Nhu cầu không tăng đột biến, năng lực sản xuất vẫn đáp ứng được nhu cầu thị trường nhưng giá phân bón liên tục tăng trong năm 2021, nhiều loại tăng 30-40%, thậm chí gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, khiến chi phí sản xuất gia tăng. Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trong nước đã nghiên cứu kỹ đồng ruộng kết hợp với kinh nghiệm của nông dân để đề ra phương thức canh tác phù hợp ngay trong vụ đông xuân 2021-2022, theo hướng chỉ bón 50% lượng phân để giảm chi phí.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) trong những tháng cuối năm 2021, giá phân bón chưa thể hạ nhiệt, bởi giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng rất cao, nguyên liệu chính cho sản xuất (gồm: Khí amoniac tăng hơn 200%, lưu huỳnh tăng hơn 230%...). Chưa kể, chi phí vận chuyển trên toàn cầu cũng tăng cao do tác động của dịch COVID-19, khiến các hãng tàu, container vận chuyển đều đội giá gấp 3-4 lần, trong khi nhiều nhà máy lớn phải ngừng hoạt động để chống dịch... Khi coi giá phân bón là thành tố được chi phối bởi cung - cầu thị trường quốc tế, cần có biện pháp thích ứng, nông dân phải được hướng dẫn sử dụng phân bón theo quy trình, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả với từng đối tượng cây trồng.
Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị các ngành, các địa phương giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất theo hướng lượng phân bón giảm nhưng vẫn bảo đảm năng suất. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để giảm lượng phân bón, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có (phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt...) nhằm vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học. Để giảm thiểu việc sử dụng cũng như lệ thuộc vào phân bón vô cơ, năm 2021 mục tiêu cả nước sẽ sử dụng 3 triệu tấn hữu cơ (trong năm 2020 là 2,63 triệu tấn)./.
PV