Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

08:33, 29/03/2024

Thời gian qua, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm (DBTN) nguy hiểm xảy ra trên thế giới và nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tác động lớn tới tình hình kinh tế - xã hội. Trước diễn biến phức tạp của DBTN, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 22-3-2024 về “Phòng, chống DBTN tỉnh Nam Định năm 2024”. Trong đó đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời DBTN, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại Trung tâm tiêm vắc-xin Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định.
Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại Trung tâm tiêm vắc-xin Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định.

Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), năm 2023, tại tỉnh ta ghi nhận 2.376 ca mắc sốt xuất huyết (1 ca tử vong), tăng 1,3 lần so với năm 2022 (Nam Định xếp thứ 2/28 tỉnh miền Bắc về số ca mắc sốt xuất huyết, chỉ đứng sau Hà Nội); ghi nhận 1.271 ca mắc tay chân miệng… Quý I năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp mắc liên cầu lợn và tử vong tại xã Giao Hải (Giao Thủy); 18 ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết, 18 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue tại 10 huyện, thành phố và 27 ca mắc/nghi mắc tay chân miệng.

Đồng chí Vũ Hồng Sâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: Năm 2023, Chi cục đã lấy 1.948 mẫu bệnh phẩm để giám sát các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và bệnh tôm. Trong đó, giám sát bệnh cúm gia cầm 562 mẫu, bệnh dịch tả lợn (DTL) cổ điển 250 mẫu, bệnh tai xanh 258 mẫu, bệnh DTL châu Phi 699 mẫu, bệnh lở mồm long móng (LMLM) 58 mẫu và 121 mẫu tôm giám sát các bệnh hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng và đốm trắng; phát hiện 1 mẫu dương tính với vi-rút cúm gia cầm H5N1 lấy tại thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), 1 mẫu dương tính với bệnh DTL châu Phi lấy tại xã Trực Thanh (Trực Ninh); 8 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp; 7 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng; các bệnh khác không phát hiện vi-rút trong các mẫu kiểm tra. Quý I năm 2024, giám sát bệnh trên đàn lợn, lấy 4 mẫu bệnh phẩm lợn tại hộ ông T.X.Đ ở xã Giao Hải (Giao Thuỷ) để kiểm tra vi khuẩn Streptococcus suis (bệnh liên cầu khuẩn ở lợn); kết quả phát hiện 2 mẫu dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis. Chi cục cũng đã kiểm tra và cấp 451 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Số lượng động vật, sản phẩm động vật được kiểm dịch là: 47.227 con lợn; 138.300 con gia cầm giống; 116.492 con gia cầm thịt; 1.800 con thỏ; 2.000 chùm hàu và 186.662kg sản phẩm động vật các loại. Các đại lý buôn bán vắc-xin trên địa bàn tỉnh xuất bán được hơn 1 triệu liều vắc-xin các loại. Trong đó, vắc-xin dịch tả lợn 96.300 liều, tụ huyết trùng lợn 96.450 liều, tai xanh 49.530 liều, LMLM 48.900 liều, cúm gia cầm 141.600 liều, dịch tả vịt 183.900 liều, Niu-cát-xơn 209.550 liều, tụ huyết trùng gia cầm 140.150 liều, viêm gan vịt 172.500 liều, bệnh dại 352 liều. 

“Hiện tại, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nắng mưa đan xen làm giảm sức đề kháng của các vật nuôi, đồng thời là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường phát triển và gây bệnh; đàn vật nuôi của tỉnh số lượng lớn lại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi bán thâm canh, nhiều điểm nuôi không bảo đảm điều kiện về an toàn sinh học; mầm bệnh đã xuất hiện, lưu hành trong các đối tượng nuôi và ngoài môi trường với tỷ lệ cao. Vì vậy nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trong thời gian tới rất cao”, đồng chí Vũ Hồng Sâm thông tin thêm.

Tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp Bộ NN và PTNT tổ chức sáng 27-3-2024 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, ở trong nước, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã và đang lưu hành và có tác động lớn đến sức khỏe người dân như: Bệnh dại, cúm A/H5N1, bệnh liên cầu lợn ở người, bệnh than, bệnh Leptospira (bệnh xoắn khuẩn vàng da). Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT thông tin thêm: “Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Đây là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2024. Thực tế hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo chỉ đạt khoảng 30%, chó mèo cơ bản không đeo rọ mõm khi ra đường”.

Phòng bệnh từ sớm, từ xa

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước diễn biến phức tạp của DBTN, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch và các bệnh truyền nhiễm, tiếp tục có phương án bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh. Chú trọng giám sát dịch bệnh thường gặp như viêm đường hô hấp cấp, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp nguy hiểm, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản B.

3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ trẻ đã tiêm chủng đạt 17,1%; tỷ lệ trẻ tiêm viêm gan B trước 24 giờ đạt 13,3%; tỷ lệ trẻ tiêm sởi - rubella đạt 14,0%; tỷ lệ tiêm viêm não Nhật Bản mũi 3 đạt 15,8%; tỷ lệ tiêm uốn ván mũi 2 cho phụ nữ mang thai (UV2+) đạt 15,9%. Thực hiện tốt công tác truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục sức khoẻ; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bếp ăn tập thể nhằm hạn chế các vụ ngộ độc tập thể và không có tử vong do ngộ độc thực phẩm. Sở đã chỉ đạo CDC tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các công tác: Phòng, chống dịch bệnh trên người, bệnh lây truyền từ động vật sang người, kiểm dịch y tế quốc tế người và hàng hóa qua Cảng biển Hải Thịnh theo chức năng, nhiệm vụ và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phối hợp liên ngành. Căn cứ các hướng dẫn của Trung ương, các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách quy định về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc-xin, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm (cúm A/H5N1, sốt xuất huyết Dengue) và các bệnh mới nổi hoặc bệnh lưu hành có số mắc, tử vong cao. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Để thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về y tế dự phòng, y tế cơ sở, công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 22-3-2024 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND về phòng, chống DBTN tỉnh Nam Định năm 2024. Mục tiêu là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời DBTN, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, bệnh truyền nhiễm xâm nhập và lưu hành; xử lý triệt để, kịp thời khống chế không để dịch bệnh bùng phát. Bảo đảm nguồn lực, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở. Nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch. Củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tiêm chủng từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh. Tăng cường năng lực cho cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tổ chức các chiến dịch truyền thông lan tỏa thông điệp phòng, chống dịch “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”; các chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh; duy trì thực hiện tốt phong trào “vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”; tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt hoạt động Ngày vệ sinh môi trường 24 hàng tháng trên toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com