Định hướng tốt giúp học sinh lựa chọn đúng ngành nghề trong tương lai

07:43, 20/02/2023

Công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN), định hướng phân luồng học sinh trong trường phổ thông có vai trò quan trọng, nhằm giúp học sinh nâng cao hiểu biết về nghề nghiệp và năng lực bản thân để có thể định hướng đúng đắn trong chọn ngành, chọn nghề phù hợp. Đặc biệt, ở khối THPT, GDHN nhằm cung cấp kiến thức về nghề nghiệp và thị trường lao động cho học sinh, giúp các em có khả năng tự chủ trong lựa chọn trường học, ngành học và nghề nghiệp trong tương lai dựa vào năng lực, sở thích và nhu cầu lao động của xã hội.

Sản phẩm khoa học kỹ thuật của học sinh Trường THPT A Hải Hậu (Hải Hậu) tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật và Ngày hội STEM tỉnh Nam Định năm học 2022-2023.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Sản phẩm khoa học kỹ thuật của học sinh Trường THPT A Hải Hậu (Hải Hậu) tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật và Ngày hội STEM tỉnh Nam Định năm học 2022-2023. 

Nghị quyết số 29-NQ/2013/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nêu rõ: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GDHN, phân luồng trong giáo dục theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 29, Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động mang lại những kết quả bước đầu khả quan; trong đó, hoạt động GDHN và định hướng phân luồng học sinh được đưa vào thành một nội dung quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. 

Theo Chương trình GDPT 2018, GDPT được chia thành hai giai đoạn là giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Nội dung GDHN được lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục. Trong đó, có ưu thế và thể hiện vai trò rõ ràng về GDHN là các môn học Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp.

Thực hiện GDHN, Sở GD và ĐT đã tích hợp hướng dẫn triển khai Đề án GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025 trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2022-2023; đồng thời ban hành Công văn 1745/SGDĐT-GDCN&GDTX ngày 1-11-2022 về việc tiếp tục thực hiện Đề án trên. Trong Hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học 2022-2023, Sở GD và ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục (CSGD) tiếp tục nâng cao chất lượng GDHN; trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia GDHN; tăng cường tư vấn hướng nghiệp theo định hướng nghề nghiệp cấp THPT. Định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT theo học các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường trung học; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh trung học.

Tại Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc), triển khai hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo Chương trình GDPT 2018, trường đã nghiên cứu tìm hiểu đặc thù bộ môn ngay từ những năm học trước đó. Trường cử giáo viên tham gia lớp tập huấn do Sở GD và ĐT triển khai, sau đó triển khai tập huấn đại trà trong nhà trường cho các giáo viên tham gia giảng dạy. Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại trường được tổ chức dưới 3 hình thức (bao gồm: Dạy trong giờ sinh hoạt trực tiếp do giáo viên chủ nhiệm phụ trách; dạy theo chủ đề; sinh hoạt dưới cờ) nên việc phân công giáo viên phụ trách cũng linh hoạt, bao gồm đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các bộ môn và Đoàn Thanh niên. Việc thực hiện phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đem lại hiệu quả cao và thu hút được số lượng lớn học sinh tham gia. Xác định mục tiêu giáo dục và rèn cho học sinh những kỹ năng mềm để các em tự tin bước vào thế kỷ 21, thích ứng và đáp ứng nhu cầu việc làm trong tương lai, đồng thời đảm bảo phẩm chất tư cách đạo đức, nhà trường tập trung định hướng các nội dung hoạt động phù hợp gắn liền với việc hình thành các kỹ năng như: Kỹ năng tự tạo động lực cho bản thân; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng lãnh đạo; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng phản biện, tư duy tích cực; Kỹ năng ra quyết định; Kỹ năng quản trị thời gian và các kỹ năng “mềm” thiết yếu khác. Ngoài ra, các hoạt động về công tác giáo dục tinh thần trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội, kỹ năng bày tỏ quan điểm, thể hiện lòng biết ơn, kỹ năng và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, hoạt động trải nghiệm phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung như tham quan phòng truyền thống, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nhà trường, hiểu và hành động vê nội quy trường học và những điều giao tiếp văn minh trong trường học; Sân khấu hoá; thuyết trình; văn nghệ, cắm hoa; chia sẻ giúp đỡ người gặp khó khăn, trẻ mồ côi thông qua hoạt động thiện nguyện. Giáo dục truyền thống của địa phương thông qua cuộc thi gói bánh chưng và các trò chơi dân gian ngày Tết; phối hợp với Huyện Đoàn mời Cảnh sát giao thông huyện về tuyên truyền an toàn giao thông, xây dựng cổng trường an toàn giao thông,... Ngoài các hoạt động chung dưới cờ, trong các tiết dạy trên lớp, giáo viên cũng năng động tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm, sinh hoạt cá nhân; lựa chọn các chủ đề phù hợp để dạy cho học sinh, khơi dậy tình yêu và lòng biết ơn của học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường mời các chuyên gia chia sẻ về nghệ thuật lắng nghe và thuyết trình; mời Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân tuyên truyền nội dung công tác an ninh biển đảo…  

Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hàng năm thành lập Ban hướng nghiệp gồm các cán bộ lãnh đạo nhà trường và giáo viên; lực lượng hỗ trợ Ban hướng nghiệp gồm: Phụ huynh học sinh; các cựu học sinh nhà trường; các tổ chức, cá nhân như các doanh nghiệp, các trường đại học, nhiều nhà giáo dục, giáo sư, bác sĩ, Ban tư vấn tâm lý học đường, ban truyền thông, Đoàn Thanh niên, các câu lạc bộ, hội đồng chuyên môn. Mỗi năm học, với mục tiêu 100% học sinh của trường được tư vấn hướng nghiệp toàn diện, Ban Hướng nghiệp đã đề ra kế hoạch gồm chuỗi các hoạt động bổ ích xuyên suốt trong năm học gồm: Nói chuyện, tọa đàm với chuyên gia về ngành - nghề; trải nghiệm về nghề nghiệp trong phạm vi tỉnh Nam Định và Hà Nội; thông tin về hội thảo, tuyển sinh của các trường đại học và du học; kết hợp mục tiêu hướng nghiệp trong giảng dạy môn học, tư vấn tâm lý và sinh hoạt lớp... Từng tháng, trường đều có hoạt động phù hợp theo chủ đề GDHN được Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT quy định, qua đó, giúp học sinh biết đánh giá đúng về khả năng, sở thích của mình, từ đó có những cơ sở đầu tiên cho việc định hướng nghề nghiệp và giúp phụ huynh thấy được tầm quan trọng của hướng nghiệp đúng đắn, xu hướng nghề nghiệp hiện nay, từ đó phụ huynh trao đổi với học sinh về định hướng chọn trường, chọn nghề cho con em mình...

Triển khai hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo Chương trình GDPT 2018, các trường THPT trong tỉnh luôn chú trọng công tác GDHN cho học sinh với nhiều hoạt động phong phú, mang tính sáng tạo, phù hợp đặc thù của các nhà trường nhằm đem đến cho học sinh những cái nhìn mới nhất, những thông tin bổ ích nhất về ngành - nghề, những góc nhìn đa chiều và chân thực của người đi trước, những lời khuyên trực tiếp với dự định lựa chọn của các em học sinh. Hoạt động GDHN với các chương trình hướng nghiệp thiết thực, bổ ích vừa là cầu nối giữa các em học sinh với ngành - nghề - trường tương lai; vừa là “điểm tựa” để phụ huynh học sinh tin tưởng con em mình sẽ được định hướng nghề nghiệp toàn diện, phù hợp; góp phần thúc đẩy phân luồng học sinh hợp lý; phân luồng nhân lực trong xã hội, nâng cao năng suất lao động và khả năng sử dụng hợp lý nguồn lao động trẻ. Qua hoạt động GDHN, học sinh các nhà trường hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề trong tương lai; biết cách tìm hiểu năng lực của bản thân, tìm hiểu về nghề nghiệp dự định hướng tới, thông tin về nguồn lao động và xây dựng kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân. Để nâng cao chất lượng GDHN, các nhà trường cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị, các tổ chức xã hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền về GDHN và định hướng phân luồng cho học sinh như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN trong nhà trường. Tích cực bồi dưỡng đội ngũ giáo viên làm công tác GDHN về kiến thức, kỹ năng tư vấn, phương pháp tư vấn hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và truyền thông. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục gắn với hoạt động GDHN theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com