Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, sức khỏe của con người, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động hội viên phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường (BVMT). Từ đó, chung tay góp sức tạo cảnh quan môi trường nông thôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”, xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển.
Hội viên phụ nữ xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) duy trì hoạt động Ngày Chủ nhật xanh tham gia quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. |
Để công tác BVMT được triển khai sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ, hàng năm, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia BVMT, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ, chi, tổ hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Nói chuyện chuyên đề, giao lưu, tọa đàm vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10), Ngày Môi trường thế giới (5-6), Ngày Khí tượng thế giới (23-3); đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó chú trọng tiêu chí 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ); phát động phong trào “xanh - sạch -đẹp - BVMT”... Hội LHPN huyện còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên nâng cao nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường, phổ biến kỹ thuật, công nghệ về BVMT, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; trồng hoa, trồng cây xanh, xây nhà tiêu hợp vệ sinh; phát động các chiến dịch ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thực hiện phân loại rác thải ngay tại gia đình, hạn chế sử dụng túi nilon; thu gom vỏ thuốc trừ sâu; không đốt rơm rạ, không xả rác thải ra sông, đường dong, ngõ xóm. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tổ chức 21 cuộc tuyên truyền; treo băng rôn, khẩu hiệu có nội dung BVMT; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ các xã, thị trấn tham gia thi trực tuyến “Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu Luật BVMT năm 2020”, thu hút 440 cán bộ, hội viên tham gia. Hàng tuần, hội viên phụ nữ ở các cơ sở tiến hành vệ sinh đường dong, ngõ xóm, trên các cánh đồng, dòng sông. Các cấp Hội đã tổ chức 25 buổi ra quân dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường với tổng chiều dài 39,1km, thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ.
“Điểm sáng” trong công tác BVMT của Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng thời gian qua, là đã thành lập được nhiều mô hình BVMT thiết thực, thu hút đông đảo hội viên tham gia, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Tiêu biểu là các mô hình: “Phân loại xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình”, “Đi chợ bằng làn”, “Cắm biển tuyến đường phụ nữ tự quản”, “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền”… Xã Phúc Thắng hiện có khoảng 60% dân số làm nghề đi biển với khoảng 116 tàu công suất các loại. Khi các tàu hoạt động trên biển chưa thực hiện việc thu gom rác thải, tất cả các loại rác sinh hoạt đều được vứt xuống biển, thói quen xấu này đã làm ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học biển. Trước thực trạng trên, Hội LHPN xã Phúc Thắng đã phối hợp với Đồn Biên phòng Ngọc Lâm khảo sát ra mắt mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền” gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Để mô hình được triển khai hiệu quả, Hội LHPN xã đã lựa chọn 25 tàu làm thí điểm; tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác để các chủ tàu hiểu rõ hơn về mô hình; tổ chức các cuộc họp với chủ tàu, thống nhất xây dựng nội quy, ký cam kết thực hiện hoạt động giảm rác thải nhựa, phân loại rác trên tàu và mang về bờ để Hội LHPN xã, các chi hội trưởng thu gom; phân công hội viên đến các tàu thuyền xin lưới cũ bỏ đi không dùng, nhờ các chị em biết đan khâu thành từng túi đựng rác, cấp phát lại cho các tổ thuyền. Sau khi mô hình đi vào hoạt động ổn định, Hội LHPN xã giao cho những chi hội có hội viên là chủ tàu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tàu nghiêm túc triển khai thực hiện mô hình. Vào ngày 15 hàng tháng, Hội LHPN xã sẽ mang bán số rác thải nhựa thu gom được. Số tiền bán rác thải nhựa sau đó được bổ sung kinh phí vào nguồn hỗ trợ đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã… Triển khai mô hình “Phân loại xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình”, đến nay, toàn huyện Nghĩa Hưng có 183 chi hội có mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở 21 xã, thị trấn, thu hút 12.037 gia đình hội viên phụ nữ tham gia. Mô hình thành công không chỉ góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động và lan tỏa đến cộng đồng dân cư ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường mà còn giảm thiểu lượng rác thải đưa đi xử lý, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Các mô hình: “Đi chợ bằng làn”, “Cắm biển tuyến đường phụ nữ tự quản” hiện cũng đang thu hút hàng trăm hội viên tại nhiều chi hội cơ sở tham gia.
Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã cắm biển 82 tuyến đường phụ nữ tự quản. Bên cạnh các mô hình BVMT, nhằm tạo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng còn tích cực hưởng ứng phong trào “Xây dựng tuyến đường hoa”, “Tuyến đường kiểu mẫu”. Hội viên phụ nữ trong huyện thường xuyên tìm hiểu cách trồng và chăm sóc các giống hoa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương; từ đó hình thành những mô hình tuyến đường hoa, đoạn đường hoa đẹp, đa dạng, làm thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn mới. Từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã phối hợp trồng 2.258 cây xanh các loại với tổng trị giá trên 118 triệu đồng; trồng mới và trồng bổ sung 34 tuyến đường hoa với chiều dài 16km, trị giá trên 491 triệu đồng. Toàn huyện hiện có gần 200 tuyến đường hoa, dài trên 100km do phụ nữ trồng và chăm sóc. Một số cơ sở Hội điển hình trong hoạt động này có thể kể đến như Hội LHPN các xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Lợi, Phúc Thắng, Nghĩa Thịnh...
Với những hoạt động phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung, phong trào BVMT của Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng đã góp phần xây dựng môi trường cảnh quan ngày càng “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Hội viên phụ nữ cũng như người dân ngày càng có ý thức về BVMT, tích cực ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin