Lòng ta chung một thủ đô !

08:10, 01/10/2010
 
Thủ đô Hà Nội hôm nay.  Ảnh Internet
Thủ đô Hà Nội hôm nay.
Ảnh: Internet

Thăng Long - Hà Nội, kể từ khi vua Lý Thái Tổ rời đô về thành Đại La đến nay đã 1000 năm. Mười thế kỷ trôi qua, biết bao biến thiên, chìm nổi, Thăng Long - Hà Nội vẫn là nơi thánh địa, mảnh đất thiêng liêng, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, nơi giao lưu văn hoá với thế giới.

Với con mắt nghìn năm, việc rời đô về Thăng Long là công lớn của triều Lý. Nhưng có lẽ cũng cần nói thêm, trước Lý Công Uẩn hơn 4 thế kỷ, năm 544 sau khi đánh đuổi bọn giặc Lương để dựng nên nhà nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế, tức Lý Bôn, cũng đã nhìn thấy vùng đất đế đô này. Ông đã xây dựng đài Vạn Xuân làm nơi triều hội, lập chùa Khai Quốc làm nơi thờ tự và dựng toà thành Tô Lịch Giang Khẩu để chống lại quân thù. Chùa Khai Quốc chính là chùa Trấn Quốc ngày nay.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan viết: "Một trung tâm chính trị - đài Vạn Xuân. Một trung tâm văn hoá - chùa Khai Quốc. Một trung tâm quân sự - thành Tô Lịch Giang Khẩu. Ba thực thể như thế trên đất Hà Nội gốc cho ta thấy rõ: Nơi này ngay từ 1455 năm trước đã có đủ những tiêu điểm để hiện hình một dáng dấp đô thị, đã hội đủ các căn cứ để được xem là một thành phố sơ khai".

Có một điều thật lạ, hai vị vua sáng của lịch sử nước nhà đều mang niên hiệu hợp với lòng trời. Lý Nam Đế với niên hiệu Thiên Đức (đức độ cao quý của đất trời), còn vua Lý Thái Tổ    thì niên hiệu là Thuận Thiên (thuận với lòng trời).

Gần mười thế kỷ đã qua, Thăng Long - Hà Nội luôn luôn gắn liền với lịch sử dân tộc.

Hà Nội có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam. 82 tấm bia đá tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Đây là nơi sáng mãi những tên tuổi của Thăng Long nhân kiệt như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn…

Khi đến thăm, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã viết: "Được đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trường đại học đáng kính trọng về lịch sử giáo dục của dân tộc Việt Nam, tôi hết sức khâm phục nền giáo dục truyền thống của các bạn!".

Thăng Long - Hà Nội cũng là nơi thời Trần, các bô lão của cả nước đã kéo về thềm điện Diên Hồng, để muôn người như một, nói lời "Quyết đánh" giặc Nguyên. Cũng trên đất kinh sư này, sau khi thắng giặc, thượng tướng Trần Quang Khải đã cảm khái đọc bài thơ:

"Thái bình nên gắng sức
 Non nước cũ muôn thu!"

Đây cũng là nơi Nguyễn Trãi theo lệnh vua Lê, viết Đại Cáo Bình Ngô "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo…". Đây cũng là nơi sau ngày chiến thắng, vua Lê trả lại kiếm thần cho rùa vàng, để hôm nay Hà Nội có Hồ Hoàn Kiếm, mà một nhà thơ nước ngoài đã ca ngợi: "Lẵng hoa đẹp giữa lòng thành phố".

Hà Nội còn có gò Đống Đa gắn liền với chiến tích của vua Quang Trung. Có tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" biểu tượng ý chí kiên cường những ngày đầu chống Pháp.

Và Hà Nội của thời đại Hồ Chí Minh với quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, áng văn lập quốc vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây cũng là nơi Người yên nghỉ cuối cùng, nơi năm tháng những dòng người Nam Bắc và cả thế giới nối nhau vào viếng Bác.

Nói sao cho hết hơn 2000 di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng của Hà Nội, trong số đó có hàng trăm di tích nổi tiếng gắn liền với lịch sử cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong gần 80 năm qua.

Ngày nay, những người đi xa, chỉ một năm trở lại Hà Nội, những người Việt từ nước ngoài trở về, những bạn bè quốc tế đến thăm, đều ngạc nhiên thấy Hà Nội đổi mới từng ngày. Những khu công nghiệp lớn, những khu đô thị mới, những trường đại học, viện nghiên cứu… xuất hiện ngày càng nhiều, khiến Hà Nội ngày càng rộng lớn, to đẹp hơn. Những cây cầu mới, những đường phố lớn, cảnh tượng buôn bán tấp nập… làm cho Hà Nội càng thêm sầm uất.

Hà Nội còn là thành phố của những danh lam thắng cảnh, thành phố của cây xanh, có hồ Tây, hồ Gươm, dòng sông Hồng "Thêu sóng đỏ trên áo dài Hà Nội". Bây giờ, một Hà Nội văn minh - thanh lịch - hiện đại, đang hiện ra, xứng đáng là thủ đô ngàn năm yêu dấu của chúng ta. Hà Nội đang là một thành phố du lịch nổi tiếng, nơi đến của hàng triệu bạn bè trên thế giới.

Trong trường kỳ lịch sử của dân tộc, nhân dân ta đã dũng cảm đi lên với những giá trị tinh thần bất diệt - đó là lòng yêu nước thương nòi, là tình đoàn kết keo sơn, gắn bó với thủ đô ngàn năm văn hiến. Thăng Long - Hà Nội, nguồn cảm hứng của bao thi nhân tự ngàn xưa. Trên đường đi sứ về, khi trở lại Thăng Long, Nguyễn Du đã viết:

"Núi Tản, sông Lô, vẫn núi sông
 Bạc đầu còn được thấy Thăng Long…"

Có thể nói hầu hết các nhà thơ lớn của nước ta, đều đã sống và viết về Hà Nội: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị điểm, Bà Huyện Thanh Quan… rồi đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi… Từ miền Nam nước Việt, Huỳnh Văn Nghệ đã để lại câu thơ nổi tiếng:

"Tự thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long".

Còn Tố Hữu, thì Hà Nội đẹp nhất trong ngày giải phóng, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về:

"Trên đường ta về lại thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ"
và "Lòng ta chung một thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam".

Giờ đây, trong niềm vui tiến tới ngày hội lớn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cả nước chúng ta đang hướng về thủ đô yêu dấu của mình, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm./.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com