Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt chương trình nghị sự

06:11, 18/11/2020

Sau gần 20 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Ngay sau khi bế mạc kỳ họp, Báo Nam Định đã phỏng vấn đồng chí Trương Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh về những nội dung liên quan.

Các đại biểu Quốc hội của tỉnh bấm nút thông qua các dự án luật tại kỳ họp.  Ảnh: Xuân Thu

Các đại biểu Quốc hội của tỉnh bấm nút thông qua các dự án luật tại kỳ họp.

Ảnh: Xuân Thu

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những nội dung chính và những kết quả đạt được của kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV?

Đồng chí Trương Anh Tuấn: Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Cả nước vừa tập trung chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả của mưa lũ; vừa đẩy mạnh phục hồi kinh tế, ổn định xã hội.

Trong bối cảnh ấy, kỳ họp đã diễn ra trong 18 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Với tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, đoàn kết, Quốc hội đã hoàn thành tốt chương trình nghị sự. Trong đó, về công tác lập pháp, Quốc hội đã thảo luận thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến để hoàn thiện 4 dự án luật khác. Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng như: Báo cáo đánh giá kết quả triển khai, thực hiện các kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2016-2020 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021. Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét việc triển khai thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2016-2020; quyết định, rà soát, lồng ghép các mục tiêu cần ưu tiên trong các chương trình để tránh chồng chéo, phân tán, thiếu tập trung, hiệu quả không cao. Quốc hội đã đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An và Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận. Quốc hội đã quyết định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Quốc hội đã thảo luận, góp ý vào các Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội đã quyết định ngày Chủ nhật 23-5-2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội đã xem xét, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh; chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng do được nhận nhiệm vụ mới; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng. Phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 3 Thẩm phán Tòa án nhân dân. Công tác nhân sự được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận cao.

Phóng viên: Công tác xây dựng pháp luật đã được kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV đặc biệt quan tâm. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam... Đề nghị đồng chí trao đổi thêm về các vấn đề này?

Đồng chí Trương Anh Tuấn: Luật Cư trú được sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Luật gồm 7 chương, 38 điều. Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý điện tử bằng việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu về cư trú có sự kết nối, liên thông trên toàn quốc thông qua việc sử dụng số định danh cá nhân gắn với từng công dân. Luật cũng quy định việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều áp dụng các điều kiện như nhau, không có sự phân biệt giữa các địa bàn như hiện tại. Để bảo đảm thuận lợi cho công dân, Luật cũng cho phép kể từ ngày 1-7-2021 khi Luật có hiệu lực thi hành, các loại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng làm giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Đối với Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi nhằm tăng cường quản lý Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc mọi người dân được sống trong môi trường trong lành. Luật gồm 16 chương, 175 điều với các nội dung mới như đánh giá sơ bộ tác động môi trường; giấy phép môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ; quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm; ứng phó biến đổi khí hậu; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường… Nhà nước có chính sách khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại rác thải sinh hoạt và chuyển giao đến nơi quy định để xử lý...

Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới. Luật gồm 6 chương, 36 điều quy định về nhiệm vụ Biên phòng; lực lượng Biên phòng; trách nhiệm, chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, thực thi nhiệm vụ Biên phòng; chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về Biên phòng...

Phóng viên: Kỳ họp lần này Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV. Xin đồng chí cho cử tri trong tỉnh biết cụ thể hơn về hoạt động chất vấn tại kỳ họp lần này?

Đồng chí Trương Anh Tuấn: Thực hiện chương trình kỳ họp thứ mười, trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi. Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, có sự tranh luận, làm rõ trách nhiệm liên qua đến vấn đề chất vấn. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đặt câu hỏi ngắn gọn. Các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành đã trả lời các câu hỏi, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục. Tổng cộng đã có 122 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn, có 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khóa XV tiếp tục giám sát thực hiện.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết về các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh tại kỳ họp và những kế hoạch tiếp theo của Đoàn trong thời gian tới?

Đồng chí Trương Anh Tuấn: Trước kỳ họp thứ mười, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri ở 10 huyện, thành phố; tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật được xem xét thông qua để cho ý kiến tại kỳ họp. Tại kỳ họp lần này, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tham gia vào các nội dung của kỳ họp, tham dự các phiên họp theo quy định. Các đại biểu Quốc hội của tỉnh đã chủ động tham gia phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc. Tại kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã có 8 lượt phát biểu tại tổ thảo luận, 5 lượt phát biểu hội trường, có 1 ý kiến tranh luận và có 2 đại biểu tham gia chất vấn. Trong thời gian tới, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2021), Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh sẽ tổ chức gặp gỡ các thế hệ đại biểu Quốc hội của tỉnh và tiến tới tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021)...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Xuân Thu (thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com