Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vụ Bản, nhiệm kỳ 2020-2025 về xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị huyện Vụ Bản đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng văn hóa, con người Vụ Bản, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra.
Tiết mục tham dự Liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Vụ Bản chào mừng Quốc khánh 2-9 năm 2022. |
Xã Đại Thắng có 3.261 hộ dân với 11.068 nhân khẩu; có 3 di tích lịch sử quốc gia và 1 di tích lịch sử cấp tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo” xã đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện. Theo đó, chỉ đạo quán triệt triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; phổ biến nghị quyết trên loa truyền thanh, thông qua các hội nghị của Đảng ủy, UBND xã, các buổi sinh hoạt chi bộ. Phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử xã trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá về đất và người Đại Thắng, những tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, trao đổi, học tập với các xã trong huyện để tổ chức các hoạt động văn hóa. Duy trì và thực hiện tốt quy định về văn hóa tại cơ quan, đơn vị, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với các cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị và các chi bộ. Thường xuyên phát động cán bộ, công chức và nhân dân thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các di tích lịch sử - văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị. Các nhà trường trên địa bàn đã tổ chức giáo dục về giá trị lịch sử - văn hóa của địa phương trong chương trình ngoại khóa. Hương ước các thôn được rà soát, bổ sung và được UBND huyện phê duyệt năm 2022. Bám sát tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, cấp ủy, chính quyền xã Đại Thắng đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền để các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân tích cực hưởng ứng, đồng thuận hiến đất, tự nguyện tháo dỡ công trình trên đất, góp ngày công mở rộng đường giao thông nông thôn; tạo nguồn kinh phí đối ứng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với tổng kinh phí 125 tỷ đồng. Đến nay, cả 13/13 thôn ở xã Đại Thắng đã đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; 96,58% hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa”. 100% thôn, xóm có nhà văn hóa (NVH) và khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo tiêu chí NTM kiểu mẫu. Năm 2022, xã Đại Thắng được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,34%, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm còn 0,06%.
Đồng chí Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 04/NQ-HU của Huyện ủy được ban hành, UBND huyện đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-UBND và Kế hoạch số 61/KH-UBND, ngày 26-4-2022 về việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn huyện Vụ Bản; Kế hoạch số 65/KH-UBND, ngày 5-5-2022 về thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 trên địa bàn huyện Vụ Bản. Các cơ quan, đơn vị của huyện căn cứ Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy và chức năng, nhiệm vụ chuyên môn để xây dựng kế hoạch thực hiện trong cả giai đoạn 2021-2025 và cụ thể trong từng năm với mục tiêu và các giải pháp cụ thể, cả trong ngắn hạn và dài hạn, bảo đảm tính khả thi; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đồng thời phù hợp với điều kiện chung của huyện, điều kiện riêng của từng cơ quan, ngành, địa phương. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác truyền thông, tuyên truyền thực hiện nghị quyết, tuyên truyền về mảnh đất, con người, truyền thống văn hóa, truyền thống tốt đẹp, đặc biệt, các danh nhân tiêu biểu quê hương Vụ Bản trên các trang Fanpage, Zalo, Facebook của ngành; các xã, thị trấn tăng cường tin, bài phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở, trên trang thông tin điện tử của xã giới thiệu về mảnh đất, văn hóa, những truyền thống tốt đẹp, những danh nhân của địa phương. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được kiện toàn phù hợp với tình hình của địa phương. Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong xây dựng đời sống văn hoá và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Rà soát, bổ sung, sửa đổi và thực hiện tốt hương ước gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở thôn, xóm, tổ dân phố. Trong hương ước, chú trọng vận động thực hiện các nội dung như: Việc cưới, việc tang, giỗ không tổ chức ăn uống linh đình, không thuê khóc mướn, yểm bùa và các hình thức mê tín khác; không rải tiền, vàng mã khi đưa tang gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông; gia đình có người qua đời tổ chức tang lễ chu đáo, trang nghiêm phù hợp với tập quán địa phương và hoàn cảnh gia đình tang chủ; khuyến khích và tiến tới chỉ sử dụng hình thức hỏa táng. Mọi người đều phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh; các hộ trong cộng đồng dân cư vận động nhau xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh, đổ rác và xử lý rác đúng nơi quy định. Trong sinh hoạt và sản xuất không được để chất thải, khí thải gây ảnh hưởng đến môi trường chung, sức khỏe, sinh hoạt của những người xung quanh; thực hiện phân loại rác và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, 100% các hộ gia đình trong thôn (xóm), tổ dân phố ký cam kết thực hiện các quy định.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy Vụ Bản, việc thực hiện Nghị quyết đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính quyền; xây dựng con người Vụ Bản thân thiện, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: “Nghĩa tình - Văn minh - Năng động - Sáng tạo”, là nguồn lực quan trọng xây dựng xã, huyện đạt tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của huyện. Đến nay, 98,2% thôn, xóm, tổ dân phố của huyện đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; trên 98% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Toàn huyện đã xây mới 57 NVH thôn, xây mới 3 NVH xã; sửa chữa, nâng cấp 98 NVH thôn và 5 NVH xã với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. 100% làng, thôn, xóm có NVH hoặc khu sinh hoạt văn hóa, sân thể thao; toàn huyện có 119 sân bóng đá mi-ni, 41 sân bóng chuyền, bóng rổ, 170 sân cầu lông, 5 bể bơi phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và vui chơi giải trí của nhân dân. 100% hương ước, quy ước thôn, xóm, tổ dân phố đã được rà soát, bổ sung và được Chủ tịch UBND huyện ra quyết định công nhận. Trên địa bàn huyện có 182 di tích nằm trong danh mục bảo vệ; 35 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử (trong đó có 9 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh).
Trong năm 2022, huyện có thêm 3 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh đó là: Từ đường họ Đào (xã Minh Thuận), Đình Thông Khê (xã Cộng Hòa), Đình - Đền thôn Tiền (xã Tam Thanh); đề nghị Sở VH, TT và DL khảo sát, thống kê hiện vật; đề nghị bổ sung các hạng mục và sửa đổi tên gọi di tích Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh; đề nghị công nhận lễ hội truyền thống “Thái Bình Xướng ca” của xã Thành Lợi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc quản lý di tích và công tác trùng tu, tôn tạo các di tích được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản. Các di tích vẫn giữ được nét đặc trưng, đậm bản sắc văn hoá quê hương Vụ Bản. Các xã, thị trấn triển khai vận động, kêu gọi, tranh thủ các nguồn lực xã hội để thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích, khu tưởng niệm trên địa bàn xã, thị trấn; phục vụ đề án quy hoạch, xây dựng để kết nối các tuyến du lịch trên địa bàn và các địa phương lân cận. Tiêu biểu như tại di tích lịch sử - văn hóa Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh hiện đang được trùng tu, tôn tạo và mở rộng. Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh đã được tỉnh đồng ý phê duyệt dự án và đang tiến hành trùng tu, tôn tạo.
Năm 2023 và những năm tiếp theo, Vụ Bản phấn đấu 98% khu dân cư trở lên đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hoá”, 98% gia đình đạt “Gia đình văn hoá”; 100% thôn, xóm, tổ dân phố có NVH và khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo tiêu chí NTM; có thêm ít nhất 1 xã đạt chuẩn văn hóa NTM. 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị duy trì và thực hiện tốt quy định cụ thể về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương; 100% nhà trường tổ chức giáo dục về giá trị lịch sử - văn hóa địa phương trong chương trình ngoại khóa. Trường học phải khơi dậy khát vọng vươn lên cho học sinh và coi công tác giáo dục văn hóa - lịch sử cho học sinh như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược lâu dài. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, xây dựng con người thời kỳ đổi mới và hội nhập, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa gia đình. Các cơ quan, đơn vị chú trọng xây dựng văn hóa công sở, chấp hành chính sách pháp luật, nội quy, quy chế cơ quan; khu dân cư quan tâm việc thực hiện hương ước; gia đình chú trọng giữ gìn giá trị tốt đẹp văn hóa gia đình, dòng họ... Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở; duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các liên hoan, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân vũ, phong trào thể dục, thể thao quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn theo các tiêu chí về xây dựng NTM. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin