Hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

10:08, 11/08/2010

Quảng trường Ba Đình giữ vị trí trung tâm chính trị quốc gia là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của Thủ đô và cả nước.

Một nhà nghiên cứu đã viết: Nếu Hà Nội là trái tim của cả nước, thì Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác Hồ là trái tim của thủ đô Hà Nội. Đây là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị to lớn, một di tích lịch sử, đã trở thành không gian thiêng liêng, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân ta đối với Cách mạng, và Bác Hồ kính yêu!

 

Quảng trường Ba Đình giữ vị trí trung tâm chính trị quốc gia là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của Thủ đô và cả nước
Quảng trường Ba Đình giữ vị trí trung tâm chính trị quốc gia là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của Thủ đô và cả nước

Quảng trường Ba Đình vốn là khu vực cửa Tây của Thành cổ Hà Nội. Từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quảng trường được mang tên Ba Đình. Những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước đã từng diễn ra ở đây, làm cho Quảng trường Ba Đình trở thành một địa danh nổi tiếng trong lòng những người dân đất Việt.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, nửa triệu đồng bào Hà Nội và nông dân các làng ngoại thành đã kéo về Ba Đình để dự lễ Quốc khánh. Một biển người, một rừng cờ, già trẻ gái trai, các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, các nhân sỹ... Ai cũng muốn có mặt trong ngày hội lớn của đất nước, để lần đầu tiên được công khai nói lên những tiếng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, và hơn nữa để được nhìn thấy Cụ Hồ - vị lãnh tụ nổi tiếng, lần đầu tiên xuất hiện trước đông đảo quần chúng.

Trong những ngày lịch sử trọng đại ấy của đất nước ta, một sĩ quan tình báo Mỹ, ông Aschimedes L.A. Patti đã có mặt tại Hà Nội. Trong cuốn sách "Why Việt Nam" (Tại sao Việt Nam) dày ngót 1000 trang, ông đã dành cả 2 chương 25 và 26 để mô tả quang cảnh Hà Nội những ngày lịch sử ấy, và đặc biệt là buổi lễ ở Ba Đình khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

L.A.Patti viết:

"Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lũ lượt kéo về Quảng trường Ba Đình... Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt Nam: "Việt Nam của người Việt Nam", "Hoan nghênh đồng minh", "Thà chết, không chịu làm nô lệ!".

Trong khi chờ đợi ông Hồ và các quan chức tuỳ tùng tới, tôi nhìn thấy một toán cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen, có cả chức sắc mang khăn quàng và giải viền đỏ.

Cách đó không xa, là các nhà sư khoác áo cà sa màu da cam, rồi đến các chức sắc Cao đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ. Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho các lực lượng vũ trang.

... Mặt trời đã lên cao, nhưng đôi lúc, những cơn gió nhẹ làm phất phới cả cái biển cờ đỏ trên quảng trường. Trước lễ đài, trên cột cờ cao là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh phất phới bay.

Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng chăm chú theo dõi, và quần chúng im lặng. Mọi người hết sức tò mò và quan tâm đến vị lãnh đạo mới của Chính phủ. Họ đều muốn biết "Ông Hồ Chí Minh bí ẩn" này là ai? Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt ca-vát và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn mặc áo kaki màu sẫm, đó là ông Hồ Chí Minh.

Tiếng loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu "Ông Hồ là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc". Quần chúng hát vang và trong mấy phút liền hô vang "Độc lập". Ông Hồ mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, mà ngày nay đã trở thành nổi tiếng".

Được chứng kiến ngày lễ độc lập của Việt Nam, nghe ông Hồ đọc:

"Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…".

L. A Patti kể: "Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: "Đồng bào có nghe rõ tôi không?". Quần chúng hô vang đáp lại: "Rõ!". Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe nắm lấy từng lời. Nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng…" (1).

Quảng trường Ba Đình cũng là nơi đã từng diễn ra những cuộc mít tinh lớn, những cuộc diễu hành, diễu binh, những ngày hội của nhân dân ta kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước.

Đây cũng là nơi ngày 9-9-1969, lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta cử hành trọng thể. Mười vạn đồng bào thủ đô và các địa phương, cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới dự lễ, vĩnh biệt vị lãnh tụ vĩ đại, người cha thân yêu của nhân dân Việt Nam, người chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới.

Ngày nay, Quảng trường Ba Đình với 320 mét chiều dài, 100 mét chiều rộng, được thiết kế thành 168 ô vuông trồng cỏ, xanh mát bốn mùa. Giữa Quảng trường là cột cờ Tổ quốc cao 30 mét. Nơi đây, đủ chỗ cho 20 vạn người tham dự mít tinh.

Từ sau năm 1954, bên cạnh Quảng trường Ba Đình là Hội trường Ba Đình, xây dựng từ năm 1963, nay đang được nhường chỗ cho dự án xây dựng nhà Quốc hội mới. Tiếp đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh hoàn thành năm 1990, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì Tổ quốc (1994)…

Trên vị trí của toà lễ đài cũ, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, nay là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng từ ngày 2-9-1973 và đã được khánh thành vào tháng 8-1975.

Lăng Bác Hồ được tạo dáng như một đoá hoa sen, tượng trưng cho khí tiết thanh cao của dân tộc ta và phẩm chất cao đẹp của Bác. Sen còn là tên làng quê Bác và cũng là để nhắc mãi câu ca: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".

Lăng Bác Hồ cao 21,6 mét. Phía trước Lăng được ốp và lát đá hoa cương, hai bên là lễ đài phụ làm bằng đá granito. Trước mặt chính của Lăng có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng ngọc, màu mận chín.

Bước vào Lăng Bác, ta đã nhìn thấy ngay dòng chữ dát vàng: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" trên tường đá hoa cương màu đỏ sẫm, ở dưới là chữ ký Hồ Chí Minh quen thuộc của Bác.

Lên cầu thang là tới nơi Bác an nghỉ. Trên nền tường ốp đá trắng, gắn nổi hình cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Thi hài Bác được đặt trong hòm kính trong suốt, giữa màu đá đen huyền. Bác nằm yên nghỉ trong bộ quần áo ka ki bạc màu, phía dưới chân Bác vẫn là đôi dép cao su đen giản dị.

Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của vị lãnh tụ vĩ đại, người cha thân yêu của cả dân tộc, Người đã cùng với Đảng ta và nhân dân ta làm nên cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công, hồi sinh cả một dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Từ khi Lăng Bác được khánh thành, 35 năm qua đã có hơn 40 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác, trong đó có gần 7 triệu lượt khách quốc tế. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Bác, thường kể lại những kỷ niệm sâu sắc của mình, trong lần đón Đoàn đại biểu Đảng và nhà nước Cu Ba vào viếng Bác.

Hôm ấy, trời mùa đông, Quảng trường Ba Đình lộng gió, các anh hồi hộp đứng chờ vị lãnh tụ của nhân dân Cu Ba nổi tiếng. Từ trên xe, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô bước xuống. Trong bộ quân phục và chiếc mũ lưỡi trai màu ô liu quen thuộc, Chủ tịch Phi-đen yên lặng bước tới vòng hoa, sửa lại tấm băng viếng, thể hiện lòng tôn kính đối với Bác Hồ. Rồi chủ tịch lặng lẽ bước vào phòng Bác nằm. Đến trước Bác, Chủ tịch Phi-đen giơ tay chào, rồi bỏ mũ xuống, đứng lặng im. Chưa có vị nguyên thủ quốc gia nào đứng bên Bác lâu đến thế. Dường như Chủ tịch Phi-đen không muốn rời Bác. Mãi sau, ông mới chậm rãi bước ra khỏi phòng viếng.

Rồi những lần đón các bà mẹ Việt Nam anh hùng từ miền Nam ra viếng Bác. Các mẹ đã già, sự chịu đựng hy sinh và nỗi mất mát in hằn trên khuôn mặt khắc khổ. Được ra thăm thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác là nguyện vọng cuối đời của các mẹ, thế nhưng nhìn thấy Bác là các mẹ đã không ngăn được nước mắt. Một vài mẹ sụt sùi, rồi cả đoàn khóc theo, ai cũng thương Bác không được vào miền Nam thăm hỏi đồng bào. Theo nguyện vọng của các mẹ, các đồng chí phục vụ lại phải đưa các mẹ vào viếng Bác một lần nữa.

Nhiều ngày có hàng vạn người vào Lăng viếng Bác. Hàng người xếp hàng nối nhau dài mãi, dài mãi như lòng kính yêu của nhân dân ta đối với Bác kính yêu!

Bùi Công Bính

(1) Why Việt Nam - Nhà xuất bản Đà Nẵng 2001

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com