Vận hành an toàn hệ thống cầu, cầu phao trong mùa mưa bão

08:31, 01/08/2023

Nam Định có hệ thống giao thông đường thủy rất đa dạng với tổng chiều dài 536km sông, kênh với 4 tuyến sông chính gồm: sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy. Hệ thống các cầu lớn vượt sông gồm: cầu Tân Đệ vượt sông Hồng; cầu Tân Phong, cầu Đò Quan, cầu Nam Định vượt sông Đào; cầu Lạc Quần, Thịnh Long và cầu phao Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ. Đặc thù này đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy trong mùa mưa bão, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Trước mùa mưa bão năm nay, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã chủ động rà soát, kiểm tra và yêu cầu các phòng, ban thuộc Sở và các đơn vị ký hợp đồng ủy thác tăng cường công tác vận hành an toàn hệ thống cầu, cầu phao. 

Phương tiện thủy lưu thông thuận tiện qua cầu phao Ninh Cường trên sông Ninh Cơ.
Phương tiện thủy lưu thông thuận tiện qua cầu phao Ninh Cường trên sông Ninh Cơ.

Trên các tuyến Quốc lộ 21, 21B hiện có các cầu lớn như: Nam Định, Lộc An, Tân Phong, Đò Quan, Lạc Quần và Thịnh Long được Sở GTVT giao Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng cầu đường Nam Định quản lý, bảo trì; cầu phao Ninh Cường do Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam quản lý. Hệ thống các cầu, cầu phao đều nằm trên các tuyến quốc lộ huyết mạch, lượng người và phương tiện lưu thông lớn nên công tác đảm bảo an toàn vận hành khi có tình huống thiên tai được Sở GTVT đặc biệt chú trọng. Để ứng phó với các tình huống của mưa bão, ngành GTVT đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) và bảo đảm ATGT trên tuyến đường thủy sát với các tình huống, nguy cơ xảy ra siêu bão. 

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn các cầu vượt sông, cầu phao trong mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT yêu cầu các Công ty Cổ phần: Quản lý và Xây dựng cầu đường Nam Định, Xây dựng Hoàng Nam chủ động xây dựng phương án PCTT cụ thể, giao nhiệm vụ đến từng cán bộ, nhân viên và chuẩn bị vật tư, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm kịp thời ứng phó với các tình huống diễn biến phức tạp của thời tiết. Sở cũng yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cầu, cầu phao thường xuyên theo dõi cấp gió từ Đài khí tượng thủy văn Trung ương, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; triển khai cất giấu phao, phà vào trong âu dừng hoạt động khi gió đạt cấp 6, lũ báo động từ cấp 2 trở lên. Đối với các cầu lớn như các cầu: Tân Phong, Thịnh Long, Lộc An, Nam Định, Lạc Quần tổ chức chốt chặn hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông khi di chuyển qua cầu trong điều kiện gió to. Về các tuyến đường thủy nội địa phải có phương án bảo đảm an toàn hoặc thu hồi, bảo quản các biển hiệu, phao báo hiệu và phụ kiện trước các đợt lũ, bão phù hợp với mực nước báo động lũ ở từng lưu vực sông; kịp thời triển khai lại hệ thống báo hiệu ngay sau lũ, bão. Các cột báo hiệu, vật kiến trúc khác được kiểm tra, sửa chữa kịp thời trước mùa mưa, lũ. 

Ông Nguyễn Văn Vương, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng cầu đường Nam Định cho biết: Để chủ động các phương án ứng phó với những diễn biến của thời tiết, đảm bảo an toàn cho các cầu lớn vượt sông trên các tuyến đường, Công ty đã chủ động xây dựng phương án PCTT-TKCN năm 2023 theo phương châm “4 tại chỗ”; thành lập đội xung kích gồm 10 người sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Đối với hệ thống cầu vượt sông, trước mùa mưa bão, Công ty đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống lan can, biển báo, cột điện chiếu sáng và kịp thời sửa chữa, thay thế các bộ phận bị hư hỏng. Khi có tình huống thiên tai xảy ra, căn cứ vào mức độ nguy hiểm được dự báo, Công ty tiến hành gia cố, chằng buộc hệ thống biển báo trên cầu; cử nhân viên túc trực 2 bên đầu cầu để kiểm tra nghiêm ngặt các sự cố phát sinh; theo dõi, ghi chép cụ thể biên độ dịch chuyển của cầu trong thời tiết bất thuận và cảnh báo mức độ nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông qua cầu khi xảy ra thiên tai. Khẩn trương khắc phục thiệt hại sau thiên tai để đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ công tác khắc phục thiệt hại của các lực lượng chức năng và sinh hoạt của nhân dân.    

Cầu phao Ninh Cường nằm trên Quốc lộ 37B, vượt sông Ninh Cơ nối hai huyện Trực Ninh và Nghĩa Hưng, có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt. Vì thế, để đảm bảo tuyệt đối an toàn vận hành cầu phao trong mùa mưa bão, Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam đã xây dựng phương án PCTT-TKCN và yêu cầu bến cầu phao Ninh Cường thực hiện kiểm tra an toàn các phao thép, pông tông, cầu dẫn hai đầu bến, các phương tiện, thiết bị dự phòng, hệ thống điện, cáp neo...; thường xuyên kiểm tra theo dõi tình trạng kỹ thuật, an toàn của các thiết bị trên bến. Đồng thời tiến hành vệ sinh cỏ rác âu giấu phao, hai đầu cầu và dọc theo cầu không để cỏ rác ùn ứ. Kiểm tra các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa, hố thế, neo cáp, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, bảo hiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định. Tiến hành nạo vét âu giấu phao, kiểm tra các biển báo hiệu đường bộ và đường thuỷ, cáp néo phao, sửa chữa phao, pông tông, dầm bailey, kiểm tra đăng ký, đăng kiểm các phương tiện đảm bảo đúng thời hạn. Chủ động duy trì đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng, phân công lãnh đạo, bố trí cán bộ, lực lượng PCTT-TKCN theo quy định. Để đảm bảo nhân lực ứng phó kịp thời với các tình huống, bến cầu phao Ninh Cường đã thành lập tổ xung kích PCTT gồm 28 người; khi có tình huống xảy ra phải thường trực 100% quân số của bến; mỗi ca (tổ) trên bến thành lập một đội xung kích từ 5 đến 7 người, do các đồng chí trưởng, phó ca làm tổ trưởng, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết, đây là lực lượng chủ yếu để khắc phục hậu quả bão lũ, sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh huy động của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cấp trên. Ngoài ra, bến cầu phao Ninh Cường dự trữ 200 lít dầu diezel, 200m dây chằng buộc, sào tre, 28 phao buộc dây neo, bộ đàm, loa cầm tay, đèn pin, xà beng, pa-lăng xích 2,5 tấn… kịp thời tháo dỡ cầu đưa vào âu giấu khi có lệnh, sẵn sàng khắc phục đảm bảo giao thông an toàn khi có sự cố xảy ra.         

Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn hệ thống cầu, cầu phao trong mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất; phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định, Đội Thanh tra đường thuỷ nội địa số 4 kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, khai thác cầu phao đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Bên cạnh các biện pháp đã và đang được các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tích cực triển khai, các chủ phương tiện và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là khi có tình huống diễn biến bất thường của thời tiết để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn có thể xảy ra./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com