Nâng cao công tác kiểm định chất lượng giáo dục

08:11, 20/03/2023

Những năm qua, công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn “xanh - sạch - đẹp - an toàn” được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tích cực thực hiện nhằm đánh giá mức độ đạt được về chất lượng giáo dục đối với các nhà trường. Đến nay, ở các bậc học, các nhà trường đã triển khai thực hiện việc tự đánh giá chất lượng một cách nghiêm túc, theo đúng quy trình góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô và trò Trường Tiểu học Yên Lộc (Ý Yên) trong một tiết học ngoài trời.
Cô và trò Trường Tiểu học Yên Lộc (Ý Yên) trong một tiết học ngoài trời.

Các năm học, Sở GD và ĐT đều xây dựng kế hoạch công tác KĐCLGD đối với các cấp học. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác bồi dưỡng năng lực thực hiện việc tự đánh giá cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục và có sự giám sát chặt chẽ việc cải tiến chất lượng các cơ sở giáo dục đã được đánh giá ngoài. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các nội dung về KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các nhà trường thực hiện các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Hoạt động đánh giá ngoài cũng rất quan trọng và được thực hiện nghiêm túc nhằm xác định mức độ đạt được tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của các trường học. Thông qua đó, giúp các nhà trường tự đánh giá mức độ đạt được về chất lượng giáo dục, xác định thực trạng về chất lượng, hiệu quả công tác GD và ĐT; tiến hành tự điều chỉnh kế hoạch GD và ĐT đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng về tổ chức và quản lý nhà trường; về cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018, công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được thực hiện độc lập, theo các bộ tiêu chí và quy trình khác nhau dẫn đến việc đánh giá và quy định gặp nhiều khó khăn như phải tổ chức nhiều đoàn công tác, nhiều nội dung chồng chéo, hồ sơ minh chứng không đồng bộ… 

Từ năm 2018, Bộ GD và ĐT ban hành các Thông tư số 17, 18 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Các thông tư này đã tích hợp bộ tiêu chuẩn và quy trình đánh giá công nhận trường đạt KĐCLGD và chuẩn quốc gia thành một bộ tiêu chí chung. Ngay sau khi có các Thông tư mới và văn bản hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT đã triển khai tổ chức tập huấn cho tất cả các cán bộ, chuyên viên và nhà trường về quy trình tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài. Hàng năm, Sở GD và ĐT đều ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học về công tác quản lý chất lượng giáo dục, trong đó nội dung chỉ đạo nhấn mạnh về công tác tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài để công nhận trường đạt KĐCLGD và chuẩn quốc gia. So với giai đoạn trước, đến nay công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài thuận lợi hơn, giảm được thời gian thực hiện. Ngoài việc đánh giá công nhận, đoàn đánh giá ngoài thực hiện công tác tư vấn, giúp đỡ các cơ sở giáo dục thực hiện các hoạt động trong nhà trường. Trong quá trình thực hiện, hầu hết các nhà trường đều nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của địa phương và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh đối với xây dựng trường đạt KĐCLGD và chuẩn quốc gia. Quá trình tự đánh giá của các nhà trường đã được thực hiện đúng hướng dẫn, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai và khoa học, theo các bước như: thành lập hội đồng tự đánh giá thành viên; xây dựng kế hoạch tự đánh giá; thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng; đánh giá mức độ đạt được theo từng tiêu chí; viết báo cáo, công bố báo cáo tự đánh giá. Với cách làm đó, các nhà trường tự xem xét, kiểm tra, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của từng tiêu chí; xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng và các biện pháp thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Qua đó xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của nhà trường; thông báo công khai về thực trạng chất lượng giáo dục để cơ quan chức năng đánh giá và công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Hơn thế, khi hoàn thành thực hiện tự đánh giá chất lượng giáo dục, các nhà trường biết mình đang ở cấp độ nào, mức độ uy tín của nhà trường… để có định hướng phát triển phù hợp.

Với những nỗ lực, phấn đấu, những năm học vừa qua, công tác KĐCLGD, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trường đạt chuẩn “xanh - sạch - đẹp - an toàn” đã huy động được các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục. Kết thúc năm học 2021-2022, toàn ngành có 667/728 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó cấp Mầm non có 190 trường, đạt tỷ lệ 82,61%; cấp Tiểu học có 218 trường, đạt tỷ lệ 96,03%; cấp THCS có 218 trường, đạt tỷ lệ 96,46%; cấp THPT có 41 trường, đạt tỷ lệ 91,11%. Các trường được công nhận đạt chuẩn “xanh - sạch - đẹp - an toàn” có 585 trường; trong đó cấp Mầm non có 165 trường, đạt tỷ lệ 71,74%; cấp Tiểu học có 208 trường, đạt tỷ lệ 91,63%; cấp THCS có 199 trường, đạt tỷ lệ 88,05%; cấp THPT có 13 trường, đạt tỷ lệ 28,9%. Từ việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, diện mạo nhiều trường học khang trang sạch đẹp hơn, là điểm sáng văn hóa, giáo dục của địa phương. Kết quả công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là cơ sở, tiền đề giúp cho ngành GD và ĐT phát triển vững chắc trên cả ba mặt: quy mô, chất lượng và hiệu quả; quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố và sắp xếp lại hợp lý; cơ sở vật chất, thiết bị, cảnh quan môi trường có sự thay đổi đáng kể theo hướng khang trang, hiện đại; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện KĐCLGD và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vẫn gặp một số khó khăn như: một số tiêu chí đánh giá trong bộ thông tư mới có yêu cầu cao hơn nên một số trường không thể đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và KĐCLGD cấp độ 3. Đáng chú ý, sau khi sáp nhập, các trường cùng cấp học trên địa bàn các xã, thị trấn, một số trường có số lớp vượt quá quy định nên không thể đánh giá; nhiều trường đóng trên địa bàn đông dân cư, quỹ đất hạn hẹp nên không thể mở rộng diện tích; một số trường được địa phương quy hoạch thêm diện tích đất, tuy nhiên chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Thời gian tới, những khó khăn đó sẽ được ngành GD và ĐT và các địa phương cùng tập trung tháo gỡ, phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn được đánh giá ngoài công nhận trường đạt KĐCLGD và chuẩn quốc gia, chuẩn “xanh - sạch - đẹp - an toàn”./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com