Thăng Long - Hà Nội, những chặng đường lịch sử

09:09, 29/09/2010

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh

... Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, công bố trước toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1946, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất, Hà Nội được vinh dự chọn làm Thủ đô của cả nước trong kỷ nguyên mới.

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Bước vào xây dựng cuộc sống tự do, dân chủ chỉ hơn một năm, nhân dân Thủ đô lại phải đương đầu với một cuộc xâm lược mới của thực dân Pháp. Đêm 19-12-1946, theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc khởi nghĩa toàn quốc kháng chiến. Sau tám năm trường kỳ chiến đấu, ngày 10-10-1954, Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô.

Hoà bình lập lại, Hà Nội khẩn trương bước vào công cuộc khôi phục và xây dựng kinh tế. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã hoàn thành thắng lợi việc tiếp quản, nhanh chóng ổn định tình hình, khẩn trương bắt tay vào khôi phục, cải tạo và xây dựng thành phố. Chỉ hơn một tháng sau giải phóng, thành phố đã thông qua kế hoạch phục hồi công thương nghiệp. Không khí hoà bình xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của thành phố diễn ra sôi động. Một năm sau giải phóng, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất. Từ năm 1958 đến năm 1960 tiến hành xong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và hợp tác hoá nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bộ mặt thành phố đổi mới từng ngày. Sau kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1965), Thủ đô đã trở thành trung tâm chính trị, văn hoá và kinh tế quan trọng trong cả nước.

Giữa năm 1966, giặc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, đánh phá Thủ đô. Tháng 3-1968, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 2-9-1969, Bác Hồ từ trần. Nhân dân Thủ đô Hà Nội tỏ rõ niềm tiếc thương vô hạn với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ngày 9-9-1969, hơn 10 vạn cán bộ và nhân dân Thủ đô tới Quảng trường Ba Đình cùng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế dự Lễ truy điệu vĩnh biệt Người với lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Tháng 4-1972, Hà Nội trở thành mục tiêu đánh phá lần thứ hai của Mỹ. Cuối năm đó, chỉ trong vòng 12 ngày đêm (18 - 29-12-1972), Mỹ đã trút hàng vạn tấn bom đạn xuống địa bàn Hà Nội. Thể hiện bản lĩnh là "Thủ đô của phẩm giá con người", quân dân Hà Nội đã lập nên trận "Điện Biên Phủ trên không", đánh sập "uy thế không lực Hoa Kỳ". Trong hai cuộc chống chiến tranh phá hoại bằng đường không của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, 358 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 23 chiếc pháo đài bay B52, 2 chiếc F.111 bị tan xác trên bầu trời Hà Nội; 83 máy bay trong đó có 1 máy bay B52 và 2 máy bay F.111 bị tan xác trên bầu trời Hà Tây (cũ). Quân và dân Thủ đô Hà Nội đã góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (1-1973), rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước. Đúng một năm chín tháng, ngày 30-9-1974, tại Tổng hành dinh đóng trong Thành cổ Hà Nội, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương duyệt kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Với sự chi viện hết lòng và toàn diện của quân dân Hà Nội và miền Bắc, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30-4-1975) đã toàn thắng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất.

Tháng 4-1976, Hà Nội được Quốc hội chung của cả nước quyết định là Thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm xây dựng Thủ đô "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Hà Nội dấy lên nhiều phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu như: Phong trào bốn đổi mới trong công nghiệp, áp dụng khoán trong nông nghiệp, xử lý giá, lương, tiền trong lưu thông phân phối; tập trung quy hoạch phát triển đô thị - giao thông nội đô thống nhất; cải tạo lại mạng lưới điện hạ thế và cấp nước sạch; cải thiện nhà ở, giao thông và chiếu sáng đô thị.

Các công trình lớn như sân bay Nội Bài, cầu Thăng Long, cầu Đuống, cầu Chương Dương, đường 6 (đoạn Hà Nội - Hà Đông) và nhiều khu nhà cao tầng ở khu Bắc Thanh Xuân, Kim Giang, Đại học Bách khoa, tập thể Quỳnh Lôi được xây dựng và đưa vào sử dụng. Một số ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến thực phẩm, cơ khí nông nghiệp, hoá chất, chế tạo máy đã được hình thành. Ngành nông nghiệp Thủ đô áp dụng tốt các kỹ thuật thâm canh, tăng vụ, hình thành nhiều vùng chuyên canh rau ở các huyện Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì. Kinh tế đối ngoại bắt đầu hình thành.

Với những bước đi quan trọng đó, lần đầu tiên trong kế hoạch 5 năm (1991-1995), nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đã đạt và vượt toàn diện, nhiều mục tiêu đạt và hoàn thành trước thời hạn. Kinh tế thủ đô liên tục tăng trưởng ở mức cao, điều đáng kể là bước đầu kinh tế thủ đô đã có tích luỹ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hình thành cơ cấu kinh tế mới theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp...

(Còn nữa)
PV
(Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo TW)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com