Hội Nông dân Nghĩa Hưng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

07:57, 12/01/2023

Hội Nông dân (HND) huyện Nghĩa Hưng có tổng số 38.473 hội viên, đạt tỷ lệ 89,2% so với hộ nông thôn. Những năm qua, các cấp HND trong huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề tạo việc làm, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Hội viên nông dân xã Nghĩa Sơn phát triển nghề làm bánh đa gạo cho thu nhập ổn định.
Hội viên nông dân xã Nghĩa Sơn phát triển nghề làm bánh đa gạo cho thu nhập ổn định.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó đã tạo động lực khích lệ hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hội viên nghèo; khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, đầu tư vốn để phát triển sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường. Hàng năm, HND huyện phát động hội viên nông dân tham gia hưởng ứng phong trào, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu thi đua, chỉ đạo cơ sở Hội tổ chức phát động hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp vào đầu năm. Bình quân mỗi năm có trên 26 nghìn hộ đăng ký và có trên 13 nghìn hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ngày càng có nhiều hộ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Điển hình như trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt có ông Lại Văn Đương ở thị trấn Quỹ Nhất với mô hình chăn nuôi lợn thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm; ông Trần Văn Cấp, xã Hoàng Nam sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu. Hội viên các chi hội ở thị trấn Liễu Đề trồng hoa cây cảnh, cho thu nhập 300-350 triệu đồng/hộ/năm. Trong lĩnh vực thủy sản, tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Sửu, xã Nghĩa Lợi nuôi trồng thủy sản thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; ông Vũ Văn Chức, xã Phúc Thắng nuôi ngao sạch, thu nhập từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10-20 người có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi hộ gia đình trong Tổ hợp tác chế biến thủy hải sản ở Nghĩa Hải tạo việc làm cho 10-15 lao động, thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Hộ ông Nguyễn Văn Thỉnh, thị trấn Quỹ Nhất nuôi cá chạch đồng kết hợp chế biến “Cá chạch kho niêu” được công nhận là sản phẩm OCOP, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động. Ông Vũ Quang Tuyến, thị trấn Rạng Đông nuôi cá nước ngọt và chế biến cá kho mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và nhiều hội viên nông dân. Ông Ngô Văn Lạc, xã Nam Điền nuôi thả cá mú, cá bống bớp cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Trong lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh dịch vụ điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Điệp, xã Nghĩa Lạc sản xuất đồ gỗ dân dụng thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm. Ông Đinh Văn Đoài, xã Nghĩa Thành sản xuất nước sạch đóng chai thu nhập 400-500 triệu đồng/năm. Ông Lương Văn Huynh, xã Nghĩa Hùng sản xuất hương xuất khẩu thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động. Ông Đinh Văn Khánh, thị trấn Liễu Đề với mô hình chăn nuôi, thu mua, kinh doanh gia cầm thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động, bình quân 5 triệu đồng/người/tháng… Ngoài ra còn nhiều mô hình điển hình ở các xã, thị trấn đã tạo việc làm cho hội viên và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Nhằm hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh, các cấp HND trong huyện đã đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác, dạy nghề, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để khai thác, vận động, tạo nguồn lực cho Hội hoạt động như hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật. Trong 5 năm qua, Hội phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật được 580 lớp cho 89.500 lượt hội viên; triển khai cung ứng vật tư trả chậm cho hội viên như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại chế phẩm sinh học trong chăn nuôi và cây trồng được 3.288,63 tấn các loại; hỗ trợ 206 nghìn cây giống, tổng giá trị trên 204,340 tỷ đồng. Tổ chức 91 lớp dạy nghề cho 3.119 học viên, trên 90% lao động sau học nghề có việc làm ổn định. HND huyện còn phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT tín chấp 2.019,49 tỷ đồng cho 6.631 hộ vay; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2.559 hộ vay 125,19 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện và cơ sở cho trên 500 lượt hộ vay trên 3 tỷ đồng để hội viên đầu tư phát triển sản xuất. Các hoạt động tương trợ, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào. Hội viên nông dân trong huyện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống. Trong 5 năm (2017-2022), các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên giúp đỡ 1.685 hộ từ nghèo khó vươn lên; ủng hộ xây mới, nâng cấp nhà ở cho 12 hội viên nông dân nghèo trị giá 380 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở vận động giúp đỡ hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn xây mới, nâng cấp nhà với trị giá trên 5 tỷ đồng. Vận động ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, trao Quỹ khuyến học, Quỹ “Hạt thóc vàng”, Quỹ “Mái ấm nông dân” tổng số tiền 255 triệu đồng để giúp đỡ những hộ nông dân gặp rủi ro, gia cảnh khó khăn. Hàng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, các cấp Hội trong huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm trên 100 suất quà trị giá 300-500 đồng/suất. Vận động hội viên trong huyện quyên góp trên 200 triệu đồng, gần 1.000 ngày công, vật tư, cây, 3.000 con giống trị giá trên 100 triệu đồng giúp đỡ cho hội viên vươn lên thoát nghèo, từ đó đã tạo sự gắn bó của hội viên nông dân với tổ chức Hội.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập được chú trọng. Để thực hiện có hiệu quả việc sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm, hàng năm, HND huyện triển khai các đơn vị thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tuyên truyền vận động hội viên tham gia 23 tổ hợp tác, 4 chi HND nghề nghiệp, 8 tổ HND nghề nghiệp. Các mô hình đều xây dựng được quỹ, quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm theo sự thống nhất chung. Toàn huyện còn duy trì 4 CLB “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” ở Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, thị trấn Rạng Đông nhằm liên kết các hộ giúp nhau về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chủ yếu là nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ nông sản được đẩy mạnh như: Tạo điều kiện cho hội viên tham gia các gian hàng tại hội chợ do HND tỉnh tổ chức. HND huyện và Bưu điện huyện khảo sát, lựa chọn 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đưa lên sàn giao dịch Postmart gồm bún phở Minh Khang xã Nghĩa Sơn, gạo nếp bắc và gạo huyết rồng xã Nghĩa Bình, mắm tôm của cơ sở sản xuất Lại Văn Quang xã Nghĩa Hải.

Hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế của các cấp HND huyện Nghĩa Hưng đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chủ động, sáng tạo, thu hút hội viên thi đua lao động sản xuất, nhiều hộ vươn lên khá giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện năm 2022 còn 0,88% theo tiêu chí mới./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com