Đảng bộ Hải Hậu - Dấu ấn một nhiệm kỳ đại hội

09:07, 05/07/2010

Trần Quang Chiểu
Bí thư Huyện uỷ Hải Hậu


Nhiệm kỳ 2005-2010 là thời kỳ đầy ấn tượng của Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu. Vượt qua mọi khó khăn thử thách do ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là các cơn bão trong năm 2005, cùng dịch bệnh và suy thoái kinh tế trong nước, Hải Hậu vẫn vững bước đi lên, tạo bước phát triển mới về kinh tế - xã hội và chuẩn bị các điều kiện để bước vào thời kỳ 2010-2015 với khí thế mới, quyết tâm mới.

 

Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) trong công cuộc đổi mới.         Ảnh: Xuân Thu
Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) trong công cuộc đổi mới.      Ảnh: Xuân Thu

Điểm nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo của Hải Hậu trong 5 năm là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang sản xuất hàng hoá với những mô hình mới. 6 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ của huyện uỷ đã được cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể. Chương trình "Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với tiêu thụ sản phẩm" đã đem lại những thành tích to lớn: Trên diện tích canh tác, ngoài 12000 ha lúa, với những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế như: lúa lai, tám thơm, nếp, Bắc thơm... được áp dụng công nghệ sinh học mới trong thâm canh, để đảm bảo sản lượng thóc cho 29 vạn dân và chăn nuôi, đồng thời tăng cường lượng gạo xuất khẩu, giữ vững và phát huy là đơn vị thâm canh lúa cao của tỉnh. Huyện còn tích cực chuyển đổi sản xuất, tăng diện tích cây màu, cây cảnh (vụ xuân 2009 là gần 3000ha), nhất là mở rộng diện tích cây vụ đông trên ruộng 2 lúa, năm cao nhất là trên 17% (năm 2009 có diện tích cao nhất tỉnh) có hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần trồng lúa, để góp phần nâng giá trị sản phẩm bình quân 1ha canh tác đạt trên 68 triệu đồng; điển hình như các xã Hải Tây, Hải Xuân, Hải Toàn, Hải Phú, Hải Tân... Chăn nuôi và thuỷ sản tăng nhanh, với 350 trang trại, gia trại, trong đó có trang trại với quy mô 750 lợn nái ông, bà), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 87,6% so bình quân 5 năm trước.

Là huyện có trên 32km bờ biển, kinh tế biển của Hải Hậu ngày càng khởi sắc. Vượt qua những khó khăn về thời tiết, giá cả bấp bênh; thực hiện cải tiến phương pháp quản lý để khai thác tiềm năng vùng biển; từng bước khắc phục khép kín diện tích bỏ hoang sau các trận bão năm 2005 để tổ chức sản xuất muối gần 500ha; trong đó có trên 17ha sản xuất muối sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao. Còn trên biển, với trên 900 phương tiện cơ giới, trong đó trên 100 tàu đánh cá xa bờ (chưa kể hàng nghìn phương tiện thủ công) luôn vươn xa chiếm lĩnh ngư trường "biển bạc", khai thác mỗi năm trên 16200 tấn, đem lại hàng trăm tỷ đồng, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền lãnh hải.

Nhạy cảm với thời đại, với tư duy làm ăn mới, 5 năm qua, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn trên địa bàn huyện thể hiện khá rõ nét. Những ngày cuối năm 2009, đầu năm 2010, ở khắp các địa phương trong huyện đều sôi động một không khí dựng xây nhộn nhịp và khí thế công nghiệp hoá. Những công việc nhọc nhằn dựa vào cơ bắp tay chân của nhà nông như làm đất, tuốt lúa, làm gạch, vận tải... được máy móc làm thay. Bóng dáng của công nghiệp đã xuất hiện không chỉ ở các thị trấn, thị tứ, mà ở cả các ngõ ngách, xóm thôn. Cụm công nghiệp Hải Minh, Yên Định, Hải Phương, Thịnh Long... đã và đang thu hút "mời gọi" các nhà đầu tư. Với 60 doanh nghiệp, 5380 cơ sở và hộ gia đình, gần 16000 lao động sản xuất công nghiệp - TTCN, ngành nghề nông thôn phát triển. Đã tổ chức đào tạo, truyền nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 5 vạn lượt người, giải quyết tích cực số lao động nông nhàn. Số hộ giàu tăng nhanh, có 30% hộ dân thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Những công trình xây dựng phục vụ sản xuất và đời sống được triển khai với mức vốn đầu tư lớn như: công trình kè sông Múc giai đoạn 1, với trên 8km, hệ tiêu Ba Nõn, kè sông Trung Anh..., hệ thống đường giao thông An Đông, Long Sơn... ngang dọc, cùng hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở tương đối hoàn chỉnh và mô hình nông thôn mới Hải Đường, Hải Lộc từng bước được triển khai đã tô điểm cho bức tranh quê hương ngày thêm rực sáng.

Là huyện thuần nông, đến nay tỷ trọng nông nghiệp - thuỷ sản còn 37,6%, công nghiệp - xây dựng 33,4%, dịch vụ - du lịch 29%. Giá trị sản xuất: công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 18,2%, dịch vụ tăng 10,6%/năm; thu kinh tế trên địa bàn bình quân tăng 12,7%/năm so dự toán cấp trên giao. Vì vậy, tổng sản phẩm (GDP) tăng bình quân 9,5%/năm, cao hơn 2,5% so bình quân thời kỳ 2001-2005, sản phẩm bình quân đầu người tăng 2,3 lần so năm 2005.

Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, huyện Hải Hậu tiếp tục giữ vững đơn vị điển hình văn hoá thông tin cấp huyện của cả nước, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", trong đó có phong trào xây dựng nhà văn hoá được nhân dân hưởng ứng tích cực. 100% xã, thị trấn có nhà văn hoá khang trang, đầy đủ tiện nghi, 24/35 xã, thị trấn hoàn thành xây dựng nhà văn hoá xóm, 485 xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá (tăng 2,3 lần so năm 2005), đã phát huy tác dụng; là nơi hội họp sinh hoạt, truyền đạt các chính sách, các tiến bộ kỹ thuật và giao lưu, hội tụ của nhân dân. Đường ăn, nết ở, nét "Thuần phong mỹ tục" của một vùng quê được lưu giữ. Đường dong xóm đã rực sáng ánh điện mỗi khi màn đêm buông xuống. Hải Hậu là huyện đầu tiên xuất bản: "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu" (từ khi mở đất đến năm 2005), "Địa chí Hải Hậu" và có Cổng Thông tin điện tử đã và đang phát huy tác dụng thiết thực.

An ninh nông thôn được giữ vững. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, các chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý được thực hiện có hiệu quả. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, LLVT liên tục đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng" của Quân khu III.

Xác định xây dựng Đảng là then chốt, 5 năm qua, thực hiện 3 nghị quyết chuyên đề, Hải Hậu tiếp tục đầu tư công sức tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là nơi khó khăn, vùng giáo. Nổi lên với sự tiến bộ vững chắc như Hải Lý, Hải Xuân, Hải Minh... và phấn đấu vươn lên như Hải Giang, Hải Quang, Hải Phúc... Mặt khác, tháo gỡ tạo nguồn kết nạp Đảng ở các xóm chưa có chi bộ riêng lãnh đạo, điển hình như Hải Lý. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có sức lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; cùng với xây dựng các điển hình "Dân vận khéo" và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể "hướng về cơ sở", đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, đem lại những kết quả to lớn. Với 50 nhà được xây mới và sửa chữa 103 nhà tình nghĩa, trị giá trên 1 tỷ đồng, cùng các hoạt động từ thiện nhân đạo rộng khắp, thực sự có tác dụng gắn kết tình thân ái trong cộng đồng.

Có thể khẳng định, nhiệm kỳ 2005-2010 là thời kỳ Hải Hậu có dấu ấn tốt đẹp và nhiều tín hiệu đáng mừng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, tăng cường an ninh - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, tiềm năng về vùng đất, con người ở Hải Hậu vẫn chưa được khai thác tốt, quy mô kinh tế còn nhỏ, lao động việc làm còn khó khăn; tỷ lệ phát triển dân số, nhất là tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao; vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế... Đó cũng chính là những điều trăn trở của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Với kết quả đạt được và từ những bài học kinh nghiệm trong 5 năm qua, sẽ là động lực để Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu quyết tâm vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ XXV (2010-2015), xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com