Yên Thành tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa

07:01, 10/01/2012
Gia đình chị Nguyễn Thị Thêm ở thôn Thanh Trung, xã Yên Thành (Ý Yên) trồng cà chua và rau màu vụ đông thu lãi từ 3-4 triệu đồng/sào.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thêm ở thôn Thanh Trung, xã Yên Thành (Ý Yên) trồng cà chua và rau màu vụ đông thu lãi từ 3-4 triệu đồng/sào.

Là vùng chiêm trũng, từ nhiều năm nay, xã Yên Thành (Ý Yên) đã thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, xã đã quy hoạch được 200ha sản xuất 2 vụ lúa ở các thôn Bô Sơn, Vạn Phúc, Đô Hoa; chuyển đổi 100ha cấy lúa kém hiệu quả sang áp dụng mô hình lúa, cá ở các thôn Hưng Ngãi, Đông Phú, An Hộ và 20ha chuyên trồng màu, tập trung ở các thôn Thanh Trung, Ngọc Minh, Thượng Đồng. Trên chân đất 2 vụ lúa, xã tập trung gieo cấy các giống lúa thuần và lúa lai đạt năng suất cao gồm 160ha giống lúa Khang Dân 18, Việt Hương Chiếm, 20ha giống Nhị ưu 838 và 20ha lúa nếp N87, N97. Vụ mùa 2011, xã đã xây dựng mô hình điểm cấy khảo nghiệm giống lúa thuần BC15 với tổng diện tích 5ha, năng suất đạt 65-70 tạ/ha, cao hơn so với các giống lúa thuần khác, đặc biệt là khả năng chống chịu bạc lá tốt, chất lượng gạo ngon. Năm 2012, xã chủ trương chuyển đổi 40ha diện tích cấy lúa Việt Hương Chiếm, Khang Dân 18 sang gieo cấy giống BC15 để nâng năng suất trên 1ha canh tác, tăng thu nhập cho các hộ dân. Từ vụ xuân năm 2008, xã đã tiến hành áp dụng phương pháp gieo sạ hàng trên 60% diện tích đất cấy lúa, góp phần tiết kiệm chi phí lao động, tăng năng suất lúa. Mặc dù thời tiết năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng năng suất lúa xuân của xã vẫn đạt 64 tạ/ha, năng suất lúa mùa ước đạt 57 tạ/ha. Anh Nguyễn Văn Cương ở thôn Hương Ngãi cho biết, đợt DĐĐT của xã năm 2004, gia đình anh đã dồn đổi tập trung được 2,3 mẫu ruộng. Đến năm 2007, anh tiến hành chuyển đổi hơn 8 sào đất cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi thả cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, mỗi năm thu hoạch 2 lứa cá với sản lượng ước đạt 2 tấn/năm, trừ các chi phí, gia đình anh thu về từ 40-50 triệu đồng/năm. Trên diện tích còn lại, anh xây dựng khu chuồng trại với 15 ô chuồng nuôi hơn 70 con lợn thịt mỗi năm lãi từ 100-150 triệu đồng. Với hơn 20ha quy hoạch chuyên canh vụ đông, các hộ dân tập trung trồng cà chua, lạc xuân, bí xanh cho thu nhập 3-4 triệu đồng/sào. Vụ đông năm nay, chị Nguyễn Thị Thêm ở thôn Thanh Trung trồng 6 sào cà chua và rau màu ngắn ngày các loại và thuê thêm hơn 7 sào ruộng để trồng thêm su hào, cà chua, hành, tỏi, trung bình mỗi năm gia đình chị có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Hộ các ông Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Thanh Trung, ông Hoàng Văn Kiệm ở thôn Phú Thọ cũng đều có thu nhập cao từ trồng màu vụ đông, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên 1ha canh tác của toàn xã đạt 70 triệu đồng/năm. Hiện xã có 17 trang trại và hơn 50 gia trại, tập trung ở thôn Đông Phú. Được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông tỉnh, xã đã xây dựng được các mô hình nuôi lợn hướng nạc sinh sản ở các hộ bà Nguyễn Thị Ngân ở thôn Quán Chàng, anh Hoàng Văn Hải ở thôn Đông Phú; triển khai dự án nuôi gà an toàn sinh học cho hơn 51 hộ nghèo trong xã. Tham gia mô hình nuôi lợn hướng nạc sinh sản, các hộ được hỗ trợ 700 nghìn đồng/con lợn giống từ Trung tâm Giống gia cầm tỉnh Nam Định, tiền mua thức ăn cám công nghiệp, xây dựng chuồng trại; hướng dẫn kỹ thuật tạo đệm lót sinh thái bằng trấu trộn mùn cưa và men vi sinh, đồng thời được hướng dẫn cặn kẽ về quy trình chăn nuôi lợn hướng nạc, tiêm phòng bệnh cho đàn lợn định kỳ 4 tháng/lần. Anh Hoàng Văn Hải cho biết, đến nay, anh đã phát triển đàn lợn lên tới 200 con với 10 con lợn nái. Mỗi tháng gia đình anh xuất bán hơn 10 tấn thịt lợn hơi, trừ các chi phí mỗi năm thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Ngoài 2 sào ao nuôi cá truyền thống, anh Hải còn nuôi thử nghiệm hơn 300 con cá trắm đen từ tháng 9-2011 đồng thời kết hợp với nuôi thả gà đồi, gà móng Tiên Phong (Hà Nam) cùng với hơn 350 con vịt thịt. Dự kiến năm nay, anh sẽ đầu tư thêm 320 triệu đồng để xây dựng chuồng trại rộng 200m2 theo mô hình nuôi lợn công nghiệp để nuôi 100 con lợn hướng nạc. Ngoài trang trại của gia đình anh Hải, ở xã còn nhiều mô hình trang trại hiệu quả như trang trại của anh Lê Quyết ở thôn Đông Phú; trang trại cá của các ông Nguyễn Mạnh Tấn, Nguyễn Mạnh Thiều ở thôn Ngọc Minh; trang trại nuôi vịt của ông Hoàng Quý, gia trại nuôi ba ba của ông Hoàng Hiền ở thôn Đông Phú. Năm 2011, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của xã ước đạt hơn 400 tấn/năm.

Quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân xã Yên Thành. Để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xã Yên Thành sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, quy hoạch các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, xa khu dân cư, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với thủ tục cấp giấy phép mô hình trang trại, gia trại để vay vốn thêm mở rộng sản xuất./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com