Cần có cơ chế dựa hẳn vào dân để xây dựng Đảng

08:02, 16/02/2012

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Trung ương quyết định phải tiếp tục tiến hành củng cố xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt...”. Để làm được tốt, có hiệu quả thiết thực cụ thể, cần có cơ chế dựa hẳn vào dân để xây dựng Đảng và chống tham nhũng.

Dựa hẳn vào dân có tổ chức để dân được thực sự tham gia giám sát, có những hình thức dân chủ xây dựng Đảng, để lấy lại niềm tin yêu của dân đối với quá trình đấu tranh của Đảng:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Đây là công việc không đơn giản, dễ dàng; trái lại, vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Nó đòi hỏi toàn Đảng phải có nỗ lực rất cao, mỗi cá nhân và tập thể phải quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì với những biện pháp thật kiên quyết, tích cực”. Từ đặc điểm này để thực hiện tốt việc đấu tranh phê bình và tự phê bình, nhất thiết phải có cơ chế để thực sự phát huy sức mạnh vô địch của dân trong xây dựng Đảng.

Màn múa hát mừng Ngày thành lập Đảng.     Ảnh: Xuân Thu
Màn múa hát mừng Ngày thành lập Đảng. Ảnh: Xuân Thu

Hiện nay có tình trạng hầu như ai cũng nhận định là một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền quan liêu, tham nhũng, thoái hóa biến chất nhưng không thấy nó đang hiện hữu ở trong nội bộ cơ quan mình, trong con người mình nên rất khó tự chỉ ra, rất khó tự phê bình, nhất là nghiêm khắc tự phê bình. Không những thế còn thông cảm dễ dãi với nhau, chưa nói bao che giấu giếm cho nhau, chỉ nhắc nhau, phê bình nhẹ để rút kinh nghiệm rồi cho qua mà thôi, nghĩa là nó đã âm ỉ trong cơ quan nhưng chưa bùng phát như bao vụ việc đã xảy ra ở khắp nơi. Tất cả những sự việc to nhỏ này dân đều biết ở các mức độ khác nhau, vấn đề là làm thế nào để dân nói, làm thế nào để buộc phải nghe dân, rồi trân trọng ý kiến của dân để từ đó kịp thời chấn chỉnh? Trong dân vẫn nhỏ to nói về cán bộ này tham nhũng, tiêu cực trong giải quyết công việc về thủ tục hành chính, làm sổ đỏ, tuyển dụng người, cấp phép xây dựng, cán bộ kia có nhiều nhà đất, chủ đầu tư này nọ xây dựng sai quy hoạch chạy theo lợi nhuận tối đa, mua danh hiệu thi đua, bao che cho cấp dưới làm sai... nhưng có ai nghe hoặc nghe rồi cũng để đấy, gây bức xúc trong dân kéo dài tuy chưa có dịp bùng nổ. Nếu có cơ chế bắt buộc dựa hẳn vào dân, có tổ chức thì dễ dàng biết ngay, biết hết.

Cần sớm ban hành quy định thành chế độ và định mức tối thiểu cho mỗi loại cán bộ lãnh đạo hằng tuần, hằng tháng, hằng quý có bao nhiêu thời gian chủ động đến với cơ sở để tìm hiểu tình hình, trực tiếp lắng nghe dân, có thể cùng bàn với dân cách giải quyết. Rất ít thấy chủ tịch phường nào "vi hành” trực tiếp đến một khu dân cư để nghe dân (không phải là tiếp xúc cử tri, không phải là đến dự một hội nghị nào đó). Mọi cấp cần giảm thời gian mời cán bộ cấp dưới lên mà tăng thời gian luân phiên lần lượt chủ động đến với cấp dưới mà lắng nghe dân, bàn với dân, học hỏi dân... Cơ chế và quy định, định mức này trước mắt là chống quan liêu, biết nghe dân rồi đáp ứng nguyện vọng chính đáng của dân, tạo ra phong cách làm việc mới: đến với dân, nghe dân, thực lòng vì dân.

Cần có cơ chế để MTTQ các cấp định kỳ hoặc đột xuất thu thập những vấn đề, nội dung mà dân phát hiện, nghi vấn đưa lên cấp trên liên quan "buộc phải coi đây là dân nguyện có tổ chức” để ưu tiên số 1 buộc phải tìm mọi cách trả lời, giải quyết.

Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với 3 nội dung trọng yếu: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất. Về vấn đề này, chính người dân ở nơi cư trú, ở trong cơ quan, ở nơi được thừa hưởng các việc làm của cán bộ đó (như dân ở chung cư nhận xét về chủ đầu tư dù không cùng ở nơi cư trú, không cùng ở một cơ quan) sẽ là hàng trăm hàng ngàn tai mắt của dân giúp Đảng thấy rõ hơn các biểu hiện tốt xấu dưới các góc độ khác nhau về một cán bộ nào đó, một cơ quan nào đó. Nếu có cơ chế định kỳ hoặc đột xuất, hệ thống chính trị ở từng khu dân cư thông qua MTTQ các cấp lắng nghe các ý kiến nhận xét về cán bộ đảng viên có chức, có quyền, có liên quan với dân, coi như dân tham gia xây dựng Đảng. Ngoài ra còn cần có cơ chế thời gian trả lời kiến nghị của dân tùy vấn đề đơn giản hay phức tạp thông qua MTTQ.

Cần công khai hộp thư điện tử để dễ dàng tiếp nhận ý kiến của dân có tổ chức ở khắp nơi. Phải coi đây là hướng đi tích cực nhất, hiện đại nhất để nghe dân trả lời dân được nhanh nhất, kịp thời nhất. Dân, tổ chức MTTQ khu dân cư thay mặt dân có thể gửi trực tiếp qua hộp thư điện tử công khai của cán bộ đó, đồng thời gửi cho lãnh đạo cấp trên, gửi cho thanh tra để cùng biết, buộc phải nghiêm khắc kiểm điểm trả lời cho dân biết rồi có thể tiếp tục giám sát, phản biện nhằm thực lòng xây dựng Đảng để "công bộc của dân” ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Những vấn đề nóng bỏng, mang tính chất tương đối phổ biến, nhất thiết phải tổ chức để người có trách nhiệm đến với dân xác minh, có thể công khai đối thoại làm sáng tỏ, làm cho dân tin hơn, biết trân trọng MTTQ đã thực sự phản ảnh bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp lý của dân. Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ, cho nên ý kiến thường rất khác nhau. Trong khi đó, trình độ nhận thức, trí tuệ của chúng ta có mặt còn hạn chế. Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Đó là chưa kể các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm. Trong tình hình ấy, nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Chính vì vậy nhất thiết phải có cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi có tổ chức, nền nếp thường xuyên dựa vào sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân và phát huy trách nhiệm của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng. Uy tín thì Đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, đổi mới, chỉnh đốn, nhưng nhất thiết phải dựa hẳn vào dân không ai có thể làm khác được.

Tóm lại, muốn chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay, nhất thiết phải có cơ chế thật cụ thể nhằm thực sự phát huy sức mạnh có tổ chức của dân, tạo nên sức mạnh vô địch trong mối quan hệ Đảng với dân, lấy lại niềm tin yêu của dân với Đảng./.

Theo: daidoanket.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com