Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn về việc làm những tháng cuối năm

08:33, 09/01/2023

Tết Nguyên đán đang cận kề, nhưng người lao động ở nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm giờ làm, không có việc, thậm chí bị chấm dứt hợp đồng lao động. Nguyên nhân, do ảnh hưởng thị trường xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chậm, nhiều nơi không ký kết được đơn hàng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống của người lao động. 

Công ty TNHH PIM VINA, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân lao động.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Công ty TNHH PIM VINA, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân lao động. 

Gần 2 tháng nay, Chị La Thị Hường, công nhân làm việc trong Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) chỉ đi làm 4 ngày/tuần. Chị và nhiều công nhân trong dây chuyên sản xuất thay nhau nghỉ luân phiên do công ty không nhập được nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, không tiếp tục ký kết được đơn hàng. Tiền lương tháng 11 và tháng 12-2022 chị Hường chỉ được lĩnh bằng 2/3 so với các tháng trước đó, đồng thời các khoản tiền khác như tiền thưởng vượt định mức, chế độ tăng ca, tiền chuyên cần và tiền thưởng Tết cũng bị cắt giảm theo. Để đảm bảo cuộc sống và có tiền mua sắm Tết cho gia đình, chị Hường đã tham gia nhóm hỗ trợ tìm việc làm và được giới thiệu việc làm tại một cơ sở chuyên quét dọn, vệ sinh nhà cửa dịp Tết để tăng thêm thu nhập. Chị Hường sau đó đã giới thiệu cho 5 chị cùng hoàn cảnh vào làm việc, mặc dù chỉ là lao động thời vụ, nhưng có thu nhập khoảng 200-500 nghìn đồng/người/ngày tùy theo khối lượng công việc. Còn chị Nguyễn Thu Hương, ở xã Nam Thanh (Nam Trực) làm công nhân kho tại một công ty trên địa bàn xã. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm, số lượng hàng tồn kho chiếm tới gần 50% số đơn hàng, nên từ tháng 6-2022, công ty đã thực hiện cắt giảm giờ làm và đến nay đã chấm dứt hợp đồng lao động của hơn 70 công nhân lao động. Chị Hương và nhiều lao động khác đã được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Nam Trực liên kết với các tổ chức công đoàn, cụm liên ngành, nhóm tìm việc làm và được giới thiệu vào làm thời vụ trong các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ dịp trước, trong và sau Tết như làm hoa vải, đèn lồng, may cờ, làm hàng mã, đan giỏ đựng hoa quả, đóng hộp quà Tết… và làm trong nhóm ngành du lịch, dịch vụ… để giải quyết tình trạng thiếu việc làm trước mắt và có nguồn thu nhập chăm lo cuộc sống và sắm sửa Tết cho gia đình.

Theo đó, các doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động chủ yếu nằm trong nhóm ngành dệt may, da giày. Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh đến tháng 11-2022, có khoảng 20 nghìn công nhân lao động thuộc 14 doanh nghiệp bị giảm giờ làm; hơn 600 công nhân lao động thuộc 6 doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động… Trước thực trạng trên, LĐLĐ tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ, ổn định tình hình lao động, sản xuất. Đối với doanh nghiệp, để đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh, LĐLĐ tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh, đồng thời tham gia phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20-5-2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, ngày 20-5-2022 của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa như: hỗ trợ tham gia cụm liên ngành, tham gia chuỗi giá trị sản xuất, hỗ trợ tăng cường đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo mức giá cạnh tranh... Nhờ đó, đến tháng 8-2022, đã thực hiện miễn giảm lãi vay đối với 4.587 khách hàng, với dư nợ 4.562 tỷ đồng, số tiền lãi miễn giảm là 19,9 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 2.258 khách hàng, với dư nợ là 2.745 tỷ đồng... Bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tham mưu lãnh đạo các công ty chủ động, linh hoạt, nhanh nhạy thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng với khó khăn và nhu cầu tiêu dùng của thị trường; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm như các Công ty: TNHH Youngone Nam Định, TNHH Maxport Nam Định, Santa Clara Ý Yên… Trong năm 2022, dù phải đối mặt với tình trạng chi phí sợi, vải, logistic tăng cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh cục bộ về nhân công nhưng các doanh nghiệp trên đã áp dụng nhiều giải pháp, một mặt nỗ lực tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp, một mặt tăng cường chăm lo đời sống, giữ chân người lao động, nhất là các lao động có tay nghề để ổn định nhân lực đáp ứng các kế hoạch sản xuất. 

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ cấp trên cơ sở, công đoàn ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên minh Hợp tác xã nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt, giảm giờ làm của người lao động, từ đó kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời các cấp công đoàn theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác của người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Tuyên truyền, vận động người lao động gắn bó với doanh nghiệp, cùng với chủ doanh nghiệp chung tay khắc phục khó khăn trước mắt, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành du lịch, dịch vụ giới thiệu người lao động vào làm việc. Phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động; giám sát việc tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động, việc thực hiện các cam kết với người lao động và thực hiện hiệu quả chương trình chăm lo Tết cho người lao động. LĐLĐ tỉnh cũng đặc biệt chú trọng hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các ngành hàng cần lượng lớn lao động phục vụ dịp Tết Nguyên đán như: nghề làm hoa vải, làm đèn lồng, may cờ, làm hàng mã, đan giỏ đựng hoa, quả, đóng hộp quà chúc Tết và khai thác sâu thị trường nội địa như phát triển các doanh nghiệp trong ngành du lịch, ngành vận tải… 

Với sự chỉ đạo kịp thời của LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết. Dự kiến các cấp công đoàn sẽ phối hợp thăm hỏi, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị cắt giảm giờ làm, bị mất việc làm với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người; các doanh nghiệp, tùy vào khả năng tài chính đều ủng hộ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/người. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh nỗ lực huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo và tìm giải pháp giúp người lao động ổn định việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Qua đó, không chỉ tạo cho người lao động có thêm chỗ dựa vững chắc để an tâm làm việc, mà còn tăng cường uy tín, vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động./.

Bài và ảnh: Ngọc Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com