Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp cho học sinh

08:45, 03/01/2024

Để giúp học sinh có những lựa chọn đúng đắn nhất trong việc định hướng nghề nghiệp cho bản thân; tránh được những sai lầm khi quyết định chọn hướng đi cho tương lai; giảm bớt những rủi ro như bỏ dở việc học hoặc ra trường làm trái nghề dẫn đến chán nản, thất nghiệp, thời gian qua, nhiều chương trình, hoạt động với ý nghĩa “chắp cánh ước mơ” khởi nghiệp cho học sinh ra đời.

Dự án “Hệ thống sấy đa năng” của học sinh Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu).
Bài và ảnh: Minh Thuận
Dự án “Hệ thống sấy đa năng” của học sinh Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu). 

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp và Cuộc thi “Học sinh phổ thông với Ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Nam Định lần thứ I để hỗ trợ học sinh xác lập mục tiêu, hoạch định tương lai nghề nghiệp, phát huy tính năng động, sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê và phấn đấu trong quá trình học tập. Học sinh có cơ hội tìm hiểu, khám phá về các ngành nghề làm việc, phát hiện, đưa ra những lựa chọn phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện bản thân và gia đình. Ngày hội khởi nghiệp và Cuộc thi “Học sinh phổ thông với Ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Nam Định lần thứ I thu hút 52 đơn vị tham gia với tổng số 68 dự án; trong đó học sinh THCS có 16 dự án, học sinh THPT có 52 dự án thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Nông, lâm, ngư nghiệp; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp. Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là năm đầu tiên Cuộc thi được tổ chức nên các đơn vị không tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu. Tuy nhiên, các đơn vị đã bắt nhịp rất nhanh, tích cực chuẩn bị, thể hiện được tính ưu việt của dự án trên các kênh truyền thông, thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả. Một trong những điểm mới, cũng là điểm nhấn của chương trình, là sự đồng hành của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học đối với chương trình và các nhà trường. Sự đồng hành này còn tiếp tục trong những chặng đường tiếp theo cùng các nhà trường, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành GD và ĐT tỉnh. Ban Tổ chức đã trao giải cho 45 dự án, gồm: 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 10 giải Ba, 30 giải Khuyến khích; trong đó, 5 dự án đoạt giải cao nhất được lựa chọn tham dự Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với Ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI (SV_STARTUP LẦN VI) do Bộ GD và ĐT tổ chức. Các dự án khởi nghiệp được đánh giá có tính thiết thực, khả thi cao, nghiên cứu khá rõ nhu cầu thị trường, đối tượng khách hàng, nắm bắt đúng xu thế chung, thể hiện được tư duy sáng tạo khởi nghiệp. Đặc biệt, dù tập trung cao vào ý tưởng có tính độc đáo và khả năng thu lợi nhuận cao nhưng các dự án cũng không quên đánh giá vai trò, tác động của nó đến cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội. Nhiều dự án đi sâu khai thác các sản phẩm, tiềm năng của các địa phương, qua đó thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Các dự án cũng rất chú trọng đến kế hoạch truyền thông và tận dụng ưu thế của mạng xã hội. Tiêu biểu như các dự án: “Phân bón, giá thể hữu cơ từ lông gà” của Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường); “Sản xuất, kinh doanh gạo lứt nảy mầm và đậu sấy thăng hoa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống Việt” của Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định); “Phát triển chiến lược kinh doanh nghề nón lá truyền thống trên địa bàn xã Nghĩa Châu” của Trường THCS Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng); “Thuốc trị cảm từ thảo mộc” của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; “Hệ thống phòng cháy và chữa cháy thông minh” của Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc)… 

Các sản phẩm trưng bày tại Cuộc thi là kết tinh kiến thức, trí tuệ của thầy và trò trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Điều đó cho thấy phong trào khởi nghiệp đang đi đúng hướng từ ý tưởng sang thực tế, giúp học sinh định hình con đường nghề nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp phổ thông. Cô giáo Trần Thị Lan Dung, giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) chia sẻ: Ngày hội khởi nghiệp và Cuộc thi “Học sinh phổ thông với Ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Nam Định thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh phổ thông; tạo môi trường để học sinh hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp, dự án khởi nghiệp; tạo giá trị cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Các sản phẩm tại Cuộc thi là thành quả của việc “học đi đôi với hành”; giúp học sinh, giáo viên cọ xát với thực tế, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của trường, phù hợp với định hướng chung là đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội, vị trí việc làm và nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Việc tham gia Cuộc thi của các nhà trường nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường kết nối mạng lưới, giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp; đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị Nhà nước và doanh nghiệp trong việc nuôi dưỡng, định hướng, tạo môi trường cho học sinh phát huy ý tưởng, tinh thần khởi nghiệp. Ngày hội cũng mở màn cho sự hợp tác, đồng hành của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học với ngành GD và ĐT trong việc truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên; hỗ trợ kinh nghiệm triển khai các hoạt động, mô hình khởi nghiệp, kết nối các nguồn lực phát triển khởi nghiệp.

Trong năm 2023, nhiều hoạt động nhằm chắp cánh ước mơ khởi nghiệp cho học sinh đã được tổ chức như: Tổ chức tư vấn về kỳ thi tuyển sinh năm 2023, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối các trường THPT trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp học sinh định hướng được việc chọn trường phù hợp với lực học và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường; ngành GD và ĐT phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp các thầy, cô giáo, các nhà trường có góc nhìn khái quát nhất về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, từ đó triển khai dựa trên những đặc điểm, ưu thế của mỗi trường. Đây cũng là các hoạt động của ngành GD và ĐT nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động triển khai Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, khát vọng và chia sẻ cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, thông qua việc các em được trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp để xác định hướng đi riêng của bản thân và nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp và hiện thực hóa, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com