Nhân rộng mô hình “Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ gia đình"

08:38, 22/02/2024

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các huyện, thành phố tập trung khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các mô hình hoạt động mới phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu của hội viên. Trong đó, mô hình “Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ gia đình” hoạt động hiệu quả đang thu hút đông đảo chị em tham gia. 

Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Giao Thuỷ hướng dẫn hội viên kỹ thuật đào hố chôn lấp rác thải hữu cơ.
Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Giao Thuỷ hướng dẫn hội viên kỹ thuật đào hố chôn lấp rác thải hữu cơ.

Giữa năm 2020, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn 30 hộ gia đình ở xóm Đông Anh, xã Yên Khang (Ý Yên) để thành lập mô hình điểm “Phụ nữ chủ động thực hiện phân loại, xử lý rác thải từ gia đình”. Các hộ gia đình tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ; quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại gia đình. Thực hiện quy trình, hàng ngày các hộ gia đình tiến hành thu gom, phân loại rác thải; trong đó rác hữu cơ được cho vào thùng xử lý hoặc hố rác đào sẵn, sau đó tưới chế phẩm vi sinh và đậy nắp, sau khoảng 30-40 ngày, rác thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng. Chị Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Khang cho biết: “Mô hình giúp hội viên phụ nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư; biết cách phân loại rác thải, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ thành phân bón phục vụ cho quá trình trồng trọt của gia đình, góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường, giảm bớt gánh nặng cho các bãi tập kết rác, bảo vệ môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao của địa phương”. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, 100% gia đình tại thôn Đông Anh đã thực hiện xử lý phân loại rác thải tại nguồn. Mô hình sau đó được các cấp Hội Phụ nữ huyện Ý Yên nhân rộng. Hội Phụ nữ mỗi xã, thị trấn chọn 1 chi hội làm điểm; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện, tạo thói quen, thay đổi hành vi trong việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình. Đến nay, cả 31 xã, thị trấn huyện Ý Yên đã thành lập mô hình, thu hút hàng nghìn hộ gia đình hội viên phụ nữ tham gia.

Trước thực trạng cả xã chỉ có 1 điểm xử lý rác thải tập trung theo hình thức chôn lấp dẫn đến tình trạng ùn ứ rác tại bãi tập kết gây ô nhiễm môi trường, Hội LHPN huyện Xuân Trường đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, các đoàn thể trong huyện chọn xóm 5 (nay là thôn 3), xã Xuân Thượng làm điểm mô hình “Chi hội sống xanh”. Mục tiêu của mô hình là tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân chủ động thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, biến rác thải hữu cơ làm phân bón cho trồng trọt, tạo ra môi trường sống xanh, an toàn. Để hỗ trợ mô hình, Hội LHPN huyện còn phối hợp với xã Xuân Thượng trao tặng các thùng phân loại rác hữu cơ và vô cơ, nắp hố ủ rác hữu cơ và chế phẩm sinh học cho các thành viên tham gia. Từ vài chục hộ tham gia ban đầu, hiện 100% gia đình tại xóm 5 đã thực hiện xử lý phân loại rác thải tại nguồn, tận dụng các loại rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; từ đó giảm lượng rác thải ra ngoài môi trường. Mô hình thành công đã tạo tiền đề để Hội LHPN huyện Xuân Trường nhân rộng ra các xã, thị trấn, hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Từ hiệu quả của các mô hình điểm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố triển khai xây dựng mô hình “Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ gia đình”. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên phụ nữ tham gia thực hiện vệ sinh môi trường, phân loại rác thải; gắn thực hiện mô hình với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động bằng những việc làm cụ thể như: tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom rác thải tại nơi công cộng, tổng dọn vệ sinh các tuyến đường khu dân cư vào chiều thứ Bảy hàng tuần; trồng cây xanh; vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; chăm sóc các tuyến đường hoa gắn với thực hiện “Đoạn đường phụ nữ tự quản”... Để hỗ trợ cho mô hình hoạt động hiệu quả, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Huyện hội tới cơ sở thường xuyên trực tiếp hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình tại các hộ gia đình. Hội tổ chức các hoạt động cho hội viên đi tham quan học hỏi các mô hình điểm; tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền bảo vệ môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải, đào hố chôn lấp rác thải hữu cơ; tặng các thùng ủ rác… Đến nay, 100% các cơ sở Hội trong tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình “Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ gia đình” hoạt động hiệu quả. 

Với việc triển khai mô hình “Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ gia đình” của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã đem lại lợi ích cả về mặt môi trường và kinh tế. Thông qua mô hình đã từng bước thay đổi nhận thức, tạo thói quen về thực hiện thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình của cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, việc xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh còn giúp chị em có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn sức khỏe, giảm được áp lực trong việc thu gom rác thải và chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường; từ đó góp phần tích cực vào thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com