Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông

08:22, 14/05/2024

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT), từng bước hình thành văn hóa giao thông trong nhân dân, tỉnh Nam Định đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông của cán bộ, nhân dân. 

Công an huyện Xuân Trường tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh Trường THCS Xuân Trường.
Công an huyện Xuân Trường tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh Trường THCS Xuân Trường.

Đồng chí Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết: Xác định tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự ATGT. Ban ATGT lựa chọn nội dung sát thực, gần gũi với người dân, doanh nghiệp vận tải để tuyên truyền như: Không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; không chở quá số người quy định; không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; những quy định pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách đường bộ, đường thủy... Hình thức tuyên truyền được thực hiện linh hoạt bằng cả phương thức trực quan truyền thống như treo pa nô, áp phích, khẩu hiệu, phát tờ rơi; tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề giáo dục kỹ năng tham gia giao thông; tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông hay tổ chức cuộc thi “Sáng tác khẩu hiệu Doraemon với ATGT”; vẽ tranh quốc tế Toyota chủ đề “Chiếc ô tô mơ ước”, “Đội mũ xinh - bảo vệ chúng mình” và tặng áo phao cho chủ bến đò ngang. Đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. 

Quá trình thực hiện đã có nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền đạt kết quả cao, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ của nhân dân về ATGT. Tiêu biểu như Công an tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT từ cấp tỉnh đến cấp huyện tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các ban, ngành có liên quan tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức các hoạt động ra quân hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông; xây dựng bảng, ảnh các vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại trung tâm các huyện, thành phố; thông báo số điện thoại đường dây nóng của Công an tỉnh và Công an cấp huyện tới tận nhà văn hóa thôn, xóm; ghi băng, phát loa thông báo trên đài truyền thanh các phường, xã, thị trấn và sử dụng xe ô tô tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư vào những giờ cao điểm. Phối hợp với các đoàn thể, các trường học tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về giao thông; nói chuyện chuyên đề về ATGT cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên; tập huấn kiến thức đảm bảo ATGT cho lực lượng Công an xã; tổ chức ký cam kết chấp hành luật giao thông cho chủ xe, lái xe trên tuyến, người đến đăng ký xe, người vi phạm... MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã phát động mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và tham gia giải tỏa lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT. Hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào, cuộc vận động liên quan đến ATGT như: Cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Phụ nữ tham gia bảo đảm trật tự ATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình”. Xây dựng và nhân rộng các mô hình “Cựu chiến binh Việt Nam gương mẫu tham gia giữ gìn trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông”; “Nông dân với an toàn giao thông”...  củng cố và duy trì trên 3.000 đội tự quản về an ninh trật tự, ATGT ở khu dân cư.

Nam Định là địa phương có tuyến đường sắt đi qua và hệ thống đường thủy phát triển nên công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, đường thủy được các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương tích cực phối hợp thực hiện. Trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải) hàng năm tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về trật tự ATGT đường thủy với các chủ bến thủy nội địa trên địa bàn... Ban ATGT tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, LĐLĐ tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT đường sắt tới các hội viên, đoàn viên có tuyến đường sắt đi qua; xây dựng các kịch bản tiểu phẩm vui về ATGT và tổ chức thi viết tìm hiểu về Luật Giao thông đường thủy nội địa. Chính quyền các địa phương có tuyến đường sắt đi qua chú trọng tuyên truyền ATGT vào các buổi họp khu dân cư, trên hệ thống truyền thanh cơ sở và tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường sắt với 100% hộ dân dọc tuyến đường sắt. Đồng thời xây dựng các mô hình “Đoạn đường sắt ATGT”, “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”, “Bến đò an toàn”, “Khu dân cư ven sông an toàn”, “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật về ATGT”... để huy động sự tham gia của toàn thể nhân dân cùng giữ gìn trật tự ATGT. Ban ATGT tỉnh và các huyện, thành phố còn đẩy mạnh phong trào xây dựng “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”. Đồng hành với người dân trong việc trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho các bến đò, phà trọng điểm trên địa bàn tỉnh; duy trì cụm pa nô tuyên truyền tại bến phà Sa Cao - Thái Hạc (Xuân Trường) và cụm pa nô tại bến phà Đại Nội (Trực Ninh)... giúp người dân hiểu rõ và thực hiện những điều kiện khi tham gia giao thông đường thủy cũng như kỹ năng tránh tai nạn đường thủy, đuối nước trẻ em. 

Trong những năm qua, toàn tỉnh xây dựng, duy trì 10 cụm pa nô tuyên truyền ATGT tại thành phố Nam Định và trung tâm các huyện; kẻ, vẽ, in phát trên 30 nghìn khẩu hiệu, băng rôn, tờ rơi tuyên truyền về trật tự ATGT; xây dựng 2.610 tin, bài đăng phát trên các báo, đài Trung ương và địa phương; sử dụng xe ô tô tuyên truyền lưu động hàng vạn lượt tại các khu dân cư vào những giờ cao điểm. Toàn tỉnh tổ chức 12 hội thi tìm hiểu pháp luật về giao thông, 1.284 buổi nói chuyện chuyên đề, đối thoại về ATGT; tập huấn 514 buổi kiến thức đảm bảo ATGT cho lực lượng Công an xã và tổ chức ký cam kết chấp hành luật giao thông cho 27 nghìn lượt chủ đò, chủ xe, lái xe trên tuyến, người đến đăng ký xe, người vi phạm; trên 1 triệu lượt học sinh các trường THPT, THCS ký cam kết chấp hành nghiêm luật giao thông. Đồng thời gửi 8.809 thông báo vi phạm về địa phương nơi cư trú, học tập, công tác để phối hợp quản lý, giáo dục người vi phạm trật tự ATGT; tổ chức cho 100% các cơ quan, trường học, các đơn vị trên địa bàn và trên 70% hộ gia đình ký cam kết bảo đảm ATGT, không vi phạm pháp luật về trật tự ATGT... 

Với việc triển khai tích cực các biện pháp tuyên truyền nên tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành luật giao thông của cán bộ, học sinh và nhân dân ngày càng được nâng lên, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com