Chuyển biến trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

18:15, 05/03/2023

Trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã tích cực phát huy vai trò là cơ quan thường trực của tỉnh về phòng chống tệ nạn mại dâm, chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống mại dâm từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý địa bàn, kiểm tra, đấu tranh xử lý vi phạm không để phát sinh tụ điểm mới, phức tạp. 

Xã Hải Quang (Hải Hậu) đạt xã lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm năm 2022.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Xã Hải Quang (Hải Hậu) đạt xã lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm năm 2022. 

Sở LĐ-TB và XH tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/ KH-UBND ngày 22-2-2022 của UBND tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 7-6-2022 triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội cho hơn 1.000 hội viên trên địa bàn tỉnh về các nội dung: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025; trách nhiệm của các cấp, các ngành và công dân trong công tác phòng, chống mại dâm; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, vai trò của phụ nữ trong công tác phòng, chống mại dâm. Xây dựng các nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người, cấp phát tài liệu hướng dẫn công tác tiếp nhận, hỗ trợ, chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán trở về, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Các quy định và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người; Quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thực hiện các điều, khoản liên quan đến hành vi phạm tội mua, bán người. Thông tin về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để người dân biết và phòng tránh; đồng thời vận động người dân hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm, nâng cao cảnh giác, chủ động tố giác các hành vi, đối tượng có dấu hiệu phạm tội mua bán người. Cấp phát 12 nghìn tờ gấp tuyên truyền về công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm 2022, Sở LĐ-TB và XH đã tập huấn nâng cao năng lực cho 722 cán bộ thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào các nội dung: Một số điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma túy, cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc. Công tác tiếp cận dựa vào cộng đồng làm việc với người yếu thế như: người hành nghề mại dâm, nạn nhân bị mua bán; nâng cao năng lực, phương thức tiếp cận của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương để giảm trừ tệ nạn xã hội. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Nam Định đã tổ chức tiếp nhận, chữa trị cắt cơn, phục hồi sức khoẻ, đảm bảo các điều kiện quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề, lao động trị liệu cho 342 lượt người nghiện ma tuý. 11 cơ sở điều trị nghiện ma túy và cấp phát thuốc Methadone đã tổ chức tiếp nhận và điều trị cho 2.179 người nghiện ma túy. Toàn tỉnh hiện có 216/226 xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm. Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động, trong đó đảm bảo lồng ghép các hoạt động phòng, chống mua bán người vào các chương trình dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương, tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, giải quyết ngăn chặn điều kiện phát sinh về tệ nạn mua bán người trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, lao động việc làm, đặc biệt là hoạt động dịch vụ việc làm trong nước và xuất khẩu lao động. Các lực lượng chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 270 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, đã phát hiện cơ sở vi phạm hành chính trong quá trình kinh doanh dịch vụ; lập biên bản xử lý cảnh cáo, nhắc nhở 43 cơ sở. Trong đó, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành đã tiến hành kiểm tra 85 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, phát hiện 7 cơ sở vi phạm về chấp hành các quy định về an ninh trật tự. Thông qua kiểm tra yêu cầu chủ các cơ sở khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để lợi dụng hoạt động mại dâm. Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp được kiện toàn hàng năm, đảm bảo đúng thành phần quy định và đủ số lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay cả 10 huyện, thành phố đều đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện theo quy định; Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh và cấp huyện đã tổ chức kiểm tra 185 cơ sở, trong đó cảnh cáo 35 cơ sở.

Đồng chí Đỗ Đức Nguyên, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB và XH) cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội gặp nhiều khó khăn. Một số ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện còn chậm, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội có thời điểm thực hiện chưa thường xuyên, nội dung hình thức chậm đổi mới sáng tạo, chưa chú trọng địa bàn trọng điểm, đối tượng nguy cơ cao nên kết quả còn hạn chế; chưa xây dựng chuẩn hóa hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cộng đồng. Tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Hoạt động mại dâm trá hình, trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vẫn tồn tại, một số gái mại dâm sử dụng điện thoại di động để tự giao dịch, thỏa thuận mua bán dâm. 

Ngoài Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định có chức năng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có các cơ sở hỗ trợ nạn nhân khác như: nhà nhân ái, nhà tạm lánh do tổ chức hoặc cá nhân thành lập. Trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được Chủ tịch UBND cấp huyện giao nhiệm vụ; chưa có tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp nhận, đăng ký và công bố danh sách. Nhận thức, ý thức tự giác, phối hợp của người nghiện và gia đình người nghiện còn hạn chế, thiếu hợp tác, còn hiện tượng che giấu thông tin người nghiện và tình trạng nghiện ma tuý gây khó khăn cho công tác rà soát nắm tình hình người sử dụng trái phép chất ma tuý, xác định tình trạng nghiện và quá trình cai nghiện, quản lý sau cai nghiện. Đội ngũ cán bộ y tế của cơ sở chưa được các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đào tạo tập huấn, cấp giấy chứng nhận về xác định tình trạng nghiện ma tuý theo quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 18/2021/TT-BYT của Bộ Y tế. Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Nam Định cũng chưa được công bố trong danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý. Hiện tại, cơ sở chưa bố trí đủ số cán bộ, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các công việc thừa hành trong khi cơ sở thực hiện việc quản lý thường xuyên gần 200 đối tượng và gần 500 lượt đối tượng/năm (trung bình 180 đối tượng cai tự nguyện và 240 đối tượng cai bắt buộc). UBND các huyện, thành phố chưa bố trí kinh phí cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý theo Luật Phòng, chống ma tuý.

Thực hiện Quyết định số 1629/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 138 về thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, 100% các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm. Phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm cho 70% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, ít nhất 60% người lao động trong các khu công nghiệp; 70% học sinh, sinh viên các trường THPT, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình mục tiêu của địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm. Kiểm tra, quản lý chặt chẽ điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức hoạt động mại dâm.

Ngày 16-2-2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 28 về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống ma túy; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả những nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống ma túy. Thường xuyên tổ chức rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ văn bản thuộc thẩm quyền và bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những văn bản không còn phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, kỹ năng nhận biết và phòng tránh ma túy; tập trung hướng về cơ sở và những địa bàn trọng điểm, chú trọng tuyên truyền tới tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trên nền tảng di động trong các hoạt động tuyên truyền; bảo đảm công tác tuyên truyền được thường xuyên, liên tục, thiết thực và hiệu quả. Khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách vào công tác cai nghiện. Tăng cường hiệu quả hoạt động của quỹ phòng chống tội phạm. Kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com