Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Giao Thủy đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, tập trung nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Thẩm phán, thư ký Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy thu thập thông tin để hòa giải vụ, việc dân sự. |
Đồng chí Phạm Quốc Tuấn, Chánh án TAND huyện Giao Thủy cho biết: Với quyết tâm không để án tồn đọng quá hạn theo luật định, xét xử đúng người, đúng tội, hạn chế đến mức thấp nhất những bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa đổi. Hàng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án, không để tồn đọng, kéo dài. Bên cạnh đó, trong xét xử các vụ án hình sự, đơn vị duy trì giao ban nghiệp vụ để nắm tiến độ, đồng thời cho ý kiến chỉ đạo giải quyết đối với những vụ án khó, phức tạp. Trước khi đưa vụ án ra xét xử, các thẩm phán được phân công nhiệm vụ báo cáo tình hình, nội dung, hướng giải quyết. Quá trình xét xử, các phiên tòa hình sự đều được tiến hành theo hướng đổi mới thủ tục xét hỏi và mở rộng tranh tụng tại phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp. Đặc biệt, đơn vị thường xuyên tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Cùng với việc giao chỉ tiêu cho các thẩm phán, đơn vị lựa chọn các vụ án xét thấy có tính chất phức tạp, là án trọng điểm được cấp ủy, chính quyền và dư luận quan tâm; những vụ xâm phạm nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương và tình hình trật tự trị an xã hội như: Cướp tài sản có dùng hung khí; mua bán trái phép chất ma túy; gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ; tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức... để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; đồng thời báo cáo TAND tỉnh biết và chỉ đạo. Sau phiên tòa đều tổ chức họp rút kinh nghiệm. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của lãnh đạo và các đồng nghiệp tham dự phiên tòa, thẩm phán trực tiếp xét xử thấy được những ưu điểm, tồn tại, thiếu sót, từ đó nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng điều hành, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa và rèn luyện tác phong, bản lĩnh nghiệp vụ của thẩm phán, thư ký.
Ngoài ra, TAND huyện Giao Thủy còn bám sát Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12-11-2021 của Quốc hội khóa XV; và công văn của TAND tỉnh về việc: Tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến năm 2022 để chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật xét xử trực tuyến và đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu tổ chức xét xử trực tuyến. Bước đầu TAND huyện Giao Thủy đã tổ chức thành công 4 phiên tòa hình sự bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm Phòng xử án TAND huyện và tại điểm cầu thành phần Công an huyện Giao Thủy. Các phiên tòa đều tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ... theo các quy định của pháp luật. Việc xét xử trực tuyến đã giúp nâng cao chất lượng xét xử; thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Tòa án, mở rộng cơ hội tổ chức xét xử ở mọi nơi, mọi lúc; đảm bảo được an ninh trật tự phiên tòa và việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ án, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, yêu cầu cải cách tư pháp.
Trong quá trình giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, TAND huyện Giao Thủy luôn chú trọng đến công tác hoà giải. Đồng chí Vũ Ngọc Duyên, Phó Chánh án TAND huyện Giao Thủy cho biết: Năm 2022 số lượng vụ, việc đơn vị thụ lý, giải quyết giảm so với năm 2021. Đơn vị đã tập trung thực hiện Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14-3-2022 của Chánh án TAND Tối cao và chỉ đạo của TAND tỉnh về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án, nên số vụ việc chuyển sang thủ tục hòa giải tăng nhiều so với năm công tác trước. Nắm bắt được các vụ, việc án dân sự, hôn nhân và gia đình phần lớn có tính chất phức tạp, bởi vì những tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân, giữa các doanh nghiệp với nhân dân luôn diễn ra âm ỉ, kéo dài có những vụ án trải qua nhiều thế hệ, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế khi tham gia giao kết các loại hợp đồng dân sự; đặc biệt quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất đều gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu chứng cứ do các tài liệu liên quan được lưu trữ không tập trung, không đồng bộ và thất lạc nhiều. Quá trình giải quyết đơn vị luôn chú trọng đến công tác hoà giải, giải thích pháp luật, phân tích nội dung sự việc, thuyết phục, động viên các đương sự bàn bạc, thỏa thuận phương án giải quyết; đường lối giải quyết tốt, bảo đảm sự công bằng về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các bên đương sự. Nhờ đó, tỷ lệ hòa giải thành cao. Năm 2022, số lượng vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình đã chuyển sang hòa giải là 197/432 vụ việc; đã hòa giải thành 138/197 vụ việc, đạt tỷ lệ 70,1%, góp phần giảm bớt mâu thuẫn giữa các bên đương sự, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự, góp phần ổn định trật tự trị an tại địa phương.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nên các vụ án, vụ việc luôn được TAND huyện Giao Thủy giải quyết kịp thời theo quy định, chất lượng xét xử ngày càng cao. Năm 2022, TAND huyện Giao Thủy thụ lý tổng số 353 vụ, việc các loại; đã giải quyết, xét xử 350/353 vụ việc; đạt tỷ lệ 99,15%; 3 vụ việc còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Thời gian tới, TAND huyện Giao Thủy tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách công tác tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án với việc thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng xét xử, tổ chức kịp thời xét xử nghiêm minh các vụ án điểm, các vụ án lưu động để tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tăng cường hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại; sự phối hợp với các cơ quan tố tụng, các ngành chuyên môn khác và chính quyền địa phương, đẩy nhanh tiến độ làm án, nâng cao chất lượng công tác giải quyết xét xử các loại án. Phấn đấu án hình sự đạt tỷ lệ giải quyết xét xử từ 98% trở lên, áp dụng biện pháp xử lý hành chính và kinh doanh thương mại đạt 100%; các loại án khác đạt tỷ lệ giải quyết xét xử từ 95% trở lên./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin