Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hội viên nông dân trong tỉnh đã khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tham gia duy trì, phát triển các nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Hội viên nông dân xã Xuân Tiến (Xuân Trường) phát triển nghề làm bánh đa truyền thống. |
Được mệnh danh là “đất trăm nghề”, Nam Định có nhiều làng nghề truyền thống với lịch sử lâu đời. Huyện Xuân Trường có 7 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm các làng nghề: Thêu Phú Nhai, điêu khắc và chế biến gỗ Trà Đông, xã Xuân Phương; dệt chiếu, trồng cây cảnh Xuân Dục, xã Xuân Ninh; cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, chế biến lâm sản xã Xuân Tiến. Trong đó, nghề chế biến lương thực thực phẩm, chế biến lâm sản và cơ khí truyền thống ở xã Xuân Tiến thu hút rất đông hội viên nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh. Xác định thế mạnh của địa phương về ngành nghề, Hội Nông dân (HND) xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, những người thợ có tay nghề kỹ thuật cao tổ chức đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động, nhất là người lao động nghèo; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể đưa các sản phẩm tiêu biểu đi giới thiệu tại các hội chợ triển lãm, tham dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương. Nhiều hội viên nông dân đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất. Điển hình như ông Mai Văn Khang với sự năng động, sáng tạo, khả năng thích ứng thị trường đã phát huy lợi thế, kinh nghiệm của làng nghề truyền thống, thành lập HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến, đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất, chế biến các mặt hàng có giá trị kinh tế cao từ lúa gạo, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài chế biến nông sản, HTX còn sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề đa dạng như: sản xuất máy làm đất, máy gặt, máy đập lúa, máy bơm, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy bóc, tách hạt, máy làm nấm, máy đóng bịch nấm, máy chế biến thực phẩm, máy sấy nông sản, các loại máy chế biến gỗ; sản xuất nồi hơi, buồng hấp khử trùng; sản xuất, gia công hàng cơ khí… Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, ông Khang đã tạo điều kiện cho các thành viên chủ động trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập; đồng thời tạo việc làm, dạy nghề cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề chế biến bánh đa nem, mì gạo đạt 4,5-6 triệu đồng/người/tháng; lao động làm nghề cơ khí đạt 10 triệu đồng/người/tháng.
Huyện Ý Yên từ lâu đã được xem là đất nghề với 27 làng nghề truyền thống; nổi tiếng trong cả nước phải kể đến nghề chạm khắc gỗ Ninh Xá, La Xuyên (xã Yên Ninh); đúc đồng Tống Xá, Vạn Điểm (thị trấn Lâm); sơn mài Cát Đằng, mây tre đan (xã Yên Tiến)… Mỗi làng nghề với nét riêng độc đáo đã tạo nên bức tranh đa sắc trong nền kinh tế địa phương. Xác định duy trì và mở rộng các ngành nghề truyền thống tại địa phương là khâu đột phá, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp, các cấp HND trong huyện đã tập trung hỗ trợ hội viên phát triển ngành nghề. Tại các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, nhất là các cơ sở may mặc, đóng tàu, xây dựng, đúc, sản xuất gạch, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu... hội viên nông dân đã tích cực sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu tìm chỗ đứng trên thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Điển hình như HND thị trấn Lâm, nhiều hộ nông dân đã phát huy thế mạnh nghề đúc đồng truyền thống, đầu tư mở rộng sản xuất, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong đó, anh Vũ Duy Điệp được Bộ Công Thương trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2020. Anh Hoàng Duy Cường, thôn Tây Tống Xá, từ năm 2010 đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Sản phẩm chủ yếu của cơ sở là các đồ đồng mỹ nghệ như tượng danh nhân, tranh đồng, chuông đồng, đồ thờ cúng tâm linh, đồ phong thủy, sản phẩm trang trí… Để có những sản phẩm đạt tính thẩm mỹ cao, tinh xảo đến từng chi tiết, ngoài khâu đúc cần hỗ trợ của máy móc, khâu hoàn thiện chủ yếu vẫn phải làm thủ công, đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của bàn tay người thợ. Hiện tại, cơ sở đúc đồng của anh Cường tạo việc làm cho 8 lao động với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài nghề đúc đồng, tại thị trấn Lâm, các nghề thủ công mỹ nghệ, chạm trổ điêu khắc, mộc, nứa chắp, sơn mài đã được đưa vào các chi HND các thôn, xóm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên...
Tại nhiều làng nghề nổi tiếng khác trong tỉnh, hội viên nông dân đã tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến vào các công đoạn sản xuất, kết hợp giữa máy móc hiện đại với tay nghề điêu luyện, nhờ đó sản phẩm của các làng nghề ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng phong phú về chủng loại, mẫu mã, độc đáo về kiểu dáng, kỹ, mỹ thuật, được thị trường ưa chuộng. Tiêu biểu như làng rèn Vân Chàng, làng hoa cây cảnh Vị Khê; làng nghề làm hoa giấy, hoa lụa ở Báo Đáp; đúc đồng, chạm vàng bạc ở Đồng Quỹ; nghề làm kẹo lạc ở Thượng Nông (Nam Trực); làng nghề ươm tơ, dệt lụa ở các làng Cự Trữ, Cổ Chất, Dịch Diệp (Trực Ninh); nghề khâu nón ở Nghĩa Châu; dệt chiếu ở Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); nghề làm muối ở Bạch Long, nghề làm nước mắm ở Giao Châu (Giao Thủy); nghề sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, làm kèn đồng ở Hải Minh (Hải Hậu)... Để khuyến khích hội viên nông dân tham gia phát triển nghề truyền thống, cùng với sự quan tâm của tỉnh trong thực hiện chủ trương phát triển, hình thành các cụm công nghiệp làng nghề đi vào hoạt động hiệu quả, HND các cấp và các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ hội viên làm nghề tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho lao động trong làng nghề; hỗ trợ thành lập các mô hình tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp… Toàn tỉnh đã thành lập 145 mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp với trên 2.100 thành viên tham gia, góp phần gắn kết hội viên nông dân cùng lĩnh vực ngành nghề trao đổi kinh nghiệm, phát triển sản xuất hiệu quả.
Thời gian tới, hội viên nông dân trong tỉnh tiếp tục duy trì, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề truyền thống; chú trọng phát triển các sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), góp phần mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn, thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin