Triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn

07:04, 17/04/2013

Ngày 16-4-2013, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (PCDB GSGC) tỉnh tổ chức họp triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn. Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ PCDB GSGC tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có đồng chí Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN và PTNT); các đồng chí thành viên BCĐ tỉnh; Trưởng BCĐ và Trưởng phòng NN và PTNT các huyện, thành phố.

Về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, ngày 20-3-2013, xuất hiện một ổ dịch cúm gia cầm tại xã Yên Phú (Ý Yên) phải tiêu hủy 267 con, đến nay đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Dịch tai xanh ở lợn xảy ra tại xã Trực Thắng (Trực Ninh) và xã Xuân Châu (Xuân Trường) trong ngày 27-3-2013 tại 20 hộ với 130 con lợn ốm. Đến ngày 15-4-2013, dịch đã xảy ra ở 1.856 hộ, tại 192 xóm của 17 xã thuộc 2 huyện Trực Ninh và Xuân Trường. Tổng số lợn mắc bệnh 10.882 con, đã tiêu hủy 3.508 con với tổng trọng lượng 63.288,5kg, khả năng dịch còn diễn biến phức tạp. BCĐ tỉnh đưa ra 8 giải pháp chủ yếu trong thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền, BCĐ PCDB GSGC các cấp; chỉ đạo trưởng thôn (xóm) phối hợp với lực lượng thú y rà soát, thống kê, nắm chắc tổng đàn và tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin tai xanh cho đàn lợn ở các xã trong vùng dịch, vùng bị uy hiếp; hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường công tác nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi… Đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí mua thêm 60 nghìn liều vắc xin tai xanh, Bộ NN và PTNT cấp bổ sung 60 nghìn liều vắc xin tai xanh và 30 nghìn lít hóa chất hỗ trợ kịp thời cho các địa phương phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Cục trưởng Cục Thú y đã chỉ rõ nguyên nhân Nam Định xảy ra dịch và để lây lan ra diện rộng dẫn đến số lượng, trọng lượng lợn phải tiêu hủy lớn. Đồng thời yêu cầu phải làm chặt chẽ công tác thú y tuyến cơ sở cả vùng có dịch và vùng uy hiếp; chủ động giám sát phát hiện sớm, bao vây dập dịch nhanh; tạm dừng giết mổ ở vùng có dịch và 2 cơ sở giết mổ lợn sữa của tỉnh; không cho vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn từ vùng có dịch qua 2 huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng. Về lâu dài, Nam Định nên kiện toàn lại hệ thống thú y cơ sở, phát hiện sớm dịch và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Cục Thú y sẵn sàng mở các lớp tập huấn cho thú y cơ sở và các tuyến từ dưới lên theo yêu cầu của tỉnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc để dịch xảy ra là do các địa phương còn chủ quan. Lực lượng thú y, lực lượng quản lý Nhà nước chưa nắm chắc, chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ về số lượng vật nuôi cũng như công tác tiêm phòng vắc xin dẫn đến phát hiện dịch chậm, kiểm soát tiêu hủy không hết. Vẫn còn hiện tượng giấu dịch ở cả hộ chăn nuôi và thú y cơ sở, còn hiện tượng bán tháo lợn trong vùng dịch, thậm chí vứt lợn chết ra kênh mương. Các chốt kiểm dịch làm chưa nghiêm, các địa phương chưa xác định trước vị trí tiêu hủy; công tác khử trùng, tiêu độc ở các huyện, thành phố làm chưa nghiêm; công tác tuyên truyền tại các địa phương chưa làm cho mọi người nhận thức đầy đủ về tác hại khi dịch xảy ra và cách phòng, chống hiệu quả. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước mắt tập trung tiêm vắc xin tai xanh tại vùng có dịch và vùng uy hiếp, lập chốt kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, không để sót lọt từ vùng có dịch vào vùng không có dịch, đồng thời tiêu hủy triệt để lợn có dịch đúng quy trình kỹ thuật. Thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng; các huyện cần chủ động mua vôi bột về phát cho xã để rải, nhất là vùng đang có dịch. Giao Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố, lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Sở Y tế, Sở Tài chính, Ủy ban MTTQ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc phòng, chống và dập dịch. Các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường thời lượng tuyên truyền, biểu dương kịp thời những việc làm tốt, địa phương làm tốt, đồng thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com