Trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường luôn tiềm ẩn phức tạp, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân. Trước thực tế đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát Môi trường toàn tỉnh nói chung, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) nói riêng phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trau dồi nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh với tội phạm, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, lập nên nhiều chiến công xuất sắc.
Lực lượng Cảnh sát Môi trường (Công an thành phố Nam Định) nghiên cứu hồ sơ phục vụ điều tra, phá án. |
Trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát Môi trường toàn tỉnh đã tập trung đấu tranh với 3 nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường gồm: Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Cụ thể, lực lượng Cảnh sát Môi trường toàn tỉnh đã xử lý 179 vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường, khởi tố 3 vụ liên quan đến động vật hoang dã. Quá trình điều tra, xử lý, lực lượng Cảnh sát Môi trường xác định loại tội phạm và vi phạm pháp luật này vẫn diễn biến phức tạp; nổi lên là vi phạm các quy định trong quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại ở địa điểm sản xuất thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, công tác thu gom, quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại chưa được quan tâm đúng mức làm gia tăng tỷ lệ vi phạm. Tình trạng xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường; vấn nạn ô nhiễm môi trường nước, không khí, khói bụi, tiếng ồn tại một số làng nghề vẫn ở mức nghiêm trọng, chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả; tập trung ở thành phố Nam Định, các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên… Lĩnh vực điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường luôn khó khăn, quyết liệt trước những thủ đoạn mới của tội phạm. Tỉnh ta không có nhiều tài nguyên, khoáng sản nên tội phạm, vi phạm pháp luật tập trung vào việc khai thác cát đen trái phép. Đối tượng vi phạm thường lợi dụng lúc đêm tối, địa điểm phân chia ranh giới trên sông chưa rõ ràng giữa tỉnh ta và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam để hoạt động trục lợi. Trong năm, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã phát hiện, xử lý 79 vụ việc, trong đó 1 vụ nghiêm trọng phải tiến hành khởi tố. Đó là hồi 23 giờ ngày 5-9-2022, trên tuyến sông Hồng, đoạn qua địa bàn giáp ranh giữa huyện Xuân Trường và huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, lực lượng Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an huyện Xuân Trường kiểm tra, phát hiện phương tiện thủy có tải trọng 90 tấn, không treo biển kiểm soát, đang có hành vi hút cát từ lòng sông Hồng. Qua đấu tranh, khai thác, xác định 3 đối tượng đều ở xã Xuân Châu (Xuân Trường) gồm Đoàn Văn Tám (SN 1983) là chủ phương tiện; Đoàn Văn Chiến (SN 1998) là người điều khiển phương tiện; Phạm Công Hoan (SN 1976) là người vận hành máy hút cát từ lòng sông Hồng lên khoang phương tiện. Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; trên khoang phương tiện thủy có khoảng 35 mét khối cát, Phòng Cảnh sát Môi trường đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”…
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không kiểm dịch thường xuyên diễn ra cả ở địa bàn thành phố và vùng nông thôn. Trong năm, toàn tỉnh không để xảy ra ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nhưng số vụ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm vẫn cao. Lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện, xử lý 153 vụ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm trước, trong đó khởi tố 2 vụ sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm. Điển hình như ngày 28-7-2022, ở khu vực ngã tư đường Trần Hưng Đạo và đường Trường Chinh thuộc thành phố Nam Định, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện đối tượng Nguyễn Thành Nam (SN 1982), hộ khẩu thường trú tại phường Trường Thi (thành phố Nam Định) đang vận chuyển 1 cá thể Culi (tên khoa học Nycticebus Pygmaeus) là động vật hoang dã thuộc nhóm thú nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Vụ việc đã được đề nghị truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật… Triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, lực lượng Cảnh sát Môi trường toàn tỉnh đang từng bước hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, lực lượng Cảnh sát Môi trường toàn tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, tích cực phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh những vụ việc liên quan đến tình trạng xả thải công nghiệp không qua xử lý tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; tình trạng vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm gây tâm lý lo lắng trong xã hội, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch, sử dụng các chất phụ gia độc hại, không bảo đảm vệ sinh để chế biến thực phẩm, vận chuyển, giết mổ động vật hoang dã, quý hiếm; hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, nguồn nước ngầm trái phép… Trước yêu cầu và thực tiễn đặt ra, lực lượng Cảnh sát Môi trường tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Công an tỉnh và các cấp chính quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý; chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, xử lý những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có tính cảnh báo cao, dư luận quan tâm, tạo chuyển biến tích cực về an ninh trật tự, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
Bài và ảnh: Xuân Thu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin