Theo thống kê của ngành GD và ĐT, khi tham gia giao thông, học sinh thường vi phạm ở các lỗi chủ yếu: Đi sai phần đường, tốc độ, thiếu quan sát, xe máy, xe đạp điện không có gương chiếu hậu (chiếm khoảng 80-90%). Lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn hoàn thiện nhân cách, tâm sinh lý có tính hiếu kỳ, thích thể hiện, thử nghiệm những điệu mới lạ, độc đáo. Trong quá trình tham gia giao thông dễ mắc phải các vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiến thức... Để giúp học sinh nâng cao kiến thức cơ bản phòng, tránh tai nạn giao thông và có ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, ngành GD và ĐT đã phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và lĩnh vực giao thông nói riêng.
Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025. |
Sở GD và ĐT và Công an tỉnh phối hợp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục (CSGD) triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) như: Thành lập và kiện toàn Ban ATGT của đơn vị, xây dựng kế hoạch và triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT; tổ chức phát động phong trào thi đua về bảo đảm trật tự ATGT tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa được thực hiện tại các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, kết hợp tăng cường hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi ngồi trên các phương tiện giao thông. Tổ chức các hoạt động giáo dục trực quan về ATGT qua thi vẽ tranh cổ động về ATGT; treo pa nô, khẩu hiệu, áp phích tuyên tuyền về ATGT một cách sinh động, phong phú. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT vào Tháng cao điểm ATGT (tháng 9), Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (tháng 11); Triển khai mô hình “Cổng trường ATGT”, “Tuyến đường ATGT”; Triển khai thực hiện Chương trình, cuộc thi về ATGT “Tôi yêu việt Nam” giáo dục ATGT cho trẻ mầm non; Chương trình “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” dành cho học sinh tiểu học; Chương trình “ATGT cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh THCS, THPT; Chương trình “Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, hướng dẫn kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy an toàn”. Các CSGD phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, Công an các địa phương tổ chức các buổi giao lưu trực tiếp để tuyên truyền các nội dung cụ thể như các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và kỹ năng phòng tránh; kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh; triển khai cho học sinh, sinh viên và phụ huynh ký cam kết với CSGD về thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Các CSGD kiểm tra, rà soát các điều kiện cơ sở vật chất và triển khai các biện pháp đảm bảo ATGT khu vực trường học; triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT tại khu vực cổng trường khi học sinh đến trường và tan trường để tránh ùn tắc giao thông. Kiểm tra, giám sát và nắm bắt tình hình thực hiện các quy định về ATGT hàng ngày đối với học sinh. Có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp học sinh vi phạm ATGT. Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một tiêu chuẩn đánh giá hạnh kiểm học sinh, sinh viên và là tiêu chí thi đua hàng năm của đơn vị mình.
Sở GD và ĐT hướng dẫn các trường sử dụng Bộ tài liệu giáo dục ATGT cho học sinh tiểu học để tổ chức giờ học ATGT theo các hình thức, phương pháp phù hợp, hiệu quả; phát động tham gia giao lưu tìm hiểu về “ATGT cho nụ cười trẻ thơ”; cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai”. Chỉ đạo, hướng dẫn các trường phổ thông tăng cường các hoạt động tuyên truyền về ATGT, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” hàng năm để tăng hiệu ứng giáo dục ý thức cho học sinh về nguy cơ và các hệ lụy của tai nạn giao thông.
Đến nay, 100% CSGD trong tỉnh đã thành lập hoặc kiện toàn Ban ATGT trường học; xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo trật tự ATGT. 100% CSGD phổ thông nghiêm túc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; vận động thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông... bằng các hình thức đa dạng: trên hệ thống phát thanh của nhà trường vào đầu và cuối buổi học; trên website của trường, qua sổ liên lạc gia đình và nhà trường, tham gia các cuộc thi về ATGT do Bộ GD và ĐT, Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức... Các trường phổ thông thực hiện nghiêm túc kế hoạch giảng dạy ATGT theo quy định, chỉ đạo giáo viên lồng ghép, phổ biến “Văn hóa giao thông”, nội dung giáo dục ATGT trong các môn học và các hoạt động của nhà trường; tham gia các đợt ra quân hưởng ứng Tháng ATGT, Năm ATGT do địa phương tổ chức. Các CSGD đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng ngoài nhà trường, đặc biệt là công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương để tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về đảm bảo trật tự ATGT; tổ chức cho gia đình học sinh ký cam kết về nâng cao trách nhiệm, phối hợp của gia đình cùng nhà trường giáo dục ý thức chấp hành ATGT cho học sinh: không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện tham gia giao thông. 100% các trường THCS, THPT có đội tự quản do Đoàn Thanh niên nhà trường phụ trách, triển khai mô hình “Cổng trường ATGT”, “Tuyến đường ATGT”. Năm học 2021-2022, tham gia các cuộc thi: Cuộc thi ATGT cho nụ cười trẻ thơ dành cho học sinh tiểu học, toàn tỉnh có 85.302 bài dự thi, đạt 1 giải Nhì, 44 giải Khuyến khích; Cuộc thi ATGT cho nụ cười ngày mai dành cho học sinh THCS, THPT, toàn tỉnh có 23.679 thí sinh dự thi, đạt 11 giải ba, 27 giải Khuyến khích.
Để tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm bảo đảm trật tự ATGT tại các CSGD, ngành GD và ĐT đang tích cực phối hợp với chính quyền, công an và các ngành liên quan tại địa phương đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Tổ chức hoạt động ngoại khóa; xây dựng các tiểu phẩm và triển khai tại buổi sinh hoạt đầu tuần về chủ đề các hành vi vi phạm pháp luật giao thông... Tổ chức thực hiện dạy học tích hợp nội dung giáo dục ATGT trong các giờ học chính khoá. Triển khai việc nghiên cứu chương trình các môn học, xây dựng hệ thống địa chỉ tích hợp nội dung giáo dục ATGT trong các môn học. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Tuyến đường ATGT”; Mô hình “Cổng trường ATGT”, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 100% tại các trường học; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các mô hình mới về trật tự ATGT, trật tự công cộng tại các trường học đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng cấp học trên địa bàn. Tích cực tham gia các cuộc thi về chủ đề ATGT do Bộ GD và ĐT, Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức. Các nhà trường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc tham gia giữ gìn trật tự ATGT. Tổ chức tích hợp, lồng ghép hiệu quả chương trình, tài liệu giảng dạy, nội dung giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa từ cấp mầm non đến THPT; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế cho học sinh về các nội dung giáo dục để nâng cao hiệu quả tiếp thu và thực hành./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin