Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề

08:16, 06/03/2023

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV của tỉnh tích cực đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề, tập trung vào những vấn đề còn nhiều bức xúc trong đời sống xã hội. Qua giám sát, Đoàn đã kiến nghị, đề nghị nhiều nội dung đến các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn… Riêng các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình lãnh đạo, điều hành ở địa phương, đơn vị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định).
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định).

Bám sát chương trình công tác của Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội đất nước và của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh lập chương trình giám sát để thống nhất thực hiện. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, được cử tri và dư luận cả nước quan tâm. Các cuộc giám sát, khảo sát của Đoàn đều mời đại diện Thường trực HĐND, Uỷ ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành liên quan, các chuyên gia, các cơ quan báo chí của tỉnh cùng tham dự, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Đoàn. Sau mỗi cuộc giám sát, Đoàn đều có báo cáo kết quả, đồng thời có kiến nghị đối với các cơ quan liên quan đến nội dung giám sát. Theo đó, kết quả giám sát từng bước tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh. Điển hình như cuộc giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Nam Định”, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp và đề xuất kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh như: Sửa đổi những bất cập trong Luật Đấu thầu, Luật Giá để tạo điều kiện, cơ chế cho các đơn vị trong ngành Y tế mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tránh để tình trạng khan hiếm như thời gian vừa qua. Sửa đổi hoặc thay thế Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1-9-2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về nội dung đền bù chi phí đào tạo đảm bảo thỏa đáng, đồng thời tạo được cơ chế đủ mạnh để giữ chân đối với nhân lực y tế có chất lượng cao trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế… Sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập; theo đó, nâng mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã… Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày 25-10-2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phù hợp mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng gồm: Y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị y tế cấp huyện. Đề nghị có chế độ chính sách phù hợp với nhân viên y tế; đề xuất một số chế độ, chính sách cho lực lượng y tế dự phòng, nhân viên y tế thôn, xóm, tổ dân phố. Ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tính đủ các yếu tố và kết cấu lợi nhuận định mức vào trong giá để tạo thuận lợi có chênh lệch thu chi cho đơn vị; quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn và khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu (tự nguyện). Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ chế thanh toán lại chi phí mà người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc, vật tư tiêu hao trong danh mục được BHYT chi trả do tình trạng thiếu thuốc, vật tư tại các cơ sở y tế trong thời gian qua. Đối với UBND các cấp trong tỉnh chú trọng xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để mua sắm bổ sung, thay thế trang thiết bị y tế đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn cho các cơ sở y tế. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế hoàn thiện nốt các hồ sơ thanh, quyết toán theo đúng quy định về tài chính để hoàn thành việc chi trả các khoản phụ cấp, hỗ trợ cho nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Với tinh thần trách nhiệm cao, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức thực hiện 6 chuyên đề giám sát: Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh Nam Định kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021 trên địa bàn tỉnh Nam Định; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Nam Định; Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Nam Định; Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh còn chủ động phối hợp với Đoàn giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện các cuộc giám sát, khảo sát tại địa phương. Qua các cuộc giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, nêu ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương; đồng thời đôn đốc các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát báo cáo kết quả việc thực hiện kiến nghị, kết luận sau giám sát. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổng hợp 70 kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt hơn các nội dung giám sát. Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, góp phần để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm, thực sự đi vào cuộc sống./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com