Ngành Y tế tỉnh Nam Định là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) theo Kế hoạch số 50-KH/TU của Ban TVTU và Kế hoạch số 73/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Các ĐVSNCL ngành Y tế đã phát huy tính chủ động khi chuyển đổi cơ chế hoạt động, tích cực khai thác nguồn thu hợp pháp, đổi mới cơ chế quản lý tài chính hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công có chất lượng cao; từng bước nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức, người lao động, tăng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. |
Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian qua, Sở Y tế đã tiến hành hợp nhất các Trung tâm Y tế (TTYT) với Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn thành TTYT đa chức năng (riêng huyện Hải Hậu không thực hiện sáp nhập Bệnh viện huyện với TTYT huyện theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII do Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu xếp hạng II). Về sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, năm 2023, Sở Y tế trình UBND tỉnh Đề án thành lập Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Nam Định, trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Nam Định và chuyển chức năng, nhiệm vụ giám định pháp y của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định về Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Nam Định. Từ ngày 1-1-2024, chuyển giao các TTYT huyện, thành phố về UBND các huyện, thành phố quản lý. Việc tổ chức các cơ sở y tế theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp: Chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3. Sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế. Năm 2024, căn cứ biên chế được UBND tỉnh tạm giao, Sở Y tế đã có Quyết định số 3802/QĐ-SYT ngày 28-12-2023 về việc tạm giao biên chế công chức quản lý hành chính Nhà nước cho các cơ quan trong ngành Y tế với tổng số 67 biên chế gồm: Cơ quan Sở Y tế 41 biên chế; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh 13 biên chế; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh 13 biên chế. Đồng thời, Sở Y tế tạm giao số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với các ĐVSNCL tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và ĐVSNCL do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2024 cho các đơn vị trong ngành với tổng số 442 người, trong đó số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước 412 người, số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị 30 người. Các đơn vị thực hiện tốt việc sử dụng số lượng người làm việc không vượt quá số lượng người được giao.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý biên chế theo Kế hoạch số 118-KH/TU ngày 28-8-2023 của Ban TVTU về quản lý và sử dụng biên chế tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2026, Sở Y tế tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý nhân lực giữa các khoa, phòng, các bộ phận để có phương án điều chỉnh chỉ tiêu số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đảm bảo mục tiêu giảm 3% chỉ tiêu công chức biên chế hành chính và 3,1% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo đúng quy định. 100% các đơn vị thuộc ngành Y tế đều giao biên chế theo đúng số lượng được cấp có thẩm quyền giao, không có đơn vị có số biên chế vượt quá biên chế được giao. Tại một số đơn vị, vẫn còn biên chế chưa sử dụng hết do chưa tuyển đủ số người làm việc theo Đề án vị trí việc làm (sau kỳ tuyển dụng viên chức y tế năm 2018 thì đến năm 2023, ngành Y tế mới tiếp tục tổ chức tuyển dụng với 2 đợt: đợt 1 tuyển được 149 bác sĩ, đợt 2 tuyển được 182 viên chức hạng IV gồm các chức danh: điều dưỡng, hộ sinh, dược, kỹ thuật Y, dân số viên, công nghệ thông tin, văn thư lưu trữ, tuy nhiên vẫn chưa tuyển đủ số chỉ tiêu cần tuyển).
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Sở Y tế xây dựng dự thảo quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2028 trình HĐND, UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Ban hành Quyết định phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của 17 ĐVSNCL tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên và do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Hướng dẫn các đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, trong đó bố trí cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 65%. Hàng năm, Sở Y tế tham mưu bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế vẫn được ưu tiên với mục tiêu đảm bảo sức khỏe toàn dân, đảm bảo người dân tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu. Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở; hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh (KCB)… Đồng thời, đổi mới phương thức đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tăng khả năng cạnh tranh giữa đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị ngoài công lập. Thay đổi phương thức thanh toán bảo hiểm y tế, chuyển dần từ thanh toán theo phí dịch vụ thành thanh toán theo định suất, theo nhóm trường hợp bệnh, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực y tế và giá dịch vụ.
Cơ sở vật chất ngành Y tế tiếp tục được đầu tư nâng cấp với trang thiết bị y tế hiện đại; thực hiện tốt việc tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật mới, chuyên sâu giữa các tuyến y tế từ Trung ương đến tỉnh, huyện góp phần nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân. Trong đó, hoàn thành dự án xây mới Bệnh viện Mắt tỉnh quy mô 7 tầng; triển khai thực hiện hiệu quả dự án hỗ trợ y tế các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi, TTYT các huyện (Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên); Dự án giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế tỉnh Nam Định tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Thực hiện công tác xã hội hóa một số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính đã từng bước tự chủ huy động vốn để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động dịch vụ KCB. Một số đơn vị thực hiện liên kết theo hình thức bên liên kết đặt máy móc, trang thiết bị tại bệnh viện để phục vụ công tác KCB trên cơ sở số tiền thu được từ hoạt động dịch vụ này trừ chi phí trực tiếp và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, số còn lại phân chia theo tỷ lệ xây dựng trong Đề án bổ sung nguồn kinh phí hoạt động như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên kết hoạt động máy siêu âm màu, máy X-quang, máy xét nghiệm; TTYT huyện Trực Ninh liên kết đặt máy siêu màu 4 chiều; TTYT huyện Nghĩa Hưng đặt máy siêu âm, máy X-quang, máy xét nghiệm sinh hóa và máy nội soi; Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu liên kết đặt máy chụp X-quang kỹ thuật số, Máy chụp CT Scanner 1 dãy và máy siêu màu; TTYT huyện Ý Yên liên kết đặt máy X-quang CR; TTYT huyện Xuân Trường góp vốn mua máy siêu âm Doppler màu 4D, TTYT huyện Giao Thủy tham gia liên doanh, liên kết hệ thống XQ kỹ thuật số CR. Đến nay, ngành Y tế có 17 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 5 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 3 đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Trong đó, 17 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên đã thực hiện tự chủ về nhân sự, thực hiện nhiệm vụ. Chủ động đề xuất cấp thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, quyết định số lượng người làm việc, việc trả lương của các ĐVSNCL theo các mức độ tự chủ về tài chính; thay thế việc trả lương từ nguồn ngân sách Nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp.
Năm 2024, ngành Y tế củng cố và hoàn thiện tổ chức mạng lưới các tuyến; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, ưu tiên phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB; nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu: đạt 9 bác sĩ/1 vạn dân; số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc đạt từ 82% trở lên; trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ đạt từ 90% trở lên; xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (chuẩn mới) đạt 99% trở lên; dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 93,55%. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế theo hướng từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; phân bổ ngân sách cho các hoạt động dự phòng. Tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện; thực hiện chuẩn hóa và cũng có hệ thống thông tin phục vụ cho công tác quản lý bệnh viện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực y tế./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin