PHẠM THẾ DUYỆT
nguyên Thường trực Bộ Chính trị,
nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 8 năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong những bài học quan trọng rút ra trong công tác này những năm qua là phải “dựa vào dân, lắng nghe dân”. Người đứng đầu Ðảng, Nhà nước ta còn nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, đó là phải: “Ðộng viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công”.
Tranh của Hà Huy Chương. |
Có thể nói, trong 8 năm từ khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, đặc biệt trong nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng, công tác đấu tranh PCTN đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có bước đột phá với nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong xử lý cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao. Kết quả đó được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. “Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước”, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Nghiên cứu bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại hội nghị tổng kết này, tôi rất tán đồng với những đánh giá kết quả, nguyên nhân, bài học rút ra và phương hướng cơ bản về công tác PCTN trong thời gian tới. Tôi tâm đắc và rất quan tâm khi đồng chí Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN nhấn mạnh nhiều lần về vai trò và sự tham gia của nhân dân trong công tác PCTN. Một trong những nguyên nhân cơ bản làm nên kết quả, theo đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, là do có “sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân... tạo sức mạnh tổng hợp trong PCTN”. Bài học quan trọng được rút ra, đó là: “Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân”; “Phải quán triệt sâu sắc tư tưởng “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng, nhưng không chạy theo dư luận”.
Là người nhiều năm được Ðảng giao làm công tác vận động quần chúng, công tác mặt trận, tôi rất thấm thía bài học về phát huy vai trò của nhân dân trong lịch sử nói chung, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa nói riêng. Ðúng như tiền nhân đã tổng kết: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” và “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tôi cũng ngẫm rằng: Chúng ta hạnh phúc có được Bác Hồ, người lãnh tụ kiệt xuất từng trải qua tất cả những khó khăn của người lao động trong quá trình đi tìm đường cách mạng. Bác hiểu được tình hình thế giới, các nước thuộc địa khó khăn, dân tộc bị nô lệ, áp bức. Từ đó, Người hiểu được sức mạnh cách mạng là phát huy vai trò của quần chúng, không có nhân dân thì không làm gì được.
Trong công tác PCTN, dựa vào dân, lắng nghe dân, tôi cho rằng đó không phải là duy lý, giáo điều mà là vấn đề tự thân, là vấn đề có tính nguyên tắc, bài học lịch sử.
Ðể phát huy vai trò của nhân dân trong cuộc đấu tranh này, đòi hỏi Ðảng phải luôn gắn bó chặt chẽ, thấu hiểu và quan tâm giải quyết những lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, cán bộ và đảng viên các cấp theo tinh thần lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Ðó cũng là nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trong đấu tranh PCTN thời gian tới mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ vấn đề cốt lõi là Ðảng phải luôn luôn dựa vào nhân dân, lắng nghe nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, liêm khiết, giữ gìn trong sạch, không hà lạm của dân, không quan liêu, hách dịch với dân. Phải nói và làm để dân hiểu, dân tin. Thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” như dự thảo văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng xác định. Tôi còn cho rằng, khi giải quyết quan hệ với dân, nhất là liên quan đến các vụ việc, sai phạm của tập thể và cá nhân thì cấp ủy, cán bộ các cấp cần phải chân thành, cầu thị. Sai thì nhận lỗi, xử lý nghiêm minh; đúng thì kiên trì thuyết phục để dân hiểu và ủng hộ. Cán bộ phải gương mẫu, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ. Ðồng thời, cần có cơ chế để cho dân kiểm soát cán bộ.
Ðể “dựa vào dân, lắng nghe dân” trong cuộc đấu tranh PCTN là còn phải biết phát huy dân chủ, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó có vai trò quan trọng của mặt trận và các tổ chức thành viên tham gia kiểm tra, giám sát. Tôi muốn nhấn mạnh tới việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là dân chủ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Các vụ việc lớn vừa qua hầu hết đều liên quan đến thực hiện nguyên tắc này. Ðó là những vi phạm dân chủ nghiêm trọng, là sự tập trung quyền lực, là cá nhân chủ nghĩa, là độc đoán, chuyên quyền... Ðể đấu tranh PCTN đạt được kết quả cơ bản và bền vững thì phải thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, “trên nóng, dưới cũng nóng”. Nó phải được ngăn ngừa, phát hiện và xử lý từ cơ sở chứ không chỉ sôi sục ở Trung ương hay chỉ làm khi có kết quả thanh tra, kiểm tra của trên và thông tin của báo chí, sức ép của dư luận...
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm điều này, “cuộc chiến” đấu tranh PCTN thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là quyết tâm rất cao của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị, của Trung ương. Ðạt được kết quả đó không hề đơn giản vì đây là cuộc đấu tranh với “địch bên trong”, nhiều khóa đã làm nhưng kết quả chưa như mong muốn. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta phải bình tĩnh, đánh giá đúng mức và tuyệt đối không được chủ quan. Phải làm sao để đấu tranh PCTN thành nhu cầu tự thân, thành phong trào rộng rãi trong nhân dân, từ cơ sở phải có các mô hình, điển hình cụ thể trong PCTN.
Từ kết quả rõ rệt, có tính đột phá trong đấu tranh PCTN của nhiệm kỳ Ðại hội XII, tôi tin tưởng và kỳ vọng các nhiệm kỳ tiếp theo, cuộc đấu tranh này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, kết quả toàn diện hơn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ mới, chúng ta phải bắt tay làm quyết liệt hơn, không do dự với tinh thần “ai không làm thì đứng sang một bên”. Trong “cuộc chiến” đó, “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn./.
HOÀNG TIẾN (ghi)