Đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh

07:33, 15/05/2024

Nhằm phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo của học sinh, thời gian qua, cùng với việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục (CSGD) tích cực triển khai các giải pháp đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh.

Cô và trò Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản) trong một giờ học.
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản) trong một giờ học.

Thực hiện đổi mới dạy học, Sở GD và ĐT đã triển khai trong toàn ngành các phong trào thi đua: “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT với nhiều cách làm hay, sáng tạo và bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực; mỗi tập thể, mỗi cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên đã có những cách riêng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng lĩnh vực công tác. Sở đã chỉ đạo các cấp học tổ chức cho các nhà giáo thực hiện “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” theo phương châm: “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, giáo viên đăng ký “các nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển”.

Sở thành lập Hội đồng chuyên môn cấp trung học; thành lập và tổ chức hoạt động chuyên môn theo cụm trường (9 cụm trường THPT và các cụm trường trong từng huyện, thành phố theo từng cấp học) để triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn như hội thảo các chuyên đề, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của giáo viên và giao lưu của học sinh. Tại các CSGD đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, thực hiện chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học của các môn học và các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn, mang lại hiệu quả trong quản lý, giáo dục học sinh, góp phần thực hiện đổi mới căn bản phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Đơn cử như tại Trường THPT An Phúc (Hải Hậu), thầy Bùi Văn Đạt, Hiệu trưởng chia sẻ: Từ thực tế dạy học năm 2022-2023, nhà trường đã xác định hướng đi và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo các bước như sau: Thứ nhất, cần nghiên cứu bài học và xác định mục tiêu cần đáp ứng yêu cầu chương trình trong từng đơn vị bài học để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng lớp, từng đối tượng học sinh; rút kinh nghiệm sau giảng dạy. Thứ hai, xây dựng thiết kế bài dạy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, đảm bảo phù hợp với đối tượng học sinh của lớp học và tổ chức giờ học theo hướng phát huy tối đa sự sáng tạo của cả giáo viên và học sinh hướng đến “giờ học mở”, “giờ học tranh biện”, “giờ học hạnh phúc”; vận dụng linh hoạt các phương pháp kỹ thuật dạy học tích cực phù hợp với đối tượng học sinh; Thứ ba, sử dụng tiện ích của các phần mềm thông dụng như: Google, Meet, Azota, Quizizz... Thứ tư, tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, ngoại khóa, STEM, các hình thức hoạt động câu lạc bộ cho học sinh được thỏa sức sáng tạo và theo đuổi đam mê, phát huy năng khiếu bản thân.

Qua việc đổi mới dạy học, nhiều đơn vị tiếp tục duy trì và giữ vững thành tích đơn vị “Tiêu biểu”, “Xuất sắc”, như các trường tiểu học: Chu Văn An (thành phố Nam Định), Giao Xuân (Giao Thủy), Xuân Hồng (Xuân Trường), Nam Tiến (Nam Trực); các trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), Nguyễn Hiền (Nam Trực), Đào Sư Tích (Trực Ninh), Trần Huy Liệu (Vụ Bản), Lê Quý Đôn (Ý Yên), Giao Thủy, Hải Hậu; các trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), A Hải Hậu (Hải Hậu), Giao Thủy (Giao Thủy), Lê Quý Đôn (Trực Ninh)...

Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá học sinh không những không thể tách rời của quá trình dạy học, mà còn đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, khích lệ phát triển năng lực học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo mục tiêu GD và ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Việc đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục tiểu học, THCS, THPT được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học. Ra đề thi, đánh giá kết quả học tập theo hướng mở, tích hợp liên môn, kết hợp lý thuyết với thực hành, gắn với các vấn đề thời sự của địa phương, đất nước; kết hợp tự luận và trắc nghiệm; xây dựng ngân hàng đề kiểm tra với 4 cấp độ: nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao.

Nam Định là tỉnh đi đầu thực hiện đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với 3 bài thi (môn Toán, môn Ngữ văn và Tổng hợp) và đổi mới các cuộc thi, hội thi của các cấp học. Trong các kỳ thi, cuộc thi dành cho học sinh tiếp tục đạt kết quả tốt, mỗi năm có hàng nghìn học sinh tiêu biểu được Sở GD và ĐT tuyên dương và tặng Giấy khen. Toàn tỉnh đã có 743 học sinh giỏi quốc gia, 20 học sinh đạt giải khu vực và quốc tế. Kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét công nhận tốt nghiệp THPT luôn giữ ổn định và trong tốp dẫn đầu toàn quốc với tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp hàng năm đạt từ 99,5-99,87%.

Chia sẻ về việc đổi mới kiểm tra đánh giá tại Trường THCS Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng cho biết: “Để phát triển các năng lực, phẩm chất của học sinh như năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp và hợp tác… cùng với nâng cao chất lượng giáo dục thì nhà trường cũng đổi mới việc kiểm tra, đánh giá học sinh để đảm bảo nắm chắc năng lực, kết quả công tác giáo dục, từ đó có giải pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Nhà trường tập trung đánh giá năng lực người học, đánh giá khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau. Chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học; chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn; chú trọng đánh giá các năng lực tư duy như tư duy sáng tạo, khuyến khích học sinh thể hiện cá tính và năng lực bản thân. Trong đánh giá thành tích học tập chú ý đánh giá cả quá trình học tập; sử dụng các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau; phát huy tính chủ động của học sinh trong việc tự đánh giá bản thân và đánh giá chéo lẫn nhau…”.

Thực hiện đổi mới dạy học, thi và kiểm tra đánh giá, chất lượng giáo dục các cấp học ổn định và ngày càng nâng cao. Hàng năm, ở cấp tiểu học, kết quả môn Tiếng Việt, môn Toán xếp loại “Hoàn thành” trở lên đều đạt trên 99,3%; xếp loại năng lực “Đạt” trở lên và phẩm chất “Đạt” trở lên đạt 99%. 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh THCS đạt hạnh kiểm/rèn luyện loại Tốt 86,6%, Khá 12,2%; tỷ lệ xếp loại học lực/học tập loại Giỏi/Tốt 28,8%, Khá 40,2%, Trung bình/Đạt 25,9%. Tỷ lệ học sinh THPT đạt hạnh kiểm/rèn luyện loại Tốt 94,43%, Khá 4,76%; tỷ lệ xếp loại học tập/học lực Giỏi/Tốt 50,7%, Khá 41,8%, Trung bình/Đạt 8,0%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 99,87% (cao hơn 0,03% năm 2022).

Đổi mới thi, kiểm tra đánh giá đang đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới toàn diện về phương pháp dạy học, quản lý, cách thức tổ chức hoạt động dạy học, góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, quá trình đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá tại một số CSGD còn gặp khó khăn do giáo viên chậm thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá truyền thống, chưa chủ động đổi mới... Cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy giáo viên đổi mới kiểm tra, đánh giá; đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về các phương pháp, hình thức đánh giá mới, cách thức ra đề thi, kiểm tra theo hướng mở, tiếp cận năng lực học sinh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com