Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh Nam Định

08:10, 01/10/2010

Chấp hành Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 04-8-2009 của Bộ Chính trị, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII được tiến hành từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 9 năm 2010. Dự Đại hội có 349 đại biểu chính thức (trong tổng số 349 đại biểu được triệu tập).

Đại hội đã làm việc nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh.

ĐẠI HỘI QUYẾT NGHỊ

1. Nhất trí thông qua những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm 2005-2010 và phương hướng mục tiêu nhiệm vụ 5 năm 2010-2015 được nêu trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII trình Đại hội:

(1) Về đánh giá tình hình 5 năm 2005-2010

Đại hội khẳng định: Năm năm qua, trong điều kiện có những thuận lợi cơ bản, đồng thời cũng còn nhiều khó khăn, thách thức gay gắt, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm, chủ động, tích cực phát huy truyền thống, kế thừa thành tựu, kinh nghiệm tích luỹ của nhiều nhiệm kỳ, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết và sự chỉ đạo của Trung ương, tập trung tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội XVII đề ra.

- Những kết quả chủ yếu:

+ Kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, cao hơn mức bình quân của thời kỳ 2001-2005 (7,3%). Quy mô nền kinh tế được mở rộng, so với thời kỳ 2001-2005: GDP tăng hơn 1,63 lần; GDP bình quân đầu người tăng hơn 2,6 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 2,5 lần. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2010 đạt khoảng 1.150 tỷ đồng (năm 2005: 569,4 tỷ đồng).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; năm 2010, trong tổng GDP, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 36,5%; nông nghiệp chiếm 29,5%; dịch vụ chiếm 34%.

Nguồn vốn đầu tư phát triển tăng cao, trong 5 năm đạt khoảng 37400 tỷ đồng, tỷ lệ huy động bằng 40,1% GDP và gấp 3 lần so với thời kỳ 2001-2005. Đã cải tạo, nâng cấp một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn.

Sản xuất công nghiệp liên tục phát triển với tốc độ khá: bình quân 20,5%/năm. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu đều có bước phát triển mới. Một số khu, cụm công nghiệp tập trung đã phát huy hiệu quả, có tác động rõ rệt tới sự phát triển chung của toàn ngành. Sản xuất nông nghiệp đạt tốc độ tăng bình quân 3,8%/năm; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực; tiếp tục chuyển sang sản xuất hàng hoá ở quy mô lớn hơn. Công tác xây dựng nông thôn mới được chú trọng. Các ngành dịch vụ hoạt động ổn định.

Quan hệ sản xuất tiếp tục được củng cố, hoàn thiện phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thực tiễn địa phương.

+ Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực. Thế mạnh về văn hoá, giáo dục tiếp tục được phát huy. Ngành Giáo dục liên tục nhiều năm dẫn đầu toàn quốc. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ phát triển. Bình quân mỗi năm tạo được 33.000 việc làm mới; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%. Các chế độ, chính sách xã hội được giải quyết kịp thời. Về cơ bản đảm bảo sự ổn định và đồng thuận xã hội. Đời sống nhân dân được nâng cao hơn.

+ Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng và có chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức Đảng và đảng viên; hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên một bước. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Trung ương.

Việc quán triệt, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được đổi mới, chú trọng cụ thể hoá nhiều vấn đề phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Hệ thống các tổ chức cơ sở Đảng được củng cố, mở rộng; phát triển thêm nhiều đảng viên. Thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong công tác tổ chức - cán bộ. Bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chính sách cán bộ được thực hiện nghiêm túc.

Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; cơ bản xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm; nâng cao tính phòng ngừa, xây dựng của công tác kiểm tra, giám sát.

Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần củng cố, làm bền chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được chỉ đạo tích cực, kịp thời, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tích cực, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị; nâng cao ý thức và hành động tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng cao hơn. Hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới, mở rộng và phát huy dân chủ. Tổ chức thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo Nghị định 13/CP và 14/CP của Chính phủ và thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở các huyện, phường.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện nghiêm túc.

Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo được tăng cường, bảo đảm quyền tự do tôn giáo của nhân dân; các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật.

+ Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Tiềm lực quốc phòng và khu vực phòng thủ được tăng cường; chất lượng tổng hợp và khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương được nâng cao; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh tuyến biển. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả. An ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác tư pháp có nhiều đổi mới; chỉ đạo, triển khai kịp thời chiến lược cải cách tư pháp.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII:

- Các chỉ tiêu đạt và vượt:

(1) GDP bình quân đầu người 14,5 triệu đồng (chỉ tiêu 11 - 12 triệu đồng).
(2) Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 3,8% (chỉ tiêu 2,95%).
(3) Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác năm 2010: 70 triệu đồng (chỉ tiêu 42 triệu đồng).
(4) Sản lượng lương thực bình quân 950 nghìn tấn/năm (chỉ tiêu 950 nghìn tấn).
(5) Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2010: 110 nghìn tấn (chỉ tiêu 110 nghìn tấn).
(6) Thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2010: 1.150 tỷ đồng (chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng).
(7) Tốc độ tăng giá trị dịch vụ bình quân 9,1% (chỉ tiêu 9 - 10%).
(8) Tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 2010: 230 triệu USD (chỉ tiêu 220 - 230 triệu USD).
(9) Cơ cấu kinh tế năm 2010: Nông, lâm, thuỷ sản: 29,5%; công nghiệp, xây dựng: 36,5%; dịch vụ: 34% (chỉ tiêu tương ứng: 30,6%, 36%, 33,4%).
(10) Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010: 6% (chỉ tiêu 6%).
(11) Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010: 45% (chỉ tiêu 45%).
(12) Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ 92,2% (chỉ tiêu 90%).
(13) Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ 89,17% (chỉ tiêu 85%).
(14) Tỷ lệ chính quyền cơ sở đạt vững mạnh 80% (chỉ tiêu 80%).
- Các chỉ tiêu không đạt:
 (1) Tốc độ tăng GDP bình quân 10,2%/năm (chỉ tiêu 11-12%).
(2) Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 20,5%/năm (chỉ tiêu 25%).
(3) Tốc độ tăng giá trị sản xuất thuỷ sản bình quân 11%/năm (chỉ tiêu 15%).
(4) Tổng sản lượng thủy sản năm 2010: 89 nghìn tấn (chỉ tiêu 100 nghìn tấn).
(5) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng năm 2010: 15,9% (chỉ tiêu 15%).
(6) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2010: 10,2%o (chỉ tiêu 8,5%o).
(7) Giảm tỷ suất sinh hàng năm 0,21%o (chỉ tiêu 0,25%o).

- Nguyên nhân chính của kết quả:

Có sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, hành động trong các cấp uỷ và toàn Đảng bộ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo đã cố gắng vừa đảm bảo đồng bộ, toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn cơ sở. Chính quyền các cấp đã cố gắng, tích cực cụ thể hoá sự lãnh đạo của cấp uỷ. Môi trường đầu tư từng bước được cải thiện. Phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nỗ lực, thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân.

Có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; sự ủng hộ hợp tác tích cực của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

- Những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục là:

+ Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Một số chỉ số phát triển chủ yếu còn ở mức thấp và trung bình so với sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Hồng. Chưa tạo được sự phát triển mạnh, có tính đột phá trên một số lĩnh vực, có mặt phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của tỉnh. Một số định hướng phát triển có tính chiến lược của tỉnh chậm được cụ thể hoá, triển khai chưa kịp thời, có lúc thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành.

Công nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa có nhiều dự án, doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực có quy mô lớn và công nghệ cao. Trong sản xuất nông nghiệp, chưa hình thành được các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hoá lớn. Hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông chưa đáp ứng yêu cầu, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Chất lượng, quy mô dịch vụ chưa cao. Tiềm năng về kinh tế biển chưa được khai thác có hiệu quả.

+ Lĩnh vực văn hoá - xã hội còn nhiều vấn đề khó khăn. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" phát triển chưa đồng đều. Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở còn hạn chế; y đức của một số ít cán bộ, nhân viên y tế chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế... chưa được xử lý dứt điểm. Một số tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm còn diễn biến phức tạp.

+ Hoạt động của một số tổ chức Đảng còn một số hạn chế, yếu kém: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu chưa cao; công tác tư tưởng chưa được quan tâm đúng mức; việc quán triệt nghị quyết còn hình thức. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đạt mục tiêu tinh gọn. Chương trình kiểm tra, giám sát của một số đảng bộ còn dàn trải; công tác giám sát còn lúng túng. Công tác dân vận, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có lúc, có nơi còn hình thức, thiếu cụ thể và thiết thực.

+ Công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở một số địa phương, cơ quan, có lúc chưa được quan tâm đúng mức. Công tác huấn luyện dân quân tự vệ ở một số đơn vị còn hạn chế.

- Nguyên nhân chính của hạn chế, yếu kém:

Một số tổ chức cơ sở Đảng chưa thể hiện rõ và toàn diện vai trò hạt nhân lãnh đạo. Nội dung, phương thức, tư duy lãnh đạo chậm được đổi mới, nhất là trong lãnh đạo phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, trình độ hạn chế, thiếu tâm huyết, thiếu gương mẫu.

Năng lực lãnh đạo, điều hành của chính quyền có lúc có mặt còn hạn chế, ít chú trọng các vấn đề có tính chiến lược, chưa thực sự chủ động, năng động, quyết liệt.

Quy mô kinh tế còn nhỏ. Công tác quy hoạch, kế hoạch, dự báo phát triển kinh tế - xã hội chất lượng chưa cao. Môi trường đầu tư có mặt chưa thực sự thông thoáng, hấp dẫn.

Việc triển khai các chương trình công tác trọng tâm và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ ở một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, thiếu những giải pháp cụ thể, thiết thực. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện, sơ kết, tổng kết chưa thường xuyên.

Thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, tình hình lạm phát, suy giảm kinh tế diễn biến phức tạp, khó lường và đã có tác động bất lợi lớn, gay gắt đến sản xuất và đời sống nhân dân.

(2) Về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm 2010-2015

Trên cơ sở phân tích bối cảnh quốc tế, trong nước, những thuận lợi, khó khăn trong thời gian tới, Đại hội nhất trí phương hướng, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ yếu của nhiệm kỳ (2010-2015) như sau:

- Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao chất lượng,  hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị. Tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng phát huy nội lực văn hoá, giáo dục và lợi thế về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển để tạo bước phát triển mới, nhanh, mạnh và vững chắc về kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trọng tâm là công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tham gia hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Phát triển kinh tế hài hoà, gắn kết với phát triển văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Chăm lo nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân. Củng cố khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Tăng cường tiềm lực quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Sớm xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I, trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

- Các chỉ tiêu chủ yếu:

+ Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP - giá so sánh 1994) tăng bình quân 13-14%/năm; GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2015 đạt 39-40 triệu đồng.

+ Cơ cấu kinh tế đến năm 2015:
Nông, lâm, ngư nghiệp:    26,0%
Công nghiệp, xây dựng:    39,5%
Dịch vụ:         34,5%

+ Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (giá so sánh 1994) tăng bình quân 3-4%/năm, trong đó thuỷ sản tăng 7%/năm.

Sản lượng lương thực hàng năm 920-950 nghìn tấn.
Giá trị sản phẩm trên một ha canh tác đến năm 2015 đạt 85-90 triệu đồng.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2015 đạt 140-145 nghìn tấn.
Sản lượng thuỷ sản đến 2015 đạt 100-110 nghìn tấn.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 1994) tăng bình quân 22-23%/năm.
+ Giá trị các ngành dịch vụ (giá so sánh 1994) tăng bình quân 12-13%/năm.
+ Tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn năm 2015 đạt 400-420 triệu USD.
+ Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 15-17%/năm.
+ Thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2015 đạt 2.200-2.300 tỷ đồng.
+ Tỷ lệ giảm sinh hàng năm 0,15-0,2%o.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 60% tổng số lao động.
+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm đến năm 2015 còn 3%.
+ Xây dựng hệ thống chính trị:
Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm: 93-94%.
Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm: 90-92%.
Tỷ lệ chính quyền cơ sở vững mạnh: 85%.

- Những định hướng lớn:

+ Về phát triển kinh tế - xã hội:

Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; phát triển toàn diện ngành nông nghiệp sản xuất hàng hoá; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật, quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.

Tập trung đầu tư, phát triển, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu thu ngân sách; gắn kết với phát triển nông nghiệp và phục vụ có hiệu quả công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.

Tiếp tục thúc đẩy các ngành, lĩnh vực dịch vụ phát triển, phục vụ tốt cho sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống theo hướng hiện đại, văn minh.

Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt theo hướng hiện đại, chú trọng khu vực nông thôn và địa bàn khó khăn. Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu. Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các công trình giao thông, xử lý chất thải, các công trình phúc lợi công cộng ở nông thôn.

Coi trọng, phát huy thế mạnh về văn hoá, giáo dục; đẩy mạnh chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Phát triển khoa học, công nghệ phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; tích cực bảo vệ môi trường sinh thái.

Tập trung đầu tư xây dựng vùng công nghiệp - dịch vụ thành phố Nam Định, vùng kinh tế biển trở thành các vùng kinh tế động lực; vùng sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, tạo thế ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

+ Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị:

Nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính thực tiễn của công tác chính trị, tư tưởng, góp phần củng cố, giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ. Triển khai sâu rộng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với trọng tâm là "làm theo" nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt; chú trọng các hình thức tuyên truyền, vận động, các phong trào hành động nhằm khơi dậy tính tự giác rèn luyện, coi đây là yêu cầu tự thân của mỗi người; làm tốt việc biểu dương, nhân rộng các tập thể và cá nhân tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Tạo sự chuyển biến rõ rệt trong từng khâu của công tác cán bộ. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các tổ chức Đảng.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận xã hội.

Tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐND các cấp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có cơ cấu hợp lý, có trình độ, năng lực chuyên môn tốt và hết lòng phục vụ nhân dân.

Tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng.

+ Về công tác quốc phòng, an ninh và hoạt động của các cơ quan tư pháp:

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới". Tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Tiếp tục cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị (khoá X) về Chiến lược cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thực hiện nghiêm túc, nền nếp công tác tiếp dân và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các sai phạm.

- Các nhiệm vụ trọng tâm:

+ Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương và điều kiện cụ thể của tỉnh. Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển kinh tế biển, trong đó tập trung hoàn thành thủ tục, từng bước xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Ninh Cơ. Xây dựng thành phố Nam Định sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

+ Giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc: Giảm nghèo, việc làm, xử lý ô nhiễm môi trường, tệ nạn ma tuý, tai nạn giao thông, tội phạm.

+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

- Một số giải pháp chủ yếu:

Chú trọng và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng để thu hút mạnh các nguồn lực. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc và chương trình công tác toàn khoá, hàng năm của cấp uỷ. Gắn công tác lãnh đạo và thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức; nâng cao trình độ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ các cơ quan tham mưu của Đảng.

Cụ thể hoá công tác quân sự quốc phòng địa phương, công tác xây dựng khu vực phòng thủ trong chương trình công tác của cấp uỷ, các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Nhân rộng các mô hình điển hình trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của cấp uỷ đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.

2. Đại hội thông qua báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII. Từ kinh nghiệm của khoá trước và ý kiến đóng góp của các tổ chức Đảng, đảng viên và nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ khoá XVIII cần tiếp tục phát huy ưu điểm, tích cực khắc phục những hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội đề ra.

3. Đại hội thông qua các báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức Đảng các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội để bổ sung, hoàn chỉnh văn bản báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

4. Đại hội thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII, gồm 55 đồng chí; bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI gồm 21 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.

5. Đại hội giao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII căn cứ vào Nghị quyết Đại hội, đồng thời quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng để xây dựng kế hoạch và chương trình công tác cụ thể và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng./.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH LẦN THỨ XVIII



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com