Triều Lý, chính sự khoan hòa

03:06, 11/06/2010

 

Tượng đài Lý Thái Tổ.
Tượng đài Lý Thái Tổ.
                                                                               Ảnh: Internet

Lý Thái Tổ mở triều Lý, kế thừa thời trước và thiết kế nền móng chính trị tự chủ theo hướng trung ương tập quyền, thuận cho sự nghiệp lâu dài hưng thịnh Đại Việt trong độc lập, thống nhất, cường thịnh, trăm họ yên vui, xã tắc vững bền. Thái Tông, Thánh Tông... tiếp nối, hoàn chỉnh chính sự, làm mạnh lên tiềm lực kinh tế, quốc phòng, làm giàu lên, cao thêm văn minh Đại Việt.

Huy động đủ, nhiều tiền của, sức dân (lúc ấy mới chừng 4-5 triệu người) cho xây cất triền miên cơ man là chùa chiền, đúc chuông, tô tượng... ở kinh đô và các phủ lộ. Cũng như xây cất liên tiếp đền đài nguy nga, cung thất lộng lẫy cho triều đình, cho vua, các vương và hoàng tộc ở kinh đô, và các hành cung ở mấy xứ. Động binh đủ nhiều để dẹp yên cát cứ, thu phục các vùng hẻo lánh ngoài bắc, trong nam. Và tung các tiềm lực Đại Việt vào cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân xâm lăng phương bắc, với chiến tuyến sông Cầu và uy danh bất hủ Lý Thường Kiệt...

Thế mà sức của không suy kiệt, cho dù hạn hán, bão lũ khá thường xuyên. Thế mà vào thời chưa suy thoái do có vua sáng, tôi hiền, tướng giỏi, quân thiện chiến, sức dân đã không mòn mỏi, nhất là lòng dân đã không oán thán, không chán ghét.

Suy ngẫm, so sánh với mọi thời, với chính sự nước ngoài cùng thời, chúng ta không khó nhận ra rằng, bí quyết hóa ra vô cùng quen thuộc, mà người ta đã tổng kết từ cả nghìn năm trước, cái bí quyết cho tất cả mọi thời đại ở mọi quốc gia: Đó là "đắc nhân tâm" - được lòng dân, chăm lo sức dân vì dân là gốc, vì dân quý nhất; thứ mới đến xã tắc - tức là quyền sở hữu tối cao của ông vua đối với mọi tài nguyên, của cải, nhân lực trong nước; sau mới đến vua, đúng hơn là vương vị - cái ngôi, cái ngai vàng của vua.

Chính là nhờ bản chất nhân văn của văn hóa Việt Nam được hun đúc cả nghìn năm, nên Khúc Thừa Dụ mở nền tự chủ, rồi đến Ngô Quyền tiếp nối, đã đặt ngay nền móng một nền chính sự khoan hòa. "Chính trị cốt khoan dung giản dị. Trăm dân đều được yên vui" như Quốc sử triều Nguyễn đánh giá. Ngô Vương Quyền biểu lộ niềm thương dân, chia sẻ nỗi cực nhọc của dân, bằng việc xắn quần lội nước cày ruộng tịch điền. Các vua triều Lý theo gương này, không chỉ hạ chiếu khuyến nông, mà vào đầu vụ cấy cày cũng đã từng đến mấy miền ven biển tế Thần Nông, xong thì thân cày ruộng tịch điền. Các quan đi theo mũ áo xênh xang, can ngăn, Lý Thái Tông không nghe, vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?".

Triều Lý tiến đến pháp trị, soạn Hình thư, gồm ba tập. Nhưng hình ngục cũng mang tính khoan dung. Theo ý Thái Tông, Hình thư "san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu". Văn bản luật này đã thất truyền, nhưng nhiều điều khoản là các sắc, chỉ có tính luật còn được biết, cho thấy hầu như không có hình phạt chặt tay, chặt chân. Xử trảm chỉ với kẻ phản loạn ngoan cố đến cùng. Nhân thân có công hoặc hoàn cảnh đáng thương được giảm mức phạt. Một số tội danh còn cho chuộc bằng tiền...

Ra sức khuyến nông, chăm lo trị thủy, mở mang các nghề thủ công, buôn bán trong nước và với nước ngoài, phố xá kinh thành dần sầm uất, cảng Vân Đồn bắt đầu có không khí đô thị khi thuyền buôn Chà Và (Gia-va), Xiêm La (Thái-lan) lui tới ăn hàng; mở Đại học Quốc Tử Giám ở kinh đô, trường học các phủ, lộ; mở các khoa thi kén người tài; năng xá thuế hay miễn thuế khóa, phu phen những vùng có nạn binh đao; mở kho phát chẩn và miễn thuế cho dân những nơi mất mùa đói kém; đại xá thiên hạ những khi khánh tiết... Đại Việt dần dần hưng thịnh mọi mặt. Chính là từ tư tưởng trị quốc khoan hòa, thương dân vậy.

Có sử gia đời sau viện dẫn khuôn mẫu thời, các xứ, chê các vua Lý vỗ về, gia ơn quá xá những thế lực chống lại nền nhất thống, mà ít tỏ uy, nên họ sinh nhờn. Nhưng các vua hiền, vua sáng ở ta có tầm nhìn xa, lại trọng đức sáng, coi trọng gia ơn để thu phục nhân tâm hơn dụng võ bắt người ta theo nhưng mang bụng oán. Thì đại thắng xâm lăng mùa xuân năm 1076 trên sông Như Nguyệt, chẳng minh chứng rõ ràng về thành tựu của chính sự khoan hòa, chăm sóc sức dân, coi dân là gốc nước, đó sao? Thì các tù trưởng Hà Đặc, Hà Chương, phò mã Thân Cảnh Phúc và các tộc dân mạn ngược chẳng hăng hái đánh giặc, lập công xứng đáng đó sao? Thì đã chẳng từng thấy khung cảnh thái bình thịnh trị, dân chúng yên vui, binh mã hùng cường, nhân tài không thiếu, bờ cõi mở mang, nước ngoài vị nể, đó sao?

Thật đáng tiếc, biết bao công trình nghệ thuật kiến trúc cung điện, đền đài, chùa quán với cả hệ tác phẩm nghệ thuật chạm khắc, trang trí, tượng tròn, rồi là kho tàng, sách vở... qua biết bao cơn binh lửa và phá phách của nắng mưa, mang dấu ấn văn minh và hơi thở tráng kiện triều Lý, nay chỉ còn ít nhiều vết tích.

Nhưng còn đó, công trình kiến trúc - nhân văn không cao ngất, nguy nga, choáng ngợp tượng trưng quyền uy tối thượng, mà vĩ đại vì giản dị, gắn liền với sinh tồn và phát triển lâu dài của đất nước - là hệ thống đê điều hai bờ sông Hồng và các triền sông lớn, học hỏi các thời Ngô, Đinh, Lê, các vua Lý tiếp nối và huy động sức dân gia tăng mở mang, bồi trúc. Di sản kiến trúc - nhân văn này thời Lý là mãi mãi trường tồn cùng sông núi.

Chính sự khoan hòa, di sản ấy của thời Lý và các thời trước đó, được nhà Trần thời hưng thịnh kế thừa và phát triển tới đỉnh cao: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước" (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Nên mới có lẫy lừng võ công ba lần cản phá tổng cộng một triệu quân xâm lược Nguyên - Mông. Nền văn minh Đại Việt ở thời Trần mới bước vào thời cực thịnh.

Và còn thấy tinh thần nhân văn "chính sự khoan hòa" cả trong Luật Hồng Đức thời vua sáng Lê Thánh Tông. Đó là thời thịnh trị đỉnh cao trong lịch sử trung đại nước ta. Mọi kế sách hưng thịnh quốc gia, luật pháp và mọi ca xướng văn đàn Lê Thánh Tông chủ xướng, không chăm chăm xưng tụng vua chúa hay tán tụng lẫn nhau, mà hướng tới nhân văn. Bên cạnh lưỡi gươm sắc bén vua dùng trị thẳng tay tham nhũng, bất kể bọn đó từng là những nội thần sủng ái trong phủ Hoàng hậu hay quan lại trong triều, ngoài trấn. Cũng là thanh gươm có ánh thép khí giới của ba quân oai dũng, làm nên sức mạnh cho những văn từ và sứ bộ bang giao hòa hảo, bờ cõi được bình yên mấy trăm năm. Là thanh gươm trừng trị thẳng tay nạn cát cứ mưu phá vỡ nền đại thống...

Thế Văn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com