Hải Hậu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: Lấy hiệu quả làm thước đo (kỳ 1)

08:01, 09/01/2023

Kỳ I: Phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hải Hậu đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng đã tích cực đổi mới nội dung phương thức hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư nhằm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu xã Hải Tây (Hải Hậu).
Bài và ảnh: Việt Thắng
Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu xã Hải Tây (Hải Hậu). 

Về thăm các vùng quê xứ đạo ở Hải Hậu hôm nay, từ các xã miền biển Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều... đến các xã nội đồng Hải Phương, Hải Sơn, Hải Long, Hải Xuân, Hải Giang là nơi có đông đồng bào Công giáo, ở đâu du khách cũng thấy ấn tượng trước diện mạo mới của những “miền quê đáng sống”. Đường đi lối lại trong các xứ, họ, khu dân cư được mở rộng, đổ nhựa, đổ bê tông, lề đường trồng hoa, ven đường có cây bóng mát và có điện thắp sáng, tạo cảnh quan “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Các công trình tôn giáo hầu hết đều được tôn tạo, nâng cấp, sửa sang khang trang, sạch, đẹp.

Hải Chính là xã ven biển, sau sáp nhập, có 7 xóm, dân số 6.418 người, trong đó có gần 90% là người theo Công giáo; xã có 2 nhà thờ xứ, 4 nhà thờ họ. Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân, Bí thư Đảng ủy xã Hải Chính cho biết: Trong những năm qua cùng với sự đổi mới của đất nước, phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo trong xã đã phát triển sâu rộng. Người Công giáo luôn sống hoà nhập, lương giáo đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đường hướng của Giáo hội, gắn bó với dân tộc, với quê hương vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” do Đảng, chính quyền và MTTQ các cấp phát động; phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động gắn với phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các giáo xứ, giáo họ và bà con giáo dân rất phấn khởi đoàn kết tích cực hưởng ứng, tham gia. Các linh mục và Ban hành giáo các giáo xứ, giáo họ đã động viên bà con giáo dân cùng với nhân dân trong xã thực hiện chuyển đổi sản xuất theo quy hoạch, chuyển đổi diện tích làm muối cho thu nhập thấp sang nuôi trồng thủy sản, trồng màu và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 100-700 triệu đồng/năm. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã do con em người Công giáo làm chủ được thành lập mới, thu hút hàng trăm lao động trong xã với mức thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2017 đến nay, bà con giáo dân trong xã tự nguyện hiến trên 1ha đất; tháo dỡ, di chuyển trên 200 công trình hàng rào, cổng, sân ngõ và công trình phụ trợ có giá trị; đóng góp, ủng hộ tiền mặt trên 10 tỷ đồng, trên 3.000 ngày công để làm nhà văn hoá, mương tiêu thoát nước, đường giao thông nội đồng, đường dong, xóm; nâng cấp và làm mới 12,3km đường giao thông trong khu dân cư với tổng giá trị gần 9 tỷ đồng; làm mới và nâng cấp 8,6km đường giao thông nội đồng với tổng trị giá trên 2,5 tỷ đồng; xây mới, nâng cấp gần 6km mương tiêu thoát nước, với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng, trồng và chăm sóc 4,5km đường hoa, trên 13km đường điện thắp sáng. Nâng cấp các công trình phụ trợ 5 nhà văn hoá xóm, tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Cơ sở vật chất ở các cấp học được đầu tư xây dựng đảm bảo đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp 12 phòng học theo chương trình kiên cố trường học của Chính phủ, với tổng số tiền trên 8,2 tỷ đồng. Nhiều gia đình Công giáo ủng hộ lớn như: Ông Lại Văn Bách ủng hộ 430 triệu đồng, ông Thành 200 triệu đồng, ông Tôn 100 triệu đồng, nhiều gia đình ủng hộ từ 5 đến 30 triệu đồng... Nhiều cá nhân đã tự nguyện hiến đất xây dựng NTM tổng diện tích trên 4.000m2, tiêu biểu như: gia đình ông Nguyễn Văn Lân ở xóm Trung Châu hiến trên 100m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng; ông Nguyễn Văn Khanh xóm 5 hiến 80m2 trị giá 180 triệu đồng… Bà con giáo dân tích cực chỉnh trang khuôn viên gia đình, làm vệ sinh môi trường. 2 linh mục đã phát động đến toàn giáo dân tập trung dọn vệ sinh môi trường. Các giáo xứ, giáo họ đều có trang bị các thùng phục vụ phân loại rác đảm bảo môi trường chung, thực hiện tốt việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt 2 lần/tuần. 

Hải Hậu có 31 xã và 3 thị trấn, dân số trên 29 vạn ngư­ời; trong đó có trên 42% là người Công giáo. Trên địa bàn huyện có 54 giáo xứ, 94 giáo họ được phân thành 3 hạt: Quần Phương, Kiên Chính, Tứ Trùng; có 57 linh mục; có 4 dòng tu với trên 70 nữ tu chăm lo đời sống đức tin và sinh hoạt tôn giáo cho bà con giáo hữu. Đảng bộ có 90 tổ chức cơ sở đảng với trên 14.600 đảng viên; là 1 trong 3 đảng bộ huyện đầu tiên của miền Bắc được Trung ương công nhận là Đảng bộ “4 tốt”; cũng là 1 trong 53 đảng bộ huyện được công nhận “Đảng bộ vững mạnh” đợt đầu tiên của cả nước. Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Hải Hậu cho biết: “Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, nhất là đổi mới về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các tầng lớp nhân dân trong huyện nói chung, người Công giáo nói riêng rất phấn khởi đoàn kết tích cực thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo”. Người Công giáo trong huyện luôn tích cực, chủ động sáng tạo trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ giống vốn cho những hộ nghèo vươn lên phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Nhiều làng nghề truyền thống vẫn duy trì và không ngừng phát triển, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập khá như: Đồ gỗ mỹ nghệ và khảm trai ở xứ Phạm Rỵ, xã Hải Trung; xứ Phạm Pháo, xã Hải Minh; xứ Kim Thành, xã Hải Vân; xứ Hưng Nghĩa, xã Hải Hưng; nghề kéo sợi PE và đan lưới ở xứ Thịnh Long, thị trấn Thịnh Long; xứ Phương Chính xã Hải Triều; dệt chiếu cói ở xứ Triệu Thông xã Hải Bắc; xứ Giáp Nam, họ Đất Vượt xã Hải Phương; xứ An Đạo xã Hải An. Đến nay có trên 120 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp có người đứng đầu, giám đốc là người Công giáo sản xuất kinh doanh ổn định; gần 26 nghìn hộ giáo dân trong huyện có mức sống khá trở lên, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, 86% số hộ có nhà xây kiên cố và bán kiên cố, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 100% số hộ dùng nước hợp vệ sinh, 100% xứ, họ có điện thắp sáng; đường trục xã, đường liên thôn, liên xóm khang trang sạch đẹp; nhà thờ, thánh thất được tôn tạo sửa sang, nâng cấp, thuận tiện cho việc sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân. 

Thực hiện tốt công tác bác ái, từ thiện, nhân đạo và coi đây là việc làm thường xuyên, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân”. Các linh mục, tu sĩ và các giáo xứ, giáo họ đã vận động được trên 6,56 tỷ đồng, thăm tặng quà 20.782 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ làm 22 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa với số tiền 630 triệu đồng; tặng 66 xe lăn cho người tàn tật; tặng quà trị giá trên 258 triệu đồng cho các gia đình thương binh, liệt sĩ; ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung trên 500 triệu đồng... Tiêu biểu như các giáo xứ: Xương Điền, Văn Lý, Tân An, Quế Phương, Kim Thành, Trung Thành, Hưng Nghĩa, Xuân Hòa, Xuân Đài, Long Châu, Xuân Hà, Hải Điền, Phương Chính, An Đạo, giáo họ Xuân Phong (Hải Hòa), Hội Caritas xứ Hai Giáp... Nhiều tấm gương sáng trong công tác từ thiện, bác ái như các linh mục: Phạm Minh Hạnh, Nguyễn Văn Vàng, Trần Trung Hiếu, Nguyễn Văn Toanh, Phan Trung Lăng, Nguyễn Văn Thưởng, Nguyễn Văn Đối, Ngô Viết Lục, Nguyễn Thanh Điển, Mai Xuân Thanh, Bùi Đức Hạnh, Vũ Đình Hài, Trần Văn Huân, Đinh Văn Khởi… Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Thư mục vụ của Tòa giám mục Bùi Chu, đã có hàng nghìn lượt người Công giáo tham gia hiến máu cứu người, trên 100 người hiến giác mạc, gần 1.000 người đăng ký hiến giác mạc, hàng trăm người đăng ký hiến nội tạng; tiêu biểu như giáo dân xã Hải Minh, Hải Vân, Hải Hưng, Hải Phúc... Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp về ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân đã quyên góp ủng hộ tiền mặt và nhiều nhu yếu phẩm trị giá gần 2 tỷ đồng. 

Nhiều linh mục và Ban hành giáo ở các xứ, họ đã xây dựng quỹ khuyến học, để động viên khuyến khích con em giáo dân tới trường, tới lớp, tiêu biểu như các giáo xứ: Ninh Mỹ, Ninh Sa, Phạm Rỵ, Phạm Pháo, Nam Hòa, Tân Bồi, Hai Giáp, Tứ Trùng, Giáp Nam... Hàng năm, vào dịp đầu năm học, các linh mục tổ chức tặng quà và tiền thưởng cho học sinh nghèo vượt khó và học sinh có thành tích cao trong học tập. Đến nay các giáo xứ, giáo họ có số dư quỹ khuyến học, khuyến tài trên 1,6 tỷ đồng.

Phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động gắn với phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được các giáo xứ, giáo họ và bà con giáo dân toàn huyện tích cực hưởng ứng, tham gia. Các linh mục và Ban hành giáo các giáo xứ, giáo họ đã động viên bà con giáo dân cùng với nhân dân trong huyện thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, khuôn viên gia đình; hiến đất, đóng góp công sức và tiền của cùng tập thể xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi ở địa phương. Cải tạo và nâng cấp đường giao thông nội đồng, đường giao thông thôn, xóm; xây dựng trường học, nhà văn hoá xóm, hệ thống điện thắp sáng trong khu dân cư; tu sửa, xây mới nhà thờ và công trình phụ trợ đảm bảo khang trang; tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp... đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của từng giáo xứ, giáo họ. Nhiều giáo dân ở các giáo xứ, giáo họ đã tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất, đóng góp ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây dựng NTM, tiêu biểu như: Giáo xứ Ninh Mỹ, giáo họ Tây Mỹ, giáo họ Ninh Đông (xã Hải Giang); giáo xứ Lục Phương xã Hải Cường, giáo xứ Giáp Năm xã Hải Ninh, các giáo họ Trung Phương, Trùng Quang, Thanh Trà (xã Hải Quang), linh mục Bùi Đức Hạnh, linh mục Mai Xuân Thanh, linh mục Ngô Viết Lục, linh mục Trần Văn Công... Linh mục và Ban hành giáo giáo xứ Kiên Chính đã vận động giáo dân hiến trên 1.000m2 đất (riêng gia đình ông Nguyễn Văn Lân hiến 200m2 và ủng hộ 130 triệu đồng); linh mục và Ban hành giáo xứ Hưng Nghĩa hiến hơn 700m2 đất; Linh mục Bùi Đức Hạnh xứ Long Châu ủng hộ 400 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Khuê xứ Nam Hòa 600 triệu đồng; ông Đinh Văn Tịnh xứ Phạm Pháo 600 triệu đồng; gia đình anh Lương Mạnh Hùng, giáo xứ Hưng Nghĩa, ủng hộ 615 triệu đồng; ông Lại Xuân Bách giáo họ Trái Tim 430 triệu đồng; ông Phạm Hữu Thuấn xứ Nam Phương hiến 144m2 đất và 15 triệu đồng, ông Nguyễn Hải Triều xứ Xuân Thủy hiến 193m2 đất thổ cư để mở đường... 

Việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các tổ chức xã hội được người Công giáo trong huyện quan tâm thực hiện. Trong công tác tham gia xây dựng chính quyền, nhất là trong bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và bầu cử Quốc hội khoá XV vừa qua, bà con giáo dân đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, chân tình cho các ứng cử viên. Nhiều linh mục đã bố trí thời gian các khóa lễ phù hợp để bà con giáo dân đi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đông đủ, đúng giờ. Hiện nay có trên 1.200 con em người Công giáo được kết nạp vào Đảng; có 155 người Công giáo tham gia Ban chấp hành Đảng bộ các cấp, 306 người tham gia HĐND các cấp, 302 người tham gia Uỷ ban MTTQ các cấp... Trong đó nhiều con em người Công giáo được cử giữ những chức vụ chủ chốt trong chính quyền cơ sở như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã, thị trấn. Trong 5 năm qua có trên 900 con em người Công giáo lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giao quân của huyện hàng năm. Hầu hết các nhà thờ trong huyện đều được sửa sang, tôn tạo khang trang, sạch đẹp và có giá trị nghệ thuật văn hoá cao, phục vụ thiết thực cho sinh hoạt tôn giáo và nhu cầu tín ngưỡng của bà con giáo dân. 5 năm qua người Công giáo đã đóng góp, ủng hộ trên 260 tỷ đồng xây mới, tôn tạo nhà thờ, nhà phòng, nhà giáo lý và các công trình phụ trợ khác; tiêu biểu nhà thờ giáo xứ Ninh Mỹ, nhà thờ giáo xứ Tân Bồi, nhà thờ giáo xứ Thịnh Long, giáo xứ Xương Điền... Đến nay, toàn huyện có 117/148 lượt giáo xứ, giáo họ đạt tiêu chuẩn “Xứ, họ đạo tiên tiến” và trên 26.970 hộ giáo dân đạt tiêu chuẩn “Gia đình Công giáo gương mẫu”.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Việt Thắng



Máy đo vi khí hậu Kestrel 3500 công ty đo đạc

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com