Những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đồng thời động viên hội viên tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần, thêm tự tin hòa nhập cộng đồng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Cán bộ, hội viên Hội Người mù huyện Nghĩa Hưng đọc tài liệu bằng chữ nổi Brail. |
Hội Người mù huyện Nghĩa Hưng là một trong những cơ sở Hội thực hiện tốt việc nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên. Nhiều hội viên sử dụng thành thạo máy tính, máy in, điện thoại thông minh… hỗ trợ trong công việc, cuộc sống. Máy vi tính, điện thoại thông minh được cài phần mềm hỗ trợ tiếng nói, có thể đọc chính xác hầu hết thông tin trên màn hình bằng tiếng Anh và tiếng Việt; hỗ trợ câu lệnh dùng phím tắt, giúp người khiếm thị có thể cài đặt và sử dụng hầu hết các chức năng của máy vi tính, điện thoại. Anh Nguyễn Văn Trưởng, hội viên Hội Người mù huyện Nghĩa Hưng chia sẻ: “Những người trẻ tuổi như chúng tôi đều biết cách sử dụng vi tính từ chương trình dành cho người khiếm thị. Mọi hội viên đều thích học, nếu không được đến lớp thì học nhau. Các tính năng của điện thoại thông minh giúp chúng tôi thư giãn khi mệt mỏi. Chúng tôi còn đọc báo để biết được những tin tức trong tỉnh, trong nước...”. Còn ở Hội Người mù huyện Mỹ Lộc hiện có 124 hội viên, trong đó 27 người biết chữ Brail. Các hội viên thường xuyên đọc báo, nghe đài… để nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Ngoài ra, được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Hội Người mù cấp trên, 100% hội viên được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 101 hội viên có thẻ bảo hiểm y tế. Ban chấp hành Hội Người mù huyện tích cực tham mưu đề xuất cho hội viên được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người tàn tật nói chung, người mù nói riêng. 100% hội viên đúng tiêu chuẩn đã được hưởng trợ cấp thường xuyên, chấp hành tốt quy định pháp luật, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống. Hội cũng đặc biệt quan tâm đến các hội viên nữ và trẻ em; tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10…; 100% phụ nữ khiếm thị và con hội viên đều được hưởng chế độ của Nhà nước; quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên hoàn cảnh neo đơn sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, Hội Người mù huyện cũng chủ động đề nghị với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miễn giảm một số khoản đóng góp cho con của hội viên, tạo động lực giúp con hội viên phấn đấu vươn lên trong học tập, để trở thành những người có ích cho xã hội; tích cực tham gia các hoạt động xã hội như hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc các cấp về xây dựng các quỹ trẻ thơ, quỹ tình nghĩa, quỹ thiên tai…Anh Trần Anh Văn, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hải Hậu cho biết: “Dù mất đi ánh sáng nhưng tôi vẫn luôn lạc quan, không ngừng cố gắng vượt qua khó khăn. Vào các ngày lễ, tết, tôi luôn hăng hái tham gia các phong trào văn nghệ với hy vọng, lời ca tiếng hát của tôi sẽ góp phần cổ vũ động viên các hội viên vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống”.
Ông Trần Xuân Dương, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Hội Người mù tỉnh hiện có gần 3.000 cán bộ, hội viên, trong đó có 2.600 người thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội; gần 50% số hội viên trong độ tuổi lao động và gần 150 trẻ em mù đang trong độ tuổi đến trường. Mặc dù sức khỏe hạn chế, cơ thể không lành lặn nhưng vượt qua khó khăn, trở ngại, các hội viên được động viên tích cực tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần, vươn lên hòa nhập cộng đồng”. Nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập Hội… phong trào văn hóa, văn nghệ do hội viên tổ chức cũng diễn ra khá sôi nổi. Để hội viên luôn tích cực, lạc quan, Hội Người mù tỉnh duy trì đều đặn 7 tổ văn nghệ với 35 buổi sinh hoạt/năm; 1 câu lạc bộ với 12 buổi sinh hoạt/năm. Năm 2021, Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim lần thứ VI”, Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cấp hội tổ chức cho cán bộ, hội viên tập luyện và tham gia hội diễn. Nội dung trình diễn đúng theo quy chế và thể lệ đề ra với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước. Thời điểm đó, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên Hội Người mù tỉnh đã quay lại video các tiết mục đặc sắc gửi dự thi chung khảo toàn quốc bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, Hội đạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 giải khuyến khích tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim lần thứ VI”. Không chỉ nâng cao đời sống tinh thần bằng các buổi giao lưu văn nghệ, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, nhiều người khiếm thị trong tỉnh đã có thể đọc báo, sử dụng điện thoại thông minh, máy vi tính. Hội còn liên hệ với thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù để tài trợ hàng nghìn cuốn truyện, sách nói, các loại sách chính trị, sách tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình… Các hội viên rất hào hứng và chăm chú lắng nghe, đón đọc. Đến nay toàn tỉnh đã có tủ sách với tổng số hơn 500 đầu sách và hàng nghìn băng đĩa CD. Số người thường xuyên đọc sách, nghe băng đĩa của Hội ngày càng tăng. Hàng năm Tỉnh Hội cũng phát động các cuộc thi như: “Đại sứ văn hóa đọc”; “Gia đình đọc sách, gắn kết yêu thương”; “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” và đã có nhiều hội viên đạt giải.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều những khó khăn nhưng hội viên Hội Người mù tỉnh luôn nỗ lực vươn lên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nâng cao đời sống tinh thần, vượt qua mặc cảm bản thân hòa nhập cộng đồng./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin