Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

07:44, 09/05/2023

Theo lộ trình, năm học 2023-2024, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai thực hiện đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Thời điểm này, ngành GD và ĐT đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình.

Năm học 2023-2024, dự kiến cấp tiểu học có 227 trường, 978 lớp 4 với 34.226 học sinh. Cơ sở vật chất đảm bảo đủ mỗi lớp có 1 phòng học văn hóa; mỗi trường có ít nhất 1 phòng dạy học các môn chuyên Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngoại ngữ, Tin học; các trường đều triển khai dạy học môn Tiếng Anh, Tin học cho 100% học sinh lớp 3, 4 theo quy định. Cấp Trung học có 226 trường THCS, 743 lớp 8 với 28.375 học sinh; có 57 trường THPT, 472 lớp 11 với 20.837 học sinh. Để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 năm học 2023-2024, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện đổi mới giáo dục; xây dựng kế hoạch thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua các đợt tập huấn chuyên môn và quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh về chương trình mới, các môn học. Ngành cũng chỉ đạo các nhà trường ngay sau khi kết thúc năm học 2022-2023 đầu tư cơ sở vật chất, tiến hành sắp xếp phòng học, bổ sung trang thiết bị dạy học, bàn ghế đảm bảo đủ cho dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT mới. Sở GD và ĐT cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 9-3-2023 về thành lập các Hội đồng lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục (CSGD) phổ thông; đồng thời, ban hành hệ thống các văn bản, chỉ đạo hướng dẫn các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố, các trường học tổ chức triển khai thực hiện công tác lựa chọn SGK lớp 4, 8, 11. Cuối tháng 2 và cuối tháng 3-2023, Sở GD và ĐT đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến giới thiệu SGK lớp 4, 8, 11 cho lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD và ĐT phụ trách, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn có khối lớp 4, 8, 11, giáo viên dự kiến dạy lớp 4, 8, 11 năm học 2023-2024. Các phòng hội thảo được tổ chức theo cụm, miền hoặc theo chuyên môn toàn huyện, thành phố, mỗi phòng khoảng 35-40 học viên. Lãnh đạo, chuyên viên Sở GD và ĐT, các Phòng GD và ĐT phụ trách tiểu học, THCS, THPT trực tiếp tham dự tại các điểm cầu để chỉ đạo, theo dõi.

Nhân viên Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định kiểm kê các loại sách giáo khoa, sách tham khảo để chuẩn bị nhập sách cung ứng cho năm học mới.
Nhân viên Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định kiểm kê các loại sách giáo khoa, sách tham khảo để chuẩn bị nhập sách cung ứng cho năm học mới.

Việc triển khai công tác lựa chọn SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11 diễn ra nghiêm túc, đúng theo quy định ở từng cấp học. Sở GD và ĐT thông báo đến các CSGD danh mục SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 đã được Bộ GD và ĐT phê duyệt, đồng thời cung cấp các đường link đọc sách, bản mẫu SGK, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức đề xuất lựa chọn SGK theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố, các trường THPT triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn đề xuất lựa chọn SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11. Các trường học đã triển khai thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch tổ chức đề xuất lựa chọn SGK lớp 4, 8, 11; ban hành quyết định thành lập các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn SGK lớp 4, 8, 11 sử dụng trong nhà trường từ năm học 2023-2024. Các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên dự hội thảo trực tuyến giới thiệu SGK đã được Bộ GD và ĐT phê duyệt của môn học thuộc chuyên môn phụ trách; nghiên cứu, thảo luận, đánh giá các SGK theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 421/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Từng cá nhân trong các tổ chuyên môn của nhà trường thực hiện nghiên cứu, nhận xét, đánh giá bằng văn bản các SGK lớp 4, 8, 11 của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK của tỉnh. Các tổ chuyên môn tổ chức họp thảo luận và đánh giá các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK của tỉnh; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một SGK/môn học; báo cáo hiệu trưởng nhà trường danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Nhà trường tổ chức họp, thảo luận và đánh giá các SGK trên cơ sở danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một SGK/môn học... 

Trên cơ sở đó, Sở GD và ĐT đã xây dựng báo cáo, tổng hợp danh mục SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 được các CSGD đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự SGK có số trường đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp chuyển giao tới các hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh. Các hội đồng đã tổ chức họp, phân tích, đánh giá về quá trình tổ chức và kết quả đề xuất lựa chọn SGK của các CSGD, sự phù hợp của các SGK với địa phương, các CSGD; thảo luận nhận xét, đánh giá các SGK (trong danh mục SGK đã được Bộ GD và ĐT phê duyệt), đặc biệt lưu ý đối với SGK có nhiều CSGD đề xuất; tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học. Các hội đồng đã báo cáo UBND tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến đề xuất lựa chọn SGK của các CSGD. Kết quả lựa chọn SGK được ghi thành biên bản, có chữ ký của các thành viên hội đồng dự họp, chuyển giao cho Sở GD và ĐT. Trên cơ sở đề xuất lựa chọn SGK của các đơn vị huyện, thành phố, các CSGD; kết quả bỏ phiếu lựa chọn SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 của các hội đồng và tình hình thực tế tại địa phương, Sở GD và ĐT đã đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định lựa chọn các SGK theo danh mục để sử dụng trong các CSGD phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời với việc triển khai lựa chọn SGK, các CSGD tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và cơ sở hạ tầng theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hóa, hiện đại hoá. Đặc biệt, tập trung đầu tư xây dựng phòng học, phòng thực hành, phòng học bộ môn, các công trình phụ trợ và nâng tỷ lệ phòng kiên cố ở các ngành học, cấp học; chủ động, tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho giáo dục. Một số CSGD đã tranh thủ sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân để đầu tư xây dựng, sửa chữa trường, lớp học và các điều kiện khác phục vụ việc dạy và học. Đến nay, toàn tỉnh đã có 655/726 trường học đạt chuẩn quốc gia (90,2%), trong đó, khối tiểu học có 94,2% trường đạt chuẩn quốc gia, khối THCS có 96,5% trường đạt chuẩn quốc gia, khối THPT có 91,1% trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ở tất cả các cấp học, bậc học, các khối phòng chức năng, khối phòng hành chính quản trị đều có trang thiết bị đi kèm đạt yêu cầu theo quy định. Các thư viện trường, thư viện lớp đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Với những điều kiện trên cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành; sự chủ động, tích cực của ngành GD và ĐT và các địa phương là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trong năm học tới./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com