Gỡ “điểm nghẽn” công tác tiêm chủng mở rộng

08:18, 09/01/2024

Năm 2023, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) của tỉnh chỉ đạt 72,54%, không hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân cơ bản là nguồn vắc-xin TCMR chưa được cung ứng đầy đủ - đây cũng là tình hình chung của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thực hiện tiêm viêm gan B trước 24h cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thực hiện tiêm viêm gan B trước 24h cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định. 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), năm 2023, số lượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng toàn tỉnh có khoảng 25 nghìn trẻ em dưới 1 tuổi; hơn 27 nghìn trẻ em trên 1 tuổi. Do thiếu nguồn vắc-xin, công tác TCMR không hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tại tỉnh thiếu các vắc-xin TCMR gồm: vắc-xin DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) thiếu từ tháng 3-2023; vắc-xin 5 trong 1 SII (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib) thiếu từ tháng 5-2023; vắc-xin sởi, sởi-rubella thiếu từ tháng 9-2023; vắc-xin viêm gan B thiếu từ tháng 10-2023.

Thực trạng trên khiến hoạt động TCMR gặp khó khăn, nhiều chỉ tiêu không đạt và đạt thấp, ảnh hưởng lớn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, nhất là đối tượng trẻ em. Trong đó, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 72,5%, tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B trước 24h đạt 81,3%, tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất là vắc-xin DPT đạt 50%. Riêng tỷ lệ tiêm vắc-xin uốn ván UV2+ của cả tỉnh đạt 75,2% (chưa đạt chỉ tiêu của Bộ Y tế đề ra). Các huyện có tỷ lệ thấp như Hải Hậu (67,2%), Nghĩa Hưng (67,9%), Ý Yên (72,2%), Giao Thủy (74,8%). Nguyên nhân do các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng dịch vụ, trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Năm 2023, chỉ 6/10 huyện, thành phố đạt chỉ tiêu tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai; 8/10 huyện, thành phố đạt chỉ tiêu tỷ lệ trẻ từ 25-36 tháng tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin viêm não Nhật Bản; 100% huyện, thành phố không đạt chỉ tiêu tiêm vắc-xin DPT mũi 4 cho trẻ 18-24 tháng.

Đồng chí Lại Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC tỉnh Nam Định cho biết: Tình trạng thiếu vắc-xin kéo dài, dẫn đến nguy cơ bùng phát 1 số dịch bệnh như bạch hầu, sởi… Công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm trong TCMR chưa được các địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Một số vắc-xin khi được cấp về địa phương hạn dùng ngắn dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai tiêm chủng và sử dụng hiệu quả vắc-xin. Hệ thống dây chuyền lạnh tại các tuyến xuống cấp, cần được củng cố, bổ sung, thay thế để đáp ứng nhu cầu bảo quản, vận chuyển vắc-xin. Mạng lưới cộng tác viên y tế thôn giảm ở các địa phương, kinh phí chi trả cho truyền thông còn hạn chế. Tình trạng di biến động dân cư, thay đổi nhân sự làm công tác tiêm chủng dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đối tượng.

Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2023, mặc dù cơ bản đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng… có xu hướng gia tăng. Đối với dịch sốt xuất huyết, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.319 trường hợp mắc/nghi mắc (tăng 648 trường hợp tương đương 38,8% so với năm 2022 (1.671 ca), tập trung chủ yếu tại: huyện Hải Hậu (515 ca), thành phố Nam Định (522 ca), huyện Xuân Trường (408 ca), thấp nhất là huyện Mỹ Lộc (57 ca). Có 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sốt xuất huyết tại xã Hải Phong (Hải Hậu) là ca bệnh ngoại lai. Trong năm 2023, có 196/226 xã, phường, thị trấn ghi nhận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết; qua giám sát, ghi nhận 892 ổ dịch, đã khống chế thành công 825 ổ dịch. Toàn tỉnh ghi nhận 1.070 ca dịch tay chân miệng; 1 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B tại xã Yên Phúc (Ý Yên); 2 trường hợp mắc bệnh do liên cầu lợn (tại xã Giao Long (Giao Thủy) và xã Đại Thắng (Vụ Bản).

Về giải pháp, đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2024; triển khai hoạt động phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh. Củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế dự phòng, bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh. Thực hiện tốt Chương trình TCMR, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc-xin trong TCMR, bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin trong TCMR đạt ít nhất 95%. Khống chế hiệu quả các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin bảo vệ ở trẻ em; bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, duy trì loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên địa bàn tỉnh.

Ngay trong đầu năm 2024, Sở Y tế chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn rà soát lập danh sách các trẻ chưa được tiêm vắc-xin năm 2023, sẵn sàng tiêm bù cho các đối tượng này khi có vắc-xin trong năm 2024. Tiếp tục triển khai và nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin BCG tại bệnh viện và trung tâm y tế có phòng sinh trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động đưa vắc-xin Rota virus vào Chương trình TCMR. Rà soát lịch sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu, 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình TCMR khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh; 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vắc-xin sởi, sởi-rubella, vắc-xin bại liệt và viêm não Nhật Bản được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh. Thực hiện “tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) tại CDC và các đơn vị có bảo quản vắc-xin tiêm chủng. Tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm trong chương trình TCMR, đảm bảo các chỉ tiêu giám sát đề ra của Bộ Y tế./. 

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com