Năm học 2023-2024, ngành học mầm non tiếp tục huy động số trẻ đến trường đạt tỷ lệ cao, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ có nhiều chuyển biến tích cực, tạo niềm tin đối với phụ huynh học sinh và xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cùng với đội ngũ giáo viên từng bước được trẻ hóa, “chuẩn hóa’’ đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành học.
Cô và trò Trường Mầm non thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) trong một giờ học. |
Chúng tôi ấn tượng khi đến thăm Trường Mầm non thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). Từ khuôn viên đến phòng học đều mát mẻ và sạch sẽ, các lớp học thân thiện với nhiều màu sắc sinh động. Trẻ được tham gia và tự khám phá ở các góc hoạt động, tự chọn bạn chơi, đồ chơi yêu thích, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá, trải nghiệm và thực hành, sáng tạo. Cơ sở vật chất của nhà trường hiện có 12 phòng học và phòng chức năng như phòng y tế, nhà bếp, nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Môi trường trong và ngoài lớp học được sắp xếp gần gũi, quen thuộc, thiết kế an toàn, trang trí đẹp mắt. Để trẻ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhà trường đã quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích đến toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên; đồng thời Ban giám hiệu luôn nhắc nhở đội ngũ giáo viên phải ân cần, gần gũi, yêu thương trẻ, chăm sóc trẻ tận tình chu đáo, thân thiện để trẻ tự tin, yêu trường, yêu lớp; tuyệt đối nói không với bạo lực học đường, không dùng bất kỳ một hình thức phạt nào ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý trẻ. Nhiều tiết dạy được các cô giáo tổ chức dưới các hình thức độc đáo, sáng tạo, khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, kích thích, lôi cuốn trẻ hào hứng, tích cực tham gia hoạt động, tiếp nhận kiến thức tự nhiên, không gò ép. Nhờ đó, những năm học qua, 100% trẻ học tập tại trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, nhà trường đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, trong các góc học tập... nhằm tạo môi trường cho trẻ hoạt động thông qua các hoạt động như khám phá khoa học, làm quen với toán, làm quen với văn học, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, nhanh nhẹn, biết chia sẻ hợp tác nhường nhịn, giúp đỡ mọi người và dễ thích nghi hòa nhập với môi trường xã hội hơn. Trong năm học 2022-2023, nhà trường đã hoàn thành 98% kế hoạch huy động trẻ đến trường và hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Đối với nhà trẻ đã huy động 54/219 trẻ ra lớp đạt 24,6% độ tuổi, đối với mẫu giáo có 262/283 trẻ ra lớp đạt 92,5% độ tuổi, tỷ lệ chuyên cần đạt 97-100%.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương, cùng với nguồn xã hội hóa giáo dục, Trường Mầm non thị trấn Gôi (Vụ Bản) đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang, sạch đẹp tạo môi trường giáo dục cho trẻ đảm bảo các tiêu chí xanh - sạch - đẹp - an toàn. Hiện nhà trường có 2 khu, với đầy đủ phòng học, khu nuôi ăn bán trú, khuôn viên trường được bố trí hợp lý theo từng khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập một cách khoa học như: khu vườn cổ tích, sân tập thể dục, thể thao, khu vực đồ chơi ngoài trời... Các phòng học, phòng ngủ được trang bị đầy đủ các thiết bị phù hợp, đảm bảo cho trẻ sinh hoạt ấm về mùa đông, mát về mùa hè, với 100% các phòng ngủ được trang bị điều hòa, hệ thống chăn, đệm được mua sắm bổ sung hàng năm. Nhà trường đã tích cực xây dựng cảnh quan trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn để học sinh được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn và lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, các hội thi, hội giảng do nhà trường và ngành phát động; từ đó tạo động lực cho đội ngũ giáo viên hăng say, toàn tâm cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Trẻ đến trường được tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, được hòa mình vào thế giới tự nhiên và tham gia các hoạt động trải nghiệm như tham quan dã ngoại, tham gia các hoạt động nhân dịp lễ, tết. 100% trẻ đến trường được cân đo, theo dõi qua biểu đồ, được khám sức khỏe định kỳ. Qua đánh giá hàng năm, trẻ đều phát triển bình thường về nhận thức, ngôn ngữ, cân nặng, chiều cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại trường hàng năm giảm xuống dưới 1%.
Những năm qua, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo đảm an toàn, giáo dục trẻ mầm non trong toàn tỉnh đã được thực hiện tốt; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tiếp tục được củng cố vững chắc, duy trì hiệu quả. Toàn tỉnh đã huy động được 109.614 trẻ ra lớp, đạt 34,85% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 96,24% trẻ mẫu giáo, với 3.986 nhóm, lớp; trong đó có 1.008 lớp với 32.322 trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường, đạt tỷ lệ 99,96% dân số độ tuổi, 100% diện phổ cập ra lớp. 100% trường tổ chức nuôi ăn bán trú nền nếp, không để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó có 96,35% trẻ nhà trẻ; 98,53% trẻ mẫu giáo được nuôi ăn bán trú. Để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, các đơn vị tích cực tham mưu UBND huyện, thành phố đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng theo hướng hiện đại, thuận lợi cho công tác nuôi ăn bán trú như máy điều hòa, bình nóng lạnh, nồi hầm, máy xay thịt, máy thái rau, củ, quả. Cùng với đó, ngành tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học theo hướng mở phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo; thường xuyên tổ chức các chuyên đề giáo dục khác nhau để cán bộ, giáo viên được giao lưu, học hỏi, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023-2024, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, hoạt động của trẻ để chất lượng giáo dục mầm non năm học sau luôn cao hơn năm học trước, giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin