Ngày 24-6-2010, Ban TVTU ra Chỉ thị số 16-CT/TU về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nội dung Chỉ thị như sau:
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được một số kết quả: Hệ thống các cơ sở dạy nghề từng bước được mở rộng và đầu tư, nâng cấp; tăng quy mô tuyển sinh. Trên địa bàn tỉnh đến nay đã có 37 cơ sở dạy nghề, đào tạo lao động với các trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, quy mô đào tạo hơn 26 nghìn học viên/năm, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 42%, trong đó đào tạo nghề đạt hơn 30%.
Tuy nhiên, trong công tác đào tạo nghề còn bộc lộ một số hạn chế: Số người lao động tham gia học nghề còn ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề còn thiếu, lạc hậu, đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu, nên chất lượng đào tạo nghề thấp; chưa gắn kết giữa đào tạo nghề với tạo việc làm, tỷ lệ người sau đào tạo nghề có việc làm chưa cao…
Nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng, chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo nghề. Công tác hướng nghiệp, phân luồng đào tạo cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa tốt. Nhiều cơ sở đào tạo nghề vẫn nặng tư tưởng bao cấp, đào tạo theo năng lực sẵn có, chưa gắn với yêu cầu của xã hội và thị trường lao động. Chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo chậm đổi mới…
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá những năm tới, Ban TVTU yêu cầu các cấp uỷ Đảng lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người học nghề tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt các Đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ thanh niên, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ học nghề và tạo việc làm theo các Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009, Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 21-7-2008, Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ; gắn đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông để học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề, chủ động lựa chọn các loại hình học nghề sau khi tốt nghiệp, phù hợp với khả năng học tập và điều kiện gia đình.
- Tăng ngân sách đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề công lập, đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở dạy nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề cho công nghệ cao, phục vụ cho thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động.
- Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người học nghề nhằm khuyến khích người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động nữ tham gia học nghề.
2. Chuyển mạnh đào tạo nghề cho người lao động từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động. Tạo quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với người học, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nghề. Gắn giữa đào tạo nghề với việc làm, từng bước nâng cao tỷ lệ người có việc làm sau khi học nghề.
3. Các cấp uỷ Đảng tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho người lao động nói chung, đặc biệt lao động nông thôn, thanh niên, phụ nữ, cụ thể hoá trong chương trình công tác của cấp uỷ. Chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo đào tạo nghề ở các cấp, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo chức năng nhiệm vụ, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tham gia có hiệu quả vào công tác đào tạo nghề.
Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ban TVTU.
Chỉ thị này phổ biến đến các chi bộ./.