Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, trong các ngày 2 và 3-5-2013, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh gồm các đồng chí và các vị: Nguyễn Anh Sơn, TUV, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hằng; Linh mục Lê Ngọc Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã tổ chức các đoàn tiếp xúc cử tri tại các xã Hải Minh, Hải Bắc, Hải Trung (Hải Hậu); Thọ Nghiệp, Xuân Phú, Xuân Đài (Xuân Trường) và Giao Xuân, Giao Lạc (Giao Thủy).
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã báo cáo với các cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và tóm tắt trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri Nam Định tại các kỳ họp trước. Dự kiến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 20-5-2013 và bế mạc ngày 25-6-2013. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định những vấn đề chính sau: Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2012, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011; xem xét thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nghe một số báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác…
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã nghe lãnh đạo các địa phương, cơ sở báo cáo tình hình kết quả thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, an ninh - quốc phòng quý I và những nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2013, đồng thời nghe cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đề xuất, kiến nghị những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay.
Phần lớn các ý kiến của cử tri các xã Hải Minh, Hải Bắc, Hải Trung đều tập trung vào việc thực hiện chương trình xây dựng NTM với những khó khăn, thuận lợi và những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Cử tri xã Hải Trung đề nghị, nguồn kinh phí hỗ trợ cho các xã xây dựng NTM cần được tính đến yếu tố đặc thù, quy mô xã loại 1, 2, 3, tránh hỗ trợ phân bổ kinh phí bình quân như hiện nay, không sát với thực tế và không công bằng. Cử tri xã Hải Bắc nêu ý kiến, để CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn, trước hết phải phát triển kinh tế nông thôn, nhưng hiện nay giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc trừ sâu… tăng cao, trong khi đó giá nông sản lại thấp, đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về giá cho sản xuất nông nghiệp và quản lý chặt chẽ hơn nữa các hệ thống phân phối hàng hóa, vật tư để vừa bảo đảm chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng, vừa góp phần bình ổn thị trường. Cử tri xã Hải Bắc kiến nghị Quốc hội cần quan tâm hơn nữa trong việc ban hành các chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ cơ sở hiện đang hưởng mức trợ cấp thấp để yên tâm công tác. Cử tri xã Hải Minh đề nghị trong tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông, Nhà nước cần có những biện pháp tích cực và hiệu quả hơn nữa trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân về chính sách đối nội, đối ngoại…
Cử tri xã Thọ Nghiệp đề nghị các văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành ban hành nhiều nhưng không sát với thực tế cuộc sống, do vậy Quốc hội cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm đúng luật và hợp với lòng dân. Cử tri xã Xuân Đài đề nghị Quốc hội cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung một số điều trong Luật Đất đai và gắn với nội dung góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời cần tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, vì hiện nay ngân sách địa phương cũng như đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Cử tri xã Xuân Phú đề nghị Luật Nghĩa vụ quân sự cần phải được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và Chính phủ cần phải có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những người không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Đại diện cử tri xã Giao Lạc bày tỏ niềm tin tưởng, phấn khởi vào chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng NTM, tuy nhiên vấn đề ngân sách của địa phương khó khăn, sự huy động nguồn lực từ nhân dân cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, do vậy để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tăng cường đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ để cơ sở triển khai việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Ngoài ra, với đặc điểm của xã ven biển, để bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống trước tình hình biến đổi khí hậu, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư kinh phí cho các dự án bảo vệ đê biển, làm kè biển và hỗ trợ kinh phí cho địa phương để chống nhiễm mặn, bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hiện nay có tình trạng chặt phá cây rừng ngập mặn ở Vườn quốc gia Xuân Thủy, đề nghị Nhà nước có chính sách cụ thể và chế tài xử lý thích đáng để ngăn chặn tình trạng này và có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa. Ở Giao Lạc và một số xã ven biển Giao Thủy, tình trạng nghiện ma túy, buôn bán ma túy trái phép và tệ nạn cờ bạc vẫn còn tiếp diễn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội, đề nghị Chính phủ cần có những biện pháp kiên quyết để đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán, sử dụng ma túy trái phép… Cử tri xã Giao Xuân đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với thực tế hiện nay đang còn nhiều khó khăn, bất cập ở cơ sở, Chính phủ cần có những chương trình, dự án hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí để giúp cho các hộ nông dân đang nuôi thủy, hải sản ven biển phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Về các chính sách xã hội, cử tri của 2 xã Giao Lạc và Giao Xuân cũng đề nghị: Nhà nước cần có những chính sách cụ thể và kịp thời hơn nữa để giải quyết chế độ cho TNXP còn tồn đọng, chưa được hưởng chính sách của Nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội. Bên cạnh đó, trong chính sách đối với người cao tuổi, Nhà nước cần quy định lại độ tuổi được hưởng trợ cấp là 75 tuổi vì quy định 80 tuổi như hiện nay là quá cao, người cao tuổi cần được sự chăm sóc, giúp đỡ kịp thời để giảm bớt khó khăn, bảo đảm sức khỏe tốt hơn…
Tại các điểm tiếp xúc với cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cũng đã giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề mà cử tri và nhân dân đang quan tâm, đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương tiếp tục nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã cảm ơn chính quyền, MTTQ ở các địa phương, cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn tiếp xúc cử tri; đồng thời mong rằng trong thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, đóng góp ý kiến của cử tri toàn tỉnh để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đại biểu nhân dân./.
Quốc Tuấn