Thời gian qua, công tác thi hành án dân sự (THADS) ở huyện Giao Thủy còn những khó khăn như: Lượng án tồn năm trước chuyển sang lớn, chủ yếu là các khoản tiền phạt trong các vụ án về ma tuý chưa có điều kiện thi hành. Phần lớn người phải thi hành án là đối tượng nghiện ma túy, đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự; đối tượng đang chấp hành hình phạt tù dài hạn, không có tài sản, nguồn thu nhập. Lượng án theo đơn thụ lý trong năm không nhiều, song có giá trị thi hành lớn, tính chất, mức độ phức tạp, khó thi hành; một số người phải thi hành án có ý thức chấp hành pháp luật rất hạn chế, lẩn tránh, chống đối thi hành án. Việc xử lý tài sản để thi hành án rất khó bán, do tâm lý người mua không muốn mua sài sản cưỡng chế của người phải thi hành án; thị trường bất động sản ở địa phương chưa phát triển, tính thanh khoản không cao... Trước tình hình đó, Chi cục THADS huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nâng cao hiệu quả thi hành án.
Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Giao Thủy kiểm tra hồ sơ thi hành án. |
Đồng chí Trần Văn Ninh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Giao Thủy cho biết: Xác định những khó khăn, Chi cục đã làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý Nhà nước về THADS khá toàn diện từ xây dựng chương trình kế hoạch; phát động phong trào thi đua; chỉ đạo các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công chức, người lao động, nhất là các cá nhân, tổ chức có liên quan đến công tác THADS trên địa bàn. Mặt khác, đơn vị tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các vụ, việc đang tổ chức thi hành có vướng mắc phát sinh. Tập trung giải quyết dứt điểm các việc có điều kiện thi hành; chủ động tự kiểm tra đối với 100% hồ sơ thi hành án do đơn vị đang tổ chức thi hành để kịp thời phát hiện, khắc phục, củng cố hồ sơ theo đúng quy định, thủ tục thi hành án. Thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành với các cơ quan tư pháp và cơ quan trong khối nội chính, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể có liên quan, cấp ủy chính quyền cơ sở để tổ chức tốt việc thi hành án. Việc áp dụng các biện pháp giải quyết thi hành án đúng pháp luật, không để xảy ra các tình trạng vi phạm pháp luật trong thi hành án, chế độ kế toán được đảm bảo, kho tang vật được bảo quản đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Chi cục đã áp dụng hiệu quả công tác dân vận để tuyên truyền, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, góp phần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm nhiều vụ, việc. Theo đó, cán bộ, chấp hành viên nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án, tìm hiểu thông tin, nhân thân và các mối quan hệ của đương sự để có thể tìm ra biện pháp thi hành án phù hợp, tìm ra hướng động viên, thuyết phục hiệu quả, tránh áp dụng các biện pháp cưỡng chế làm phát sinh các tình huống phức tạp hoặc đơn thư kéo dài vụ, việc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chấp hành viên thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về THADS, đất đai, hôn nhân và gia đình... đến với cán bộ và người dân, kiên trì tuyên truyền, vận động đương sự tự nguyện thi hành án. Nhờ đó, thời gian qua, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, phải chuẩn bị đến phương án cưỡng chế nhưng nhờ vào sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án và chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương vận động, thuyết phục nên người dân đã tự nguyện chấp hành. Đơn cử như vụ ông Cao Văn A, ở tổ dân phố Lâm Thọ, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) phải trả lại diện tích đất 90m2 cho dòng họ Cao tại địa phương. Đây là vụ việc hết sức phức tạp liên quan tới nhiều chi tộc trong một dòng họ; chính quyền địa phương, cơ sở xóm nhiều lần hòa giải nhưng không thành và đã được Tòa án hai cấp xét xử, giải quyết theo quy định. Chi cục THADS huyện Giao Thủy đã tiến hành tống đạt quyết định thi hành án cho các bên đương sự theo quy định của pháp luật đồng thời thông báo cho ông A biết trong thời hạn 10 ngày ông A phải tự nguyện thi hành án, nếu hết thời hạn trên ông A không tự nguyện, Chi cục kết hợp cùng các cơ quan chuyên môn của huyện, xã tổ chức cưỡng chế bàn giao đất theo quy định. Tuy nhiên, thời gian tự nguyện đã hết, ông A vẫn không thi hành. Để thi hành dứt điểm bản án đã có hiệu lực pháp luật, Chi cục THADS huyện Giao Thủy kết hợp cùng chính quyền, các đoàn thể của xã và tổ dân phố tổ chức nhiều buổi làm việc nhằm giải thích, động viên, thuyết phục các bên đương sự thỏa thuận và tự nguyện bàn giao đất. Tại các buổi làm việc, hai bên đương sự rất căng thẳng và có thái độ phản kháng quyết liệt. Bên được thi hành án yêu cầu phải cưỡng chế giao đất cho dòng họ theo bản án; bên phải thi hành án yêu cầu dòng họ đồng ý cho các hộ gia đình nhà ông A hiện đang thờ cúng tại ngôi từ đường được gia nhập dòng họ và có quyền được thờ cúng như tất cả các thành viên khác trong dòng họ. Sau khi nghe ý kiến của các bên đương sự, chấp hành viên kết hợp cùng chính quyền địa phương phân tích để các bên hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Hai bên đương sự đã thống nhất cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc và thỏa thuận nhất trí tự nguyện bàn giao toàn bộ diện tích đất và các công trình xây dựng trên đất cho dòng họ theo đúng nội dung của bản án đã tuyên mà không phải tổ chức cưỡng chế.
Với nhiều giải pháp cụ thể, công tác THADS trên địa bàn huyện Giao Thủy đã đạt nhiều kết quả tích cực, hạn chế thấp nhất tình trạng án tồn đọng. Năm 2022, Chi cục đã giải quyết xong 446 việc có điều kiện thi hành, đạt 83,21% (vượt 0,21% so với chỉ tiêu của Cục THADS tỉnh giao). Về tiền, giải quyết xong trên 13,4 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt 74,51% (vượt 32,51% so với chỉ tiêu của Cục THADS tỉnh giao). Thời gian tới, Chi cục THADS huyện tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS huyện; tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành hữu quan và các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư trong công tác thi hành án; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Tăng cường công tác kiểm tra việc phân loại án của chấp hành viên; kịp thời tổ chức thi hành những vụ việc có tài sản thi hành án; phát hiện, tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện. Tập trung đôn đốc thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện, mức thi hành lớn; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, những vụ việc có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương; những vụ việc theo chỉ đạo của Cục THADS tỉnh; phấn đấu ngày càng nâng cao chất lượng thi hành án dân sự, góp phần vào sự phát triển ổn định của huyện./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin