Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để phát triển sản xuất kinh doanh

07:01, 10/01/2012

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại là cách nhanh nhất để tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa giúp các doanh nghiệp duy trì, củng cố các mối quan hệ với các khách hàng truyền thống và tạo cơ hội tìm kiếm thêm các bạn hàng mới. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại hạn hẹp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tiếp tục mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác với nhiều đơn hàng lớn.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Cty CP Thúy Đạt (TP Nam Định) tại Hội chợ hàng CN-TTCN, làng nghề và hàng tiêu dùng khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2011.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Cty CP Thúy Đạt (TP Nam Định) tại Hội chợ hàng CN-TTCN, làng nghề và hàng tiêu dùng khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2011.

Trước thực tế các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu trực tiếp ngày càng bị hạn chế, Cty CP Dệt may Sơn Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp xúc tiến thương mại. Đối với các thị trường truyền thống, đã có thế mạnh của doanh nghiệp như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, EU... Cty thường xuyên gửi các mẫu hàng mới, nâng cấp chất lượng để đối tác có điều kiện cập nhật được sức phát triển mới của đơn vị. Cty dành thời gian, nhân lực tham gia nhiều hội chợ lớn trong nước và các hội chợ quốc tế. Năm 2011, Cty đã đầu tư kinh phí tham dự triển lãm quốc tế về máy móc thiết bị dệt may ITMA tại Barcelona (Tây Ban Nha). Đây là triển lãm quy mô toàn thế giới và được xem như “Thế vận hội Olympic” của ngành công nghiệp máy móc dệt may và được tổ chức 4 năm một lần (từ năm 1951). Tại khối các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận các thị trường tiềm năng, xuất khẩu trực tiếp hàng tre, nứa ghép không qua trung gian đem lại giá trị xuất khẩu cao. Cty CP Najimex Nam Định, doanh thu hằng năm khoảng 10 triệu USD; Cty CP Tập đoàn Hoàng Mai (Ý Yên) doanh thu mỗi năm đạt gần 7 triệu USD. Tại các xã Yên Tiến, Yên Hồng (Ý Yên), Liên Minh (Vụ Bản) cũng có hàng chục doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng này, thu hút gần 5.000 lao động nông thôn với thu nhập từ 1 đến 1,6 triệu đồng/tháng… Cty TNHH Dịch vụ và thương mại Bình Minh, xã Bình Minh (Nam Trực) đã giới thiệu và chào bán sản phẩm trên mạng Internet. Cty tham gia hàng loạt hội chợ trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, Cty còn tham dự các triển lãm tranh, các hội thi và một số tác phẩm đã đoạt giải cao, được tặng Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao. Để sản phẩm tiếp cận sớm với nhu cầu sử dụng của khách hàng, Cty đã thực hiện phương thức ký gửi sản phẩm của mình tại các phòng tranh, các đại lý phân phối tranh lớn và có thương hiệu trên thị trường…

Ngoài các doanh nghiệp kể trên, còn có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dù đã mất nhiều công sức, kinh phí để chào bán sản phẩm theo phương thức không thu hồi, khuyến mại dùng thử hoặc tham gia các hội chợ lớn với mức lệ phí đắt đỏ nhưng vẫn chưa có thêm được cơ hội kinh doanh mới. Nguyên nhân do các doanh nhiệp còn hạn chế về kiến thức quản trị doanh nghiệp. Không phải tất cả các doanh nghiệp chủ động xúc tiến thương mại đều có thể hiểu được việc tham gia hội chợ không chỉ giúp các doanh nghiệp giới thiệu được năng lực của bản thân, tiếp cận được các bạn hàng mới mà cái được lớn hơn lại nằm ở khía cạnh doanh nghiệp có thể đánh giá một cách chính xác xu hướng thị trường, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để có căn cứ làm cơ sở xây dựng định hướng, chiến lược đúng đắn trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển các nguồn lực, công nghệ và cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã… Theo ông Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Cty CP Dệt may Sơn Nam thì nhờ tham dự các hội chợ quốc tế, Cty đã tiếp cận được sự phát triển của công nghệ máy móc tiên tiến và áp dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất của đơn vị. Năm 2005, Cty đã đầu tư hai nhà máy sợi OE có công suất 6.000 tấn/năm tại KCN Hoà Xá (TP Nam Định), cùng với nhà máy dệt khăn sản lượng 3.000 tấn/năm với hệ thống dây chuyền thiết bị, công nghệ đồng bộ thuộc thế hệ mới nhất của Thụy Sỹ (hãng Riester) và Cộng hoà Liên bang Đức. Năm 2010, Cty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy sợi số 3 với công nghệ của Đức và Italia chuyên dệt các loại vải cao cấp như vải bò, vải kaki... Năm 2011, khi tham gia chương trình tham quan hội chợ ITMA, doanh nghiệp có cơ hội chứng kiến nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại trong ngành và tham gia các hoạt động đào tạo, chia sẻ thông tin nên Cty đã quyết định sớm hoàn thiện các điều kiện để xây dựng và đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại đã giúp Cty giải quyết được những khó khăn về chất lượng, số lượng và thời gian giao hàng theo hợp đồng. Hiện tại thương hiệu và uy tín của Cty đang ngày càng lớn mạnh trên thị trường quốc tế. Cty luôn bảo đảm việc làm cho hơn 1.000 lao động tại nhà máy và khoảng 2.000 lao động tại các làng nghề dệt truyền thống trên địa bàn tỉnh… Còn theo bà Nguyễn Thị Nhâm, giám đốc Cty TNHH Dịch vụ và thương mại Bình Minh, những hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp Cty tạo dựng được danh tiếng để thu hút được nhiều đối tác mới đến từ những tỉnh, thành lớn trên toàn quốc như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh…

Thời gian tới, để hoạt động xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao nhất, các doanh nghiệp cần có sự đồng hành, hỗ trợ hiệu quả của các ban, ngành trong việc đầu tư, bố trí nguồn lực, kinh phí cho các hoạt động này./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com