Những nhà giáo tận tâm với sự nghiệp "trồng người"

08:42, 14/11/2022

Như những người chèo đò thầm lặng, các thầy, cô giáo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn miệt mài vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”. Dù chuyên môn khác nhau nhưng tất cả họ đều chung một tình yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Cô giáo Phạm Thị Hằng, Trường THCS thị trấn Yên Định (Hải Hậu) trong một giờ lên lớp.
Cô giáo Phạm Thị Hằng, Trường THCS thị trấn Yên Định (Hải Hậu) trong một giờ lên lớp.

Trải qua nhiều vị trí công tác như giáo viên Trường Tiểu học A Nghĩa Hải, Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Lợi, từ năm 2014 đến nay, thầy Đỗ Hồng Duy được điều động, luân chuyển về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Bằng sự tận tâm và say mê với nghề, thầy đã cùng với tập thể nỗ lực hết mình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Dưới sự dẫn dắt của thầy, nhiều năm qua, nhà trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, được đánh giá là đơn vị có chất lượng giáo dục đứng đầu huyện. Với kinh nghiệm là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, tham gia thẩm định chương trình môn học, có nhiều cơ hội được tiếp cận với đổi mới giáo dục, thầy Duy thường xuyên chú trọng đổi mới công tác quản lý, vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của nhà trường và yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Đặc biệt, hai năm qua, thầy đã chỉ đạo và hỗ trợ đồng nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19 thực hiện tốt chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, thầy đã tập trung xây dựng đội ngũ đoàn kết, khắc phục khó khăn, biết học hỏi, hợp tác trong công việc, có tinh thần cầu tiến. Đến nay, nhà trường đã có 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn theo năng lực nghề nghiệp, 100% giáo viên giỏi cấp trường, 5 giáo viên giỏi cấp tỉnh. Từ năm học 2020-2021 đến nay, từ nguồn vận động tài trợ, trường đã trang bị 34 ti vi cho 34 phòng học, phòng chức năng phục vụ dạy học. Dưới sự “chèo lái của người thuyền trưởng” cùng sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, từ năm 2014 đến nay Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông luôn xếp trong tốp đầu cấp tiểu học toàn huyện. Hàng năm, nhà trường có từ 60-70% học sinh được khen thưởng về hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện; có thành tích vượt trội trong học tập và rèn luyện. Kết quả kiểm tra định kỳ và khảo sát của học sinh toàn trường do Phòng, Sở GD và ĐT tổ chức, nhiều năm liền trường được xếp vào tốp đầu của huyện. Phong trào bồi dưỡng học sinh năng khiếu của trường đạt kết quả xuất sắc với hàng trăm học sinh đạt giải mỗi năm. Từ năm học 2014 đến nay, trường liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2021-2022 trường được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc. Với vai trò là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, đại biểu HĐND thị trấn Rạng Đông, thầy đã tham mưu xây dựng nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, góp phần đưa phong trào giáo dục nơi đây phát triển khá bền vững.

Tâm huyết, tận tụy với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học là những nhận xét của đồng nghiệp về cô giáo Phạm Thị Hằng, tổ trưởng tổ Khoa học xã hội Trường THCS Yên Định (Hải Hậu). Sinh ra và lớn lên tại xã Hải Phương (Hải Hậu), với niềm đam mê các môn khoa học xã hội, ngay từ nhỏ, cô Phạm Thị Hằng ước mơ trở thành cô giáo để truyền đạt lời văn đẹp, ý thơ hay tới lớp lớp học trò ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn - Địa lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, cô Hằng được phân công giảng dạy tại Trường THCS Hải Minh (Hải Hậu). Năm học 2014-2015, cô được chuyển về Trường THCS Hải Phương và đến năm 2018-2019, cô về giảng dạy tại Trường THCS Yên Định. Dù ở bất cứ đơn vị công tác nào, cô giáo Hằng cũng luôn tâm huyết với nghề, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, “truyền lửa” tới các em học sinh yêu môn học Ngữ văn và Địa lý. Dù dạy song song ở cả hai bộ môn, cô Hằng quan niệm, ngoài niềm đam mê, tâm huyết, người dạy còn cần tự trau dồi kỹ năng truyền thụ và biểu cảm trong mỗi bài giảng. Bởi vậy, trong suốt hơn 20 năm giảng dạy, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp truyền đạt để vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn giảng dạy. Đối với môn Ngữ văn, mục tiêu của cô là tìm cách truyền thụ để học sinh dễ hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp, tính nhân văn của bộ môn này. Trong mỗi bài giảng của mình, cô giáo Hằng đưa ra nhiều dẫn chứng từ những bài thơ, bài văn, những kiến thức được chắt lọc trong suốt quá trình giảng dạy đồng thời khéo léo gửi gắm những bài học làm người, tư tưởng sống tích cực, sống có lý tưởng, dạy học trò biết yêu thương... Nhờ vậy, mỗi tiết học của cô đều trở nên hấp dẫn, sôi nổi, tạo không khí hào hứng, được học sinh đón chờ. Đối với môn Địa lý, được coi là môn học khô khan, nhưng với những kiến thức nền tảng được tích lũy trong quá trình học tập, những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình giảng dạy, cô Hằng đã truyền cho học trò niềm hứng thú, tình yêu với môn học. Cô cũng là giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy, thay vì lối truyền đạt truyền thống thầy giảng trò ghi bài, cô đã thiết kế và tổ chức các hoạt động học tập để học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức, giáo viên chỉ đóng vai trò định hướng, điều chỉnh giúp cho tiết học trở nên sôi nổi, hiệu quả hơn mà còn giúp cho học sinh phát huy được các khả năng như thuyết trình, hợp tác, làm việc nhóm… Càng gắn bó với nghề, cô Hằng càng thể hiện niềm đam mê qua năng lực giảng dạy. Cô đã 2 lần tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi và được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt cô còn rất ý thức và say mê nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm. Những năm qua, cô Hằng đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong chuyên môn được giải cấp tỉnh và được ứng dụng vào thực tế giảng dạy tại trường. Trong đó, 6 năm liền, từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, cô đều có sáng kiến kinh nghiệm ở các lĩnh vực môn: Ngữ văn, Địa lý, Công tác chủ nhiệm đạt thành tích xuất sắc được Sở GD và ĐT khen thưởng, Sở Khoa học và Công nghệ công nhận và năm học 2020-2021, cô đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ 8 với đề tài: "Một số kinh nghiệm phối kết hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với giáo viên dạy bộ môn Tin học trong việc giáo dục về Luật An ninh mạng cho học sinh THCS". Ngoài ra, cô nhiều lần được Sở GD và ĐT khen thưởng với những thành tích xuất sắc trong thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông; Công đoàn giáo dục tặng thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Trong vai trò là giáo viên trực tiếp đứng lớp, tổ trưởng chuyên môn của trường và tham gia ban giám khảo các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm của Phòng GD và ĐT ở cả hai môn Ngữ văn và Địa lý, cô Phạm Thị Hằng luôn hòa đồng, lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, phát động phong trào, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh; cùng với tổ chuyên môn nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm, cô được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến.

Nhiều năm qua, chất lượng GD và ĐT của tỉnh luôn đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ, giáo viên, trong đó có thầy giáo Đỗ Hồng Duy, cô giáo Phạm Thị Hằng. Mỗi người một tấm lòng, một cách thể hiện trách nhiệm của mình trong sự nghiệp GD và ĐT đã và đang không ngừng nêu cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com