Theo phong tục của người Việt, lễ ăn hỏi (hay còn gọi là lễ đính hôn) là một nghi thức truyền thống cần thực hiện trước khi các đôi uyên ương tổ chức lễ thành hôn. Trong lễ ăn hỏi, phần được coi trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất chính là mâm quả cưới (tráp ăn hỏi). Đây là lễ vật thể hiện sự quan tâm và tôn trọng của nhà trai dành cho nhà gái. Vì vậy, khi xã hội ngày một phát triển thì dịch vụ trang trí cho lễ vật trong lễ ăn hỏi đã trở thành một nghề và ngày càng phát triển.
Anh Lê Quang Tú, chủ cửa hàng Tú Lê, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) trang trí các mâm lễ ăn hỏi cho khách. |
Ở mỗi vùng miền sẽ có những tục lệ và quy định khác nhau về mâm quả cưới. Khi mang đến nhà gái lễ ăn hỏi, mâm quả thể hiện tấm lòng yêu quý của chàng trai dành cho cô gái và cũng là để tỏ lòng biết ơn đối với bậc sinh thành của của cô dâu. Có thể nói đây chính là lễ vật dẫn đường, mở đầu cho sự kết giao của hai nhà, cho một mối quan hệ mới bắt đầu. Vì thế, những mâm quả trong lễ ăn hỏi luôn được các gia đình quan tâm và là một phong tục đậm nét truyền thống của người Việt. Thông thường, lễ ăn hỏi diễn ra từ tháng Giêng đến tầm cuối tháng Chạp, chỉ nghỉ có tháng Bảy âm lịch do quan niệm kiêng kỵ trong dân gian nên người làm dịch vụ trang trí lễ vật khá đều việc. Không chỉ riêng ở thành phố Nam Định mà ở các huyện đến các xã, thị trấn đều phát triển dịch vụ này. Trung bình một tháng, các cửa hàng làm từ 15-20 lễ, có những tháng cao điểm có thể làm đến 30-40 bộ lễ ăn hỏi. Anh Lê Quang Tú ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) đã có hơn 10 năm làm dịch vụ trang trí lễ vật cho đám hỏi. Tuy không hề qua một trường lớp nào, nhưng với khiếu thẩm mỹ và sự tìm tòi, học hỏi không ngừng, những mâm tráp cau, rồng, phượng hiện đại đã trở thành thương hiệu của cửa hàng Tú Lê. Ngoài vợ chồng anh chịu trách nhiệm chính trong các khâu quan trọng, cửa hàng luôn có thêm 2-3 nhân viên phụ việc. Trung bình mỗi tháng cửa hàng Tú Lê làm từ 20-30 bộ lễ, mỗi bộ có từ 5 đến 11 lễ, đủ các mâm, tráp như: cau trầu; rượu, kẹo, thuốc lá; bánh phu thê, đậu xanh; rồng phượng hoa quả; xôi, heo quay... Tùy theo yêu cầu của khách hàng, giá tiền sính lễ, cửa hàng đều có các gói phục vụ, từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Thông thường khách đều đặt cố định các mâm cau “tâm đầu ý hợp”, “long phụng sum vầy” và mẫu rồng, phượng truyền thống.
Vào những tháng cao điểm, số mâm lễ có thể tăng lên gấp đôi, thậm chí nhiều hơn. Nhìn những lễ ăn hỏi làm cho khách mới thấy hết được sự tỉ mỉ chăm chút cho từng sản phẩm, thấy được trách nhiệm và tình yêu công việc mà anh Tú đã lựa chọn. Anh chia sẻ, đối với các lễ đơn giản thì việc chuẩn bị và sắp lễ mất khoảng 5-6 tiếng, nhưng đối với các lễ cầu kỳ làm rồng, phượng thì phải mất từ 1-2 ngày. Từng chiếc vảy rồng, lông phượng đều được anh chị lựa chọn vật liệu kỹ lưỡng, cắt, gắn rồi trang trí, tỉ mẩn từng chút một để mỗi sản phẩm khi đến tay khách hàng đều nhận được sự hài lòng. Công việc tuy đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, phải thức khuya dậy sớm nhưng bù lại có thu nhập tốt, vừa góp phần làm cho đám hỏi của khách thêm đẹp và trang trọng. Ngoài làm lễ vật, anh Tú còn tổ chức dạy nghề cho những người có đam mê, nhất là các bạn trẻ. Hầu như mỗi năm anh đều có các học viên theo học và sau đó tự mở cửa hàng phục vụ khá thành công.
Cửa hàng phục vụ lễ hỏi Nga Tuấn ở đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố. Chị Nga, chủ cửa hàng cho biết, nghề trang trí lễ vật cho đám hỏi được chị làm từ hơn 20 năm trước và đến nay cửa hàng đã có lượng khách thân quen nhất định với 2 cơ sở trên phố Trần Hưng Đạo và chợ Mỹ Tho. Với uy tín và chất lượng, khách hàng giới thiệu nhau nên cửa hàng của gia đình chị làm không hết việc. Thời gian cao điểm, chị luôn có 6-7 thợ phụ, có tháng phục vụ trên 40 đám hỏi. Khi đã tạo được uy tín và thành thạo trong nghề, chị rút dần thợ và tập trung làm tại chợ Mỹ Tho là chính. Mặc dù, nằm khuất nẻo trong chợ nhưng cửa hàng của chị luôn đông khách. Một mình chị một ngày có thể tự làm 5-7 lễ, mỗi lễ từ 7 đến 9 tráp quả. Trung bình mỗi lễ bình dân có giá từ 5 đến 10 triệu đồng, lễ sang có thể lên tới gần 50 triệu đồng. Tuy làm nhiều lễ nhưng chị Nga đều có cách trang trí khác nhau để tránh trùng lặp và vẫn mang vẻ truyền thống xen lẫn hiện đại để phục vụ khách hàng. Đối với chị, hơn 20 năm làm hàng nghìn lễ ăn hỏi, hàng nghìn gia đình đã “chọn mặt, gửi vàng” trong dịp trọng đại, ngày vui của gia đình thì mỗi món đồ sắp lễ đều được cửa hàng lựa chọn kỹ càng, đảm bảo không chỉ hình thức mà còn chất lượng. Chị Nga chia sẻ: “Đối với những người sắp lễ, quan trọng nhất là sự sáng tạo trong từng mâm lễ, nhất là khâu chọn cau. Cành cau cho lễ ăn hỏi phải thật đẹp. Một cành cau đẹp phải có quả to đều, màu xanh, có râu… Còn hoa quả kết rồng, phượng cũng phải chọn loại quả đẹp, sáng màu và phối hợp màu sắc hài hòa”. Bên cạnh đó, chị Nga còn rất chu đáo trong việc tư vấn cho khách hàng, nhất là những người đến đặt lễ ăn hỏi cho con lần đầu không biết về các “thủ tục” như: Trong tráp lễ thì tráp nào đi trước, tráp nào đi sau? Các thủ tục cần thiết trong ngày ăn hỏi, “Lại quả” cho nhà gái như thế nào…
Tháng cuối năm và đầu năm mới là tháng cao điểm của lễ cưới hỏi. Những người làm nghề trang trí lễ vật lại tất bật từ khâu chuẩn bị đến sắp lễ. Những đêm thức trắng, những ngày dậy từ tinh mơ chuẩn bị hoa tươi, quả ngọt được đổi lại bằng nụ cười, sự hài lòng của khách hàng. Những món đồ, mâm lễ vật được chọn hôm nay chính là khởi đầu cho câu chuyện hạnh phúc của các cặp đôi trong tương lai - đó chính là niềm vui, hạnh phúc của những người “nối nhịp yêu thương”, “trang điểm” cho lễ vật cầu hôn./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin