Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh - Cần giải pháp đồng bộ

19:42, 11/01/2024

Công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN), định hướng phân luồng học sinh phổ thông có vai trò quan trọng, giúp học sinh hiểu biết sớm về nghề nghiệp và đánh giá năng lực bản thân để định hướng đúng đắn, đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề phù hợp. Qua đó góp phần thực hiện công tác đào tạo nghề hợp lý, cung ứng nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”.

Một buổi giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tại Trường THCS Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Bài và ảnh: Minh Thuận
Một buổi giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tại Trường THCS Rạng Đông (Nghĩa Hưng). 

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 100/KH-UBND của UBND tỉnh về công tác GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2018-2025, Sở GD và ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông theo từng năm học. Hàng năm, nội dung thực hiện về công tác GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông đều được Sở đưa vào hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với các cấp học, trong đó chỉ đạo các nhà trường đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, phối hợp các cơ sở đào tạo nghề tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh, đặc biệt học sinh cuối cấp, để từng bước phân luồng học sinh; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác GDHN; tăng cường rà soát triển khai thực hiện nhiệm vụ GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trong chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ tỉnh đến huyện, xã; đặc biệt quan tâm định hướng nghề nghiệp theo mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.

100% trường THCS và THPT có Chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; khoảng 27-30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 39,9% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Các cơ sở giáo dục đã thường xuyên đổi mới nội dung GDHN thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường. Cụ thể, đối với chương trình GDPT 2006, các trường đổi mới nội dung dạy học theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; bổ sung, cập nhật các nội dung GDHN trong các môn học và hoạt động giáo dục khác phù hợp với thực tiễn. Đối với chương trình GDPT 2018, các trường chú trọng đưa nội dung GDHN tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (giáo dục STEM) trong chương trình phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của tỉnh, quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các trường đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở GDNN, chính sách đối với người học, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế tại các cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện,... để có thêm hiểu biết, hình thành định hướng về nghề nghiệp.

Cả 57 trường THPT, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), 9 trung tâm GDNN-GDTX, 226 trường THCS đã thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp tối thiểu 3 người: 1 lãnh đạo phụ trách làm tổ trưởng; 2 người là giáo viên chủ nhiệm hoặc bí thư đoàn, tổng phụ trách đội làm thành viên tổ tư vấn; thành lập các bộ phận kiêm nhiệm việc quản lý, theo dõi công tác GDHN, phân luồng học sinh, đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học, các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh ít nhất 3 người/tổ/đơn vị, người tham gia tư vấn hướng nghiệp đã qua lớp tập huấn bồi dưỡng về nghiệp vụ. Đồng thời, thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý, giáo viên các cơ sở GDNN, các doanh nhân,... tham gia làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Hàng năm, tổ tư vấn hướng nghiệp được tham dự các lớp tập huấn do Sở GD và ĐT tổ chức, góp phần nâng cao kỹ năng tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. 45 trường THPT công lập được đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động bằng ngân sách Nhà nước, các trường có khối công trình, phòng học, phòng chức năng và có trang thiết bị đảm bảo việc tổ chức các hoạt động giáo dục; được cấp kinh phí chi thường xuyên. Ngoài ra, một số trường huy động tốt sự tài trợ của các tổ chức và cá nhân để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và hỗ trợ các hoạt động giáo dục, phong trào thi đua cũng như trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. 12 trường THPT ngoài công lập do các tổ chức, cá nhân tự đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước, được Sở GD và ĐT cho phép thành lập và hoạt động giáo dục. Các trường có khối công trình, phòng học, phòng chức năng và có trang thiết bị tối thiểu đảm bảo việc tổ chức các hoạt động giáo dục và hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng. Các nhà trường đã bố trí vị trí cho bộ phận quản lý và tổ tư vấn hướng nghiệp đủ điều kiện tối thiểu để thực hiện nhiệm vụ, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với GDHN trong GDPT. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ công tác GDHN cho học sinh phổ thông. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã bố trí phòng tư vấn hướng nghiệp.

Mặc dù chất lượng GDPT của tỉnh luôn nằm trong tốp đầu toàn quốc song việc phân luồng để học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT còn gặp nhiều khó khăn. Thống kê sau kỳ tuyển sinh năm học 2023-2024, toàn tỉnh có khoảng 73% học sinh THCS vào THPT. Gia đình học sinh và bản thân học sinh vẫn còn nặng nề việc chuyển sang học nghề sau khi tốt nghiệp THCS với lý do các em còn non nớt; học sinh tốt nghiệp THPT theo trào lưu phải đỗ vào một trường đại học và theo học, mặc dù theo thống kê rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường vẫn thất nghiệp và khi đó mới cất đi tấm bằng đại học, chấp nhận vào làm công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Các trường vẫn còn xu hướng chạy theo thành tích tốt nghiệp và đại học. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong công tác phân luồng học sinh sau THCS...

Để công tác GDHN, phân luồng học sinh đạt hiệu quả, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN trong trường phổ thông để tạo niềm tin cho học sinh và gia đình. Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học, các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh. Để thu hút học sinh vào học nghề, các cơ sở GDNN cần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động, nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp GDNN có việc làm và làm việc đúng ngành nghề đào tạo. Đặc biệt, các trường nghề cần xác định lĩnh vực trọng điểm để tập trung đào tạo. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh cần phải được quan tâm, đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa, nhằm giúp học sinh chọn đúng hướng con đường tiếp tục học tập hoặc nghề phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và sở thích bản thân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com