mạ nền cứng và được nhân rộng với 100% diện tích lúa cấy trong vụ xuân năm nay. Tuy mới áp dụng phương pháp gieo mạ nền nhưng kỹ thuật gieo mạ nền và bảo vệ mạ của nông dân Trực Ninh khá hoàn chỉnh, lường được những khó khăn về thời tiết. Nơi gieo mạ phải chọn nền đất kín gió hướng bắc, đủ ánh sáng và thoát nước tốt. Chọn bùn trải gieo không chua, không mặn, không hẩu và lấy trước khi gieo 1-2 ngày. Trộn bùn với phân chuồng hoai mục theo tỷ lệ 2 bùn 1 phân chuồng, cứ 5m2 nền trộn thêm 1kg phân lân supe; dàn bùn dày 2cm, theo luống rộng 1-1,2m. Gieo với mật độ: 1kg gieo 5m2 nền (lúa lai) và 1kg gieo 3m2 nền (lúa thuần), sau khi gieo dùng chổi hoặc bao tải dập nhẹ cho chìm mộng mạ. Tưới mạ nền cứng ngày 2 lần bằng ô doa vào buổi sáng và buổi chiều; tưới vừa đủ, không để nước đọng trên luống và rãnh mạ. Kỹ thuật gieo mạ nền không khó nhưng bảo đảm cho mạ nền đạt tiêu chuẩn cứng cây, đanh dảnh, lá màu xanh tươi, sạch sâu bệnh có chiều cao cây 10-12cm khi đạt 2,5 lá để cấy thì việc bảo vệ, chống rét cho mạ đặc biệt quan tâm, nhất là năm nay là năm được dự báo là rét đậm, rét hại đúng thời điểm gieo và bảo vệ mạ xuân. Theo đồng chí Trần Thanh Hoài, chủ nhiệm HTXNN dịch vụ xã Xuân Phú (Xuân Trường) phải che mạ bằng ni-lon, mạ gieo 4-5 ngày ngay sau khi gieo để giữ nhiệt độ cho mạ “ngồi” nhanh. Nếu nhiệt độ dưới 150C phải che cả ngày lẫn đêm. Khi nhiệt độ cao hơn 150C: ngày mở, đêm che. Trước khi cấy 5-7 ngày mở hết ni-lon để luyện mạ khi phát hiện mạ nền bị chết chòm, nhanh chóng loại bỏ mạ chết chòm và đặt mạ lên lớp bùn mới hoặc cấy ngay khi nhiệt độ đạt trên 150C... Ngoài ra, việc kiểm tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại trên mạ như rầu nâu, rầy lưng trắng, dòi đục nõn, bọ trĩ...; đặc biệt phòng bệnh lùn sọc đen trên lúa, các địa phương chỉ đạo nông dân tổ chức phun một trong các loại thuốc nội hấp như Actara 25MG, Peualty 40WP, Dantotsu 16WSG... “tiễn chân” mạ trước khi cấy 3-4 ngày.

Gieo mạ đúng thời gian, bảo vệ mạ tốt, có mạ dự phòng để cấy hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất cùng với việc lấy nước, làm đất tốt theo phương châm “ruộng chờ mạ” là tiền đề quan trọng để giành thắng lợi vụ lúa xuân năm 2012./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com