Tối 22-5, tại Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh (thành phố Nam Định), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức công diễn vở kịch nói "Điều còn lại" (tác giả kịch bản: Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương; đạo diễn: NSƯT Đào Quang; thiết kế mĩ thuật: Họa sĩ Đặng Minh Tuấn).
Bối cảnh câu chuyện của vở kịch là thời hậu chiến ở thôn Vòng - một vùng quê nông thôn miền Trung. Câu chuyện xoay quanh những sự việc, cách ứng xử của các nhân vật: bà Muộn (mẹ chồng), cô Thuyến (con dâu - vợ anh Bân), anh Bường (bộ đội đi qua làng), cháu Được (con anh Bường và chị Thuyến)... Thuyến - một cô gái mới 18 tuổi, lấy chồng là anh Bân được mấy hôm thì chồng phải ra chiến trường. Chồng đi xa khi vừa "bén mùi", tình cảm luyến lưu chưa đủ sâu đậm nên ở nhà Thuyến đã nhất thời nảy sinh tình cảm "dại dột" với anh Bường - anh bộ đội đi qua làng và để lại kết quả là một đứa con. Sự việc bị phát hiện và lan truyền, hai người bị làng xóm, chính quyền đấu tố vì tội “hủ hóa” nhưng bà Muộn - mẹ chồng Thuyến đã lên tiếng bênh vực cho con dâu với lý do "muốn có đứa cháu để trông cậy về sau này". Sau 15 năm đi biền biệt, anh Bân đột ngột trở về. Qua lời anh kể thì ra anh bị mất trí nhớ do bom đạn, sau mới hồi phục dẫn và nhớ ra trở về quê nhà. Mọi việc vỡ lở và anh không chấp nhận được sự thật ấy. Cuộc sống của gia đình nhà Thuyến - Bân bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Để rồi, quyết định cuối cùng của anh Bân là đi tìm bố về cho bé Được.
Câu chuyện trong vở kịch nói "Điều còn lại" ca ngợi tình yêu thương, sự bao dung và lòng vị tha của con người, đó là hình tượng người mẹ, người vợ trong chiến tranh, không chỉ vượt lên những vất vả, thử thách bởi nỗi thương nhớ, cô đơn mà còn cả những định kiến xã hội. Mỗi nhân vật trong vở diễn mang một giá trị phẩm chất nhân cách, nổi bật là biết tha thứ, biết sống cả vì người khác. Điều còn lại sau vở kịch là những vết thương trong tâm hồn tuy chưa thể lành nhưng đã dịu bớt bởi được an ủi, chia sẻ bằng tình yêu thương. Thông điệp của vở diễn nhằm khai thác đời sống tâm lý, tình cảm của các nhân vật, cách ứng xử giữa con người với con người, cùng đối diện với nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra; đừng nên khoét sâu vào vết thương mà nên chia sẻ, cảm thông, lấy tình yêu thương để xoa dịu nỗi đau...
Đây cũng là vở diễn được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đầu tư để tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 6-2024 tại tỉnh Thái Nguyên./.
Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin