Ngày 17-4, tại Hà Nội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp nghe Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về vấn đề chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và quản lý, sử dụng quỹ BHYT.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay đa số các sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đều thống nhất việc thành lập danh sách các cơ sở đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, đáp ứng nhu cầu của người tham gia BHYT. Tỷ lệ người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã chiếm khoảng 20%, tuyến huyện 60%, tuyến tỉnh và Trung ương 20%. Việc chuyển tuyến cơ bản thực hiện theo đúng quy định và việc tổ chức khám, chữa bệnh BHYT được nâng cao rõ rệt, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu người dân, nhất là người nghèo, người sinh sống ở những vùng khó khăn. Tuy nhiên, công tác khám, chữa bệnh BHYT còn một số bất cập như chất lượng khám, chữa bệnh và cơ sở vật chất tuyến xã còn hạn chế, bên cạnh đó, một số trường hợp tình trạng bệnh chưa đến mức phải chuyển lên tuyến trên, nhưng người dân vẫn muốn lên tuyến cao hơn để điều trị, dẫn đến quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng chồng chéo trong việc ban hành hướng dẫn về đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.
Để khắc phục những bất cập nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ như sửa đổi, bổ sung Luật BHYT; xem xét quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến phù hợp, tránh tình trạng vượt tuyến. Bộ Y tế cũng nghiên cứu sớm triển khai Đề án bác sĩ gia đình, Đề án bệnh viện vệ tinh cũng như tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở để người tham gia BHYT yên tâm điều trị ở tuyến dưới, hạn chế vượt tuyến.
Về các nội dung liên quan công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện quy định của Luật BHYT, mức đóng được điều chỉnh từ 3% lên 4,5% cùng với mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng lên, nên nguồn thu BHYT tăng hằng năm. Do vậy, từ năm 2010, quỹ BHYT bảo đảm cân đối và đến năm 2011 và 2012 đã có kết dư. Tuy nhiên, tình trạng bội chi quỹ BHYT cục bộ vẫn xảy ra và tiếp diễn tại một số địa phương do tỷ lệ sử dụng quỹ giữa các vùng miền có sự khác nhau. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ sử dụng quỹ cao nhất và cũng là nơi có tỷ lệ bội chi nhiều nhất. Từ năm 2010 đến 2012, nhiều tỉnh trong khu vực này thường xuyên chi vượt quỹ. Trong khi đó, khu vực trung du và miền núi phía Bắc chỉ sử dụng đến 79% quỹ, còn tại vùng Tây Nguyên tỷ lệ này chỉ là 70%. Bên cạnh đó, nhóm người lao động có số thu khoảng 28% tổng quỹ nhưng số chi chỉ chiếm khoảng 15%, trong khi đó nhóm đối tượng hưu trí và bảo trợ xã hội có số chi chiếm tỷ lệ cao, riêng nhóm tự nguyện nhân dân có số thu thấp nhất nhưng sử dụng tới khoảng 22,5% tổng chi.
Đề cập những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, áp dụng các chính sách nhằm mở rộng và toàn diện quyền lợi BHYT, hầu hết các dịch vụ y tế kể cả dịch vụ kỹ thuật tiên tiến, nhiều loại thuốc mới được quỹ BHYT chi trả, bảo đảm đầy đủ hơn quyền lợi trong khám, chữa bệnh BHYT, nhưng đây cũng là nguyên nhân tăng chi quỹ BHYT. Bên cạnh đó, do phương thức thanh toán chủ yếu theo phí dịch vụ, nên khó kiểm soát chi phí, gây tăng chi quỹ BHYT.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới, ngành y tế và các ngành liên quan sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ BHYT như: nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo hướng tham gia bắt buộc theo hộ gia đình. Tăng tỷ lệ tham gia BHYT và giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố để bảo đảm tăng thu cho quỹ. Đổi mới, áp dụng phương pháp thanh toán chi trả phù hợp theo ca bệnh hoặc theo nhóm chẩn đoán, thanh toán theo định suất, đồng thời triển khai Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam./.
Theo Nhân dân