Giải pháp nào nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THPT?

09:32, 13/05/2024

Giáo dục hướng nghiệp học sinh sau THPT những năm gần đây đạt được một số kết quả, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết.

Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tư vấn tuyển sinh cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc.
Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tư vấn tuyển sinh cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục hướng nghiệp ngày càng được quan tâm, tác động tới xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT. Số lượng học sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) có giảm, số lượng học sinh học nghề và đi làm có xu hướng tăng. Theo thống kê của ngành GD và ĐT tỉnh những năm học gần đây, trung bình mỗi năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT không đi học ĐH, CĐ có bằng đào tạo nghề là 14,4-15% trong tổng số 20%; 100% học sinh lớp 11 được học nghề theo quy định. Số lượng học sinh học nghề và đi làm có xu hướng tăng, tuy nhiên chưa đáng kể. Vấn đề đặt ra là học sinh THPT chọn ngành, nghề cho mình như thế nào? Làm thế nào để chọn đúng, trúng nghề nghiệp cho mình, khi mà trên thực tế, hoạt động hướng nghiệp ở các nhà trường THPT hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập. Nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động hướng nghiệp còn nghèo nàn, khô cứng, đơn điệu, mang tính hình thức, đối phó theo quy định, ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng nghề nghiệp của học sinh. 

Thầy Trần Quang Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Thuận (Vụ Bản) cho rằng: Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn và định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh gồm sự lựa chọn của bản thân; tác động của gia đình; xu hướng phát triển của xã hội; tư vấn hướng nghiệp của các trường ĐH, CĐ…; định hướng của nhà trường; truyền thông; sự tác động của bạn bè và các lý do khác. Nếu như việc định hướng nghề chưa làm tốt, các em khó có thể hình dung ra nghề nghiệp sau này của mình như thế nào, dẫn đến việc lựa chọn trường và nghề nghiệp của các em còn theo cảm tính, ít tính tới năng lực, tính cách, năng khiếu... của bản thân với nghề nghiệp mình đã chọn. Hiện nay, đa phần học sinh thi tốt nghiệp THPT xong đăng ký vào ĐH, CĐ là lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, nếu không định hướng rõ, lựa chọn trường và nghề nghiệp không chuẩn sẽ gây lãng phí tiền của, công sức và thời gian của chính các em và gia đình. Thầy Đức cũng cho biết: Năm học này, nhà trường có 270 học sinh lớp 12. Từ nhận thức đó, trường chú trọng tổ chức tốt các giờ dạy hướng nghiệp theo quy định; tổ chức tốt các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh; lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các bộ môn trên lớp và các giờ sinh hoạt đầu tuần; phối hợp với các trường ĐH, CĐ, các trung tâm hướng nghiệp tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh...

Để nâng cao chất lượng hướng nghiệp cho học sinh THPT, một số trường đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) những năm gần đây đã có nhiều giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng hướng nghiệp. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, vai trò của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trường chỉ đạo giáo viên triển khai hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp một cách hiệu quả. Tháng 8-2023, trường đã tổ chức cho học sinh khối 11 tham gia tìm hiểu một số làng nghề tại xã Mỹ Tân, xã Mỹ Thắng, nơi có nghề truyền thống đang phát triển mạnh, giải quyết nhiều việc làm để học sinh được “mắt thấy, tai nghe”, sau đó yêu cầu học sinh viết kế hoạch và những ý tưởng phát triển nghề truyền thống ở các địa phương này. Trường còn phối hợp với các trường ĐH, CĐ, các trung tâm tư vấn du học và xuất khẩu lao động cho học sinh trải nghiệm thực tế tìm hiểu về các ngành nghề mà bản thân đam mê và có thể lựa chọn; tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động: Tìm hiểu thông tin về các nhóm nghề trong xã hội và lựa chọn ngành nghề phù hợp; Giao lưu với nhà tuyển dụng; Tọa đàm chủ đề “Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT”; Tranh biện về chủ đề “Chọn nghề, chọn trường”... Ngoài ra, trường còn tổ chức cho học sinh trải nghiệm hoạt động: Một ngày làm giáo viên; một ngày làm điều dưỡng; một ngày làm đầu bếp, một ngày làm nhân viên văn phòng hoặc giám đốc doanh nghiệp… Em Vũ Thị Vân, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Lan chia sẻ: “Các hoạt động nhà trường tổ chức đã cung cấp cho chúng em những thông tin và cơ hội khám phá về nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội; hiểu rõ hơn về các yêu cầu, kỹ năng và cơ hội phát triển trong từng ngành nghề từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Qua đó, chúng em có cái nhìn tổng quan về các ngành nghề trong xã hội; nhận thức sâu hơn về quá trình chọn nghề và chọn trường học, đưa ra quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp và trường học phù hợp mục tiêu và ước mơ của mình”.

Qua thực tế hoạt động hướng nghiệp, các trường THPT cũng rút ra một số kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, đó là: Bộ và Sở GD và ĐT cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên thông qua các kênh thông tin về các nội dung của hoạt động hướng nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của giáo viên về hoạt động này. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để học sinh có cơ hội được trải nghiệm thường xuyên với những hình thức đa dạng khác nhau trong chính ngôi trường học tập của mình. 

Để thực hiện tốt hoạt động hướng nghiệp, các trường cũng thực hiện các hoạt động theo kế hoạch đã được xây dựng. Lên phương án điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với các chủ đề và cơ sở vật chất nhà trường. Phát hiện giáo viên có năng lực tổ chức hoạt động này để thành lập nhóm dạy giáo dục hướng nghiệp và cùng trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động. Các trường phối hợp với cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, trường ĐH, CĐ, dạy nghề và các lực lượng trong xã hội tìm kiếm nguồn tài trợ, chia sẻ môi trường hoạt động hướng nghiệp; phối hợp nhà trường - phụ huynh học sinh, hỗ trợ, đồng hành cùng con trong các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề phổ thông, các câu lạc bộ năng khiếu. Ngoài việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thái độ cho học sinh; giáo viên dạy nghề quan tâm, phát hiện những năng lực, sở trường của học sinh để tư vấn lựa chọn ngành nghề phù hợp. Các môn học trong trường cũng cần cập nhật đưa các nội dung hướng nghiệp và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn giảng dạy trong các tiết học, giờ dạy tích hợp bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ. Đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với tâm lý lứa tuổi và nhà trường; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chính sách đối với người học các trình độ GDNN, chính sách ưu đãi trong GDNN, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với các trường ĐH, CĐ, các cơ sở GDNN, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com