Nâng cao chất lượng mô hình, điển hình "Dân vận khéo"

09:07, 05/07/2010

 

Cán bộ thị trấn Gôi (Vụ Bản) tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước và địa phương.                 Ảnh: Thu Hà
Cán bộ thị trấn Gôi (Vụ Bản) tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước và địa  phương.             
Ảnh: Thu Hà

Từ năm 2007, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã chọn huyện Trực Ninh làm điểm xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" để rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 626 mô hình, điển hình "Dân vận khéo", trong đó có 500 tập thể và 126 cá nhân điển hình bước đầu đã phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở địa phương. Đồng chí Nguyễn Đại Thắng, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Trực Ninh, cho biết: Việc xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" theo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, đã có sức lan toả trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân và được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng…

Từ việc chỉ đạo điểm thành công 3 đơn vị: Xã Trực Nội với mô hình: "Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy nguồn lực trong nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"; xã Trực Chính với mô hình: "Vận động quần chúng nhân dân tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng các mô hình trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao"; xã Trực Phú với mô hình: "Vận động quần chúng tín đồ Công giáo tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở gắn với phong trào xây dựng xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu", đến nay 100% các xã, thị trấn trong huyện căn cứ vào thực tiễn của địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Nổi bật là mô hình "Dân vận khéo" ở xã Trực Nội. Trong gần 4 năm qua, Trực Nội đã huy động được gần 16 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân, nguồn hỗ trợ của Nhà nước và của con em địa phương đang công tác ở nơi khác để đầu tư xây dựng trường học, nghĩa trang liệt sỹ và các công trình phúc lợi, giao thông thôn xóm, trong đó năm 2010, đã vận động con em quê hương công tác ở xa ủng hộ đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng trường tiểu học 3 tầng và nghĩa trang liệt sỹ. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn Trực Nội ngày càng khởi sắc.

Không chỉ ở huyện Trực Ninh mà ở các địa phương khác trong tỉnh như Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên, TP Nam Định…, việc triển khai, xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" cũng được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả quan trọng. Việc xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" luôn bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp uỷ đề ra. Trên địa bàn tỉnh, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" đạt hiệu quả rõ rệt như: Mô hình "Dân vận khéo" trong việc chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng của HTX Bắc Cường, xã Yên Cường (Ý Yên); mô hình "Dân vận khéo" trong việc vận động nhân dân vùng giáo sản xuất cây trồng vụ đông trên đất 2 lúa của chi bộ 8, thôn Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); mô hình "Dân vận khéo" trong việc xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư xóm 6, xã Xuân Ninh (Xuân Trường); mô hình "Xây dựng chùa tinh tiến, làm tốt công tác từ thiện nhân đạo" ở chùa Linh Ứng, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); mô hình "Vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị vùng giáo trong sạch vững mạnh" ở xã Hải Lý (Hải Hậu)… Nhiều mô hình, điển hình phát triển bền vững và có sức lan toả trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" ở cơ sở cần gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Đưa việc chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" vào nội dung, chương trình công tác của cấp uỷ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát để mô hình có sức lan toả, thuyết phục khi nhân ra diện rộng. Tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận để tham mưu, đề xuất với chính quyền các cấp những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình, thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng./.

Phạm Quốc Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com