Chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

08:46, 22/09/2023

Cùng với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp là những yếu tố quyết định chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục (CSGD). Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) và các địa phương đã quan tâm đầu tư điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiệu quả.

Cơ sở vật chất Trường Tiểu học Nam Dương (Nam Trực) đã được “chuẩn hóa” đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Cơ sở vật chất Trường Tiểu học Nam Dương (Nam Trực) đã được “chuẩn hóa” đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Các CSGD trong tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng phòng học, phòng thực hành, phòng học bộ môn, các công trình phụ trợ và nâng tổng số phòng kiên cố ở các cấp học lên 13.155 phòng trong tổng số 13.423 phòng học hiện có. Trong đó, khối mầm non có 230 trường với tổng số 3.876/3.995 phòng học kiên cố, còn lại là bán kiên cố; 284 phòng học bộ môn; 64/230 trường có nhà đa năng; 195/230 trường có bể bơi. Cấp tiểu học có 4.878 phòng học, trong đó 4.785 phòng kiên cố, còn lại là phòng bán kiên cố, không còn phòng học tạm trên toàn tỉnh; Về phòng hỗ trợ học tập, cụ thể: 837 phòng học bộ môn; 276 phòng thư viện đều đạt chuẩn; 74 trường có nhà đa năng phục vụ cho các hoạt động giáo dục; 95,27% lớp học có trang bị phương tiện, thiết bị nghe nhìn được kết nối internet phục vụ khai thác học liệu số, bài giảng điện tử. Cấp THCS có tổng số 3.056 phòng học, trong đó 3.022 phòng kiên cố, còn lại là phòng bán kiên cố, không còn phòng học tạm trong toàn tỉnh; Khối phòng hỗ trợ học tập cụ thể như: 993 phòng học bộ môn, 226 phòng thư viện trong đó 217 phòng đạt chuẩn; 176 phòng thiết bị giáo dục; cả 226 trường đều có phòng tư vấn học đường; 39 nhà đa năng phục vụ cho các hoạt động giáo dục của đơn vị. Cấp THPT có tổng số 1.494 phòng học, trong đó 1.472 phòng kiên cố, còn lại là phòng bán kiên cố, không còn phòng học tạm; Khối phòng hỗ trợ học tập cụ thể như: số phòng học bộ môn là 328 phòng; phòng thư viện 57 phòng; phòng thiết bị giáo dục 99 phòng; cả 57 trường đều có phòng tư vấn học đường; 57 sân chơi chung, 57 sân thể thao và 34 nhà đa năng phục vụ cho các hoạt động giáo dục của đơn vị. Phần lớn các nhà trường đều có khả năng đáp ứng học 2 buổi trên ngày.

Học sinh Trường Tiểu học Giao Phong (Giao Thủy) tìm hiểu tài liệu học tập tại Thư viện tiên tiến của trường ĐT
Học sinh Trường Tiểu học Giao Phong (Giao Thủy) tìm hiểu tài liệu học tập tại Thư viện tiên tiến của trường.

Để có kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình GDPT 2018, Sở GD và ĐT đã tổ chức kiểm tra, rà soát và tổng hợp nhu cầu trang thiết bị dạy học phục vụ Chương trình để trình UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí giai đoạn 1 số tiền 238 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học theo quy định thiết bị dạy học tối thiểu của các khối lớp. Hàng năm, trong dự toán ngân sách Nhà nước giao cho các đơn vị, trên cơ sở hiệp y với Sở Tài chính, Sở GD và ĐT đã giao một phần kinh phí thường xuyên không giao tự chủ để các đơn vị chủ động mua sắm, bổ sung tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học tại đơn vị. Bên cạnh đó, trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học còn khó khăn, các CSGD đã tổ chức tuyên truyền chủ trương xã hội hóa giáo dục tới toàn thể cha mẹ học sinh, vận động cha mẹ học sinh tự mua sắm một số thiết bị dạy học phục vụ trực tiếp cho con em mình góp phần đảm bảo trang thiết bị dạy học theo chương trình mới. Trong nhiều năm qua, các CSGD đã huy động được nguồn kinh phí hợp pháp ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển giáo dục khoảng 70 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và trao học bổng cho học sinh.

Toàn ngành phát động phong trào thiết kế, sáng tạo thiết bị dạy học số thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên tham gia sáng tạo ra hàng nghìn sản phẩm gồm các bộ tranh ảnh, video clip; phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo; thiết bị thí nghiệm thực hành được kết nối và có thể tương tác được trên máy tính; các sản phẩm khác có thể sử dụng trên môi trường số để tăng cường sự trải nghiệm của người học và có thể thay thế thiết bị dạy học truyền thống ở tất cả các môn học và cấp học, bước đầu khắc phục việc thiếu trang thiết bị dạy học và phù hợp với hướng dẫn của Bộ GD và ĐT về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của Chương trình GDPT 2018 cũng như Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học, THCS, THPT.

Đến nay, cơ sở vật chất ở các nhà trường trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Hiện toàn tỉnh đã có 92,4% trường mầm non, trường phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia; 83,8% trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; 73,5% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, vừa đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của các địa phương.

Tuy nhiên quá trình “chuẩn hóa” cơ sở vật chất trường học vẫn gặp phải không ít khó khăn, tồn tại: Thiết bị dạy học thuộc Chương trình GDPT 2006 xuống cấp, hỏng hóc nhiều do đã cấp nhiều năm; việc quản lý bảo dưỡng, tăng cường mua sắm còn ít, chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có nhiều nguồn kinh phí để mua sắm thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Trong quá trình giảng dạy, việc sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho các môn học thực hiện Chương trình GDPT 2018 thiếu về chủng loại, chưa đảm bảo yêu cầu thực hiện các thí nghiệm của giờ thực hành. Giáo viên chủ yếu sử dụng các thí nghiệm ảo trên mạng để hướng dẫn giảng dạy cho học sinh. Quá trình đào tạo giáo viên để dạy các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí… yêu cầu có lộ trình, thời gian và các giáo viên vừa phải dạy, vừa đi đào tạo, bồi dưỡng nên gặp khó khăn trong việc triển khai.

Từ thực tiễn triển khai, để tiếp tục “chuẩn hóa” cơ sở vật chất trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, toàn ngành GD và ĐT đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về mục tiêu, nội dung Chương trình GDPT 2018 và những đổi mới của ngành, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội; chủ động, tích cực tham mưu các cấp chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018... Tiếp tục củng cố mạng lưới trường lớp, xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng đổi mới giáo dục và tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Giữ ổn định mạng lưới CSGD mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên. Trong đó mỗi huyện, thành phố có 1 trường THCS chất lượng cao; thành phố Nam Định có 3 trường tiểu học xây dựng chất lượng cao; toàn tỉnh có 1 trường THPT chuyên, 5 trường THPT chất lượng cao. Quy hoạch bổ sung thêm diện tích đất cho các nhà trường, xây dựng đủ các phòng học đáp ứng yêu cầu thực tế khi số học sinh tăng, nhất là khu đô thị mới, khu công nghiệp và các khu dân cư tập trung. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ở cấp học mầm non đạt 90%; tiểu học đạt 97,8%; THCS đạt 98,2%; THPT đạt 97,8%./.

Bài và ảnh: Minh Thuận  
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com