GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): Đề nghị quy định làm rõ yếu tố “kịp thời”

19:30, 06/03/2023

Đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện Hội Nông dân tỉnh tập trung nhiều vào các quy định “sát sườn”, thiết thực với người chủ sử dụng đất. Cụ thể, góp ý vào Điều 89 (Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất) ở Chương VII “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, đại diện Hội Nông dân tỉnh nêu: Khoản 5, khoản 6 Điều 89 quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật” và “Chính phủ quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Đề nghị cần làm rõ yếu tố “kịp thời”. Đại biểu phân tích: Vì trên thực tế, quá trình thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất do có trường hợp việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai và cả dự án bị kéo dài. Nhiều trường hợp, sau khi chỉnh sửa, điều chỉnh bổ sung phương  án bồi thường, hỗ trợ… được người dân đồng thuận thì dự án đã bị kéo dài quá lâu, các mức hỗ trợ có khi không còn phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người phải thu hồi đất nữa. Do đó Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...

Về quy định tại Khoản 2 của Điều 89: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” có khá nhiều ý kiến của các cấp, các ngành đều góp ý. Theo đó nhiều ý kiến thống nhất đánh giá Dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất “phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” là phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi; đồng thời, đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Tuy nhiên, cần thể chế hóa các quy định một cách cụ thể thành các tiêu chí như thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”.

Khoản 1, Điều 94 (Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở) quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 90 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất”. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ mức bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cụ thể như thế nào? có ngang bằng giá trị không để đảm bảo quyền lợi cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất. Cũng liên quan đến bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất, Khoản 2, Điều 100 (Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi) quy định: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản được bồi thường thiệt hại thực tế theo mức bồi thường cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định”, nếu chỉ có mỗi vật nuôi là thủy sản thì chưa đầy đủ. Đề nghị Dự thảo Luật bổ sung thêm các đối tượng vật nuôi khác để đảm bảo lợi ích, sinh kế cho người dân.

Đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh nêu ý kiến: Điều 67 của dự thảo Luật có quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Song cần làm rõ về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi. Bởi vì, xét cho cùng thì việc thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân, đặc biệt là những vùng có đất bị thu hồi là vùng chuyên về sản xuất nông nghiệp, trồng trọt. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm thường có nhiều tranh chấp. Trong Điều 89 dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Khi Nhà nước thu hồi đất, những tiêu đề chỉ nêu: “nguyên tắc bồi trường về đất khi Nhà nước thu hồi đất” mà không đề cập đến hỗ trợ tái định cư, như vậy để đảm bảo nguyên tắc “người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống nơi tái cư định cư ít nhất bằng hoặc tốt hơn thì cần thiết phải bổ sung quy định, chẳng hạn như bố trí chỗ ở tạm thời cho người có đất bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đô thị, chỉnh trang, mở rộng đô thị, dự án nhà ở, trong thời gian chờ được tái định cư tại chỗ. Nhà nước đầu tư công để làm dịch vụ công, không có vấn đề gì phải bàn, nhưng “đầu tư phát triển”, nhất là thu hồi cho các dự án thương mại thì cần có cơ chế cụ thể cho lợi ích quốc gia riêng, và cơ chế đối với thu hồi đất cho dự án phát triển thương mại riêng. Khi đất thu hồi cho mục đích đầu tư phát triển thương mại phải gắn với điều kiện cụ thể là có sự đồng thuận của  80% trở lên của số hộ phải thu hồi đất. Bởi lẽ, thu hồi đất vì mục đích quốc gia, dân tộc, xã hội là nhanh nhất, dễ nhất nhưng cũng dễ nảy sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng nhất song với người phải thu hồi đất lại được hưởng thụ ít nhất. Do vậy cần có quy định đề cập rõ là có nơi ở, có việc làm dịch vụ có thu nhập và có điều kiện sinh hoạt cho người bị thu hồi đất./.

Vân Thi (tổng hợp)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com